Sơn La: Quanh năm ngồi nhà làm ra thứ cây bonsai "bất tử" bán đi khắp nơi

Đặng Trung Hải-Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 04/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Từ những sợi dây đồng tưởng chừng như vô tri, vô giác nhưng qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của anh Lê Duy Đức (tiểu khu 16, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã trở thành những cây bonsai độc đáo, lạ mắt mang đầy tính nghệ thuật.
Bình luận 0

Clip: Một cây bon sai "bất tử" của anh Đức.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Duy Đức ở tiểu khu 16 (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) để tìm hiểu về môn nghệ thuật độc đáo này. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà của anh Đức tuy nhỏ nhưng phần lớn không gian trong nhà được anh Đức trưng bày rất nhiều các mặt hàng bonsai từ dây đồng.

Các sản phẩm được tạo lên từ những sợi đồng bày trong nhà anh Đức với đầy đủ kích thước, màu sắc, hình dáng khác nhau nhìn rất nghệ thuật và độc đáo. Nếu nhìn từ xa khó có thể phân biệt được đâu là bonsai thật và bonsai làm từ dây đồng.

Bỏ túi 300 triệu mỗi năm nhờ tác phẩm bonsai "bất tử" - Ảnh 2.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường anh Đức làm sản phẩm bonsai bằng dây đồng theo 3 phân khúc là bình dân – trung lưu – thượng lưu.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đức cho biết: Nghệ thuật làm bonsai bằng dây đồng đã có từ lâu trên thế giới, xuất phát từ ý tưởng của một nghệ nhân người Nhật Bản. 

Ở Việt Nam, trào lưu làm bonsai bằng dây đồng này mới xuất hiện mấy năm trở lại đây. Cơ duyên đến với tôi từ năm 2008, khi tôi được một người bạn đi du học từ Nhật Bản trở về nước tặng một chậu bonsai bằng dây đồng. Thấy độc đáo và đẹp mắt nên tôi đã tìm hiểu và học hỏi cách làm. 

Sau một thời gian mở xưởng làm việc tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Gia Lâm (Hà Nội) đến cuối năm 2019, anh Đức lập gia đình và chuyển về tiểu khu 16 (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) tiếp tục công việc đam mê tại đây.

Bỏ túi 300 triệu mỗi năm nhờ tác phẩm bonsai "bất tử" - Ảnh 3.

Anh Lê Duy Đức đang chế tác tác phẩm bonsai bằng dây đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng làm việc, anh Đức chia sẻ: Làm bonsai bằng dây đồng nhìn thì dễ nhưng thực ra rất khó. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì phải trải qua nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Nghề này ngoài có khiếu thẩm mĩ còn đòi hỏi sự kiên trì cao độ.

Theo anh Đức, trong các công đoạn thì khó nhất là việc lên ý tưởng cho sản phẩm. Đôi khi phải mất cả ngày mới định hình được nội dung, hình dáng. 

Sau khi ý tưởng được hình thành, công việc tiếp theo là cắt dây đồng, làm lá. Tiếp đó là tạo cành, tạo tán, tạo thân, rễ… Một cây bonsai đẹp thì không chỉ ở màu sắc mà còn phải có hồn. Đồng thời, phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật từ bộ đế cho đến thân cây, cành cây...

Bỏ túi 300 triệu mỗi năm nhờ tác phẩm bonsai "bất tử" - Ảnh 4.

Những tác phẩm của anh Lê Duy Đức rất đa dạng về mẫu mã

Bên cạnh đó, anh Đức còn sử dụng các loại hạt cườm có màu sắc khác nhau, cũng như các loại dây đồng có màu khác nhau để đáp ứng nhu cầu làm những sản phẩm riêng biệt, phù hợp với phong thủy và sở thích của từng khách hàng. 

Tất cả những tác phẩm của anh Đức không tác phẩm nào giống tác phẩm nào, mỗi tác phẩm là một ý tưởng, hình dáng khác nhau.

Anh Đức cho biết thêm: Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tôi làm sản phẩm theo 3 phân khúc là bình dân – trung lưu – thượng lưu. Giá dao động từ 200 nghìn đồng đến trên 20 triệu đồng/tác phẩm.

Bỏ túi 300 triệu mỗi năm nhờ tác phẩm bonsai "bất tử" - Ảnh 5.

Qua bàn tay của anh Lê Duy Đức từ những sợi dây đồng bỏ đi đã trở thành những cây bonsai "bất tử" rất có hồn và cuốn hút.

Sau gần 15 năm kiên trì học hỏi, gắn bó với nghề, anh Đức đã tạo ra trên 300 tác phẩm, nhiều tác phẩm đạt đến trình độ nghệ thuật cao và ý nghĩa như: Hào khí dân tộc, Tam quân long thụ,… Mỗi năm, gia đình anh Đức thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng từ việc bán các tác phẩm bonsai bằng dây đồng và tạo công ăn việc làm cho 2 lao động với mức lương dao động từ 5 triệu đồng đến 9 triệu đồng.

Những tác phẩm bonsai làm từ dây đồng của anh Đức được thị trường đón nhận, làm đến đâu hết đến đó. Hiện nay, đa số các mặt hàng của anh Đức đều được tiêu thụ ở thị trường trong nước. 

Trong đó, khoảng 80% các sản phẩm của anh đều được Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú (phường Phường Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đặt hàng. Ngoài ra, một số ít sản phẩm cũng được anh xuất khẩu sang nước ngoài.

Trong thời gian tới, để sản phẩm bonsai làm từ dây đồng tiếp tục được nhiều nơi biết đến, đồng thời nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Đức sẽ mở rộng thêm diện tích xưởng sản xuất, thuê thêm nhân công và đa dạng các mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem