Thanh Hóa: "Chàng trai 36" nuôi thành công đông trùng hạ thảo, nắm trong tay tới 4 sản phẩm OCOP 3 sao

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ tư, ngày 18/08/2021 06:17 AM (GMT+7)
Sau nhiều lần thất bại, anh Nguyễn Văn Tuấn đã nghiên cứu thành công việc nuôi cấy, nhân giống đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Tuấn là một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
Bình luận 0

Từ những thất bại liên tiếp

Dẫn chúng tôi đi tham quan quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo của mình, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985) ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa tự hào "khoe" về thành quả mà anh đã dành nhiều năm liền để chinh phục với không ít mồ hôi và tiền của.

Trong căn phòng rộng chừng 30m2, luôn được anh duy trì nhiệt độ từ 18 - 20 độ C, hàng nghìn hộp đông trùng hạ thảo đủ các độ tuổi được xếp ngay ngắn thành hàng trên các giá đỡ. Ngoài ra, anh còn bố trí hệ thống đèn led để đảm bảo độ sáng cho quá trình sinh trưởng phát triển của nấm.

Chàng trai 36 “chinh phục” đông trùng thảo và có trong tay 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao  - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985) ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) hiện đã có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ảnh Hữu Dụng

Anh Tuấn cho biết, phòng nhân nuôi này có thể sản xuất gần 30.000 hộp đông trùng hạ thảo mỗi tháng. Không những sản xuất được một loại, mà cơ sở này hiện còn sản xuất được nhiều loại đông trùng hạ thảo từ các loại phôi khác nhau.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua những thất bại tưởng chừng như phá sản. Anh Tuấn kể: "Ngay từ khi học tại Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức, tôi đã mơ ước sẽ khởi nghiệp và làm giàu bằng nghề của mình trên mảnh đất quê hương. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu từ cây nấm linh chi nhưng thất bại không lâu sau đó".

Qua một lần tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo là loài có giá trị dinh dưỡng và đầy tiềm năng phát triển, trong khi đó sản phẩm tự nhiên lại vô cùng khan hiếm, giá thành cao. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại nấm đông trùng hạ thảo, song phần lớn chất lượng không đảm bảo, thật giả lẫn lộn.

Chàng trai 36 “chinh phục” đông trùng thảo và có trong tay 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao  - Ảnh 2.

Sau nhiều lần thất bại anh Nguyễn Văn Tuấn - ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã làm chủ hoàn toàn được quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo. Ảnh Hữu Dụng

Nắm bắt được thực tế đó, anh đã tìm tòi, tự nghiên cứu công thức nuôi cấy và nhân giống đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. "Năm 2017, tôi đã quyết tâm nghiên cứu để sản xuất mô hình nuôi nhân tạo. Đồng thời vay mượn hàng tỷ đồng để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan về để sản xuất"- anh Tuấn chia sẻ.

Tuy nghiên, khởi nghiệp với mô hình mới chưa được bao lâu, đến đầu năm 2018, cả nghìn hộp sản phẩm của anh Tuấn tự nhiên bị hỏng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Theo anh, thời gian đó do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc cấy phôi trên nhộng tằm gặp nhiều khó khăn, anh đã có lúc như sụp đổ hoàn toàn. Bạn bè, người thân ái ngại, khuyên nhủ anh nên tìm một công việc dễ dàng hơn để làm.

Làm theo cách riêng, độc và lạ

Không cam tâm dừng lại ở đó, anh Tuấn tiếp tục vay mượn vốn, thậm chí vay lãi để tiếp tục. Lấy những thất bại trước làm bài học. thực hiện thêm cả trăm thí nghiệm, cuối cùng anh cũng đúc kết được những kinh nghiệm cần thiết.

Chàng trai 36 “chinh phục” đông trùng thảo và có trong tay 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao  - Ảnh 3.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn hiện có rất ít cơ sở sản xuất được đông trùng hạ thảo vào các khay đựng to như thế này, vì tỷ lệ thành công thấp. Ảnh Hoài Thu

Từ năm 2019 đến nay, cơ sở sản xuất của anh liên tiếp gặt hái được những thành công. Đầu tháng 2 năm nay, ông chủ sinh năm 1985 đầu tư thêm một cơ sở sản xuất mới nữa. Ngoài việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, anh còn mạnh dạn biến phòng nhân nuôi thành "3 trong 1" khi kết hợp quy trình nuôi tối, quy trình nuôi sáng và lắc giống trên cùng một diện tích phòng, điều mà trước nay chưa ai dám làm. Thêm vào đó, anh cũng thử nghiệm nuôi đông trùng hạ thảo trong những hộp lớn hơn để tiết kiệm chi phí.

Anh Tuấn cho biết: "Việc nuôi kết hợp 3 trong 1 và nuôi trong hộp lớn giúp tiết kiệm hơn và hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là chỉ với một bất cẩn nhỏ, sản phẩm dễ bị hỏng với số lượng lớn. Do đó, mọi quy trình sản xuất phải thực hiện trong môi trường vô khuẩn một cách vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ".

Chàng trai 36 “chinh phục” đông trùng thảo và có trong tay 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao  - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Tuấn đang trao đổi với phòng viên Báo Dân Việt về quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo. Ảnh Hữu Dụng

Để sản xuất những hộp nấm đạt tiêu chuẩn, anh cho biết phải trải qua 4 giai đoạn chính: Nuôi sợi, tạo quả thể, nuôi quả thể và thu hoạch. Quá trình nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện, duy trì độ ẩm từ 85 - 95%, sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng phải để trong tối từ 7 - 10 ngày, khi phôi ăn kín đáy mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau khoảng 70 ngày, các ngọn nấm bắt đầu chuyển sang màu vàng đậm hơn so với phần thân thì có thể thu hoạch được.

Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất của anh Tuấn còn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Anh khẳng định: "Toàn bộ quy trình ở đây là quy trình khép kín, tự sản xuất 100%. Chúng tôi cũng không nhận chuyển giao kỹ thuật từ ai".

Đối với giá thể nuôi, anh dùng nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin B1, B12, B6... được trộn lẫn, nghiền nhỏ, cân bằng độ PH, đưa vào nồi hấp ở 121 độ C, sau được làm nguội và cấy giống đông trùng hạ thảo.

Chàng trai 36 “chinh phục” đông trùng thảo và có trong tay 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao  - Ảnh 5.

Hiện anh Nguyễn Văn Tuấn - ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đang sở hữu 4 sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh Hoài Thu

Anh Tuấn cũng nghĩ ra nhiều cách để làm phong phú sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng. Ngoài đông trùng hạ thảo tươi, anh đầu tư mua máy sấy lạnh để chế biến đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo chưng tổ yến, rượu đông trùng hạ thảo...

Đặc biệt, với giá thể sau khi thu hoạch đông trùng hạ thảo là thứ tưởng chừng bỏ đi, anh Tuấn sử dụng công nghệ sấy thăng hoa tận dụng làm trà túi lọc hoặc xay nhuyễn làm bột dinh dưỡng.

Bước đầu thành công và gắn sao OCOP cho 4 sản phẩm

Sản phẩm đông trùng hạ thảo được anh lấy tên thương mại Đăng Khoa, đưa ra và được thị trường tiếp nhận với giá rẻ hơn nhiều nhập khẩu nước ngoài và một số nơi trong nước. Với giá 200.000 đồng/hộp tươi và đông trùng hạ thảo khô bán giá 750.000 đồng/hộp, sản phẩm bán tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận, Nghệ An và Thanh Hóa.

Chàng trai 36 “chinh phục” đông trùng thảo và có trong tay 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao  - Ảnh 6.

Hiện anh Nguyễn Văn Tuấn đang nghiên cứu để tận dụng giá thể trồng nấm. Ảnh Hoài Thu

Năm vừa qua, doanh thu của anh đạt 1,2 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận chưa có nhiều do phải tái đầu tư, song với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh đang có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai. Hiện cơ sở sản xuất của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 5 – 7 triệu đồng/ tháng.

Năm 2020, ba sản phẩm gồm đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô và rượu đông trùng hạ thảo của anh Tuấn được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa và gắn 3 sao.

Để các sản phẩm của mình tiếp cận được khách hàng, anh đã xây dựng một cửa hàng trưng bày tại tiểu khu Yên Hạnh 2, thị trấn Nga Sơn (Thanh Hóa). Tại đây, không chỉ bày bán các sản phẩm của mình, anh còn đăng ký để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa với hàng chục sản phẩm.

Với những thành công ban đầu, anh Tuấn dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất theo quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem