Sau lũ lớn, vườn tược úa tàn, nông dân Hà Tĩnh gấp rút cứu cây làm giàu

Tập Thỏa Thứ ba, ngày 07/11/2023 05:31 AM (GMT+7)
Những ngày qua, Hội Nông dân huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với các ngành chuyên môn gấp rút triển khai các biện pháp để phục hồi vườn bưởi Phúc Trạch bị ngập lụt.
Bình luận 0

Thời gian qua mưa lớn kéo dài khiến huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) ngập sâu nhiều ngày. Sau trận lũ, khoảng 540ha cây ăn quả bị ngập. Trong đó, 500 ha bưởi Phúc Trạch, 36 ha cam các loại, chủ yếu tập trung ở các xã Hương Trạch (90ha), Lộc Yên (85ha), Hương Xuân (35ha), Phú Gia (15ha), Hương Thủy (115ha), Gia Phố (30ha), Hương Giang (17ha).

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 1.

Mưa lớn kéo dài khiến huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) bị ngập lụt kéo dài từ ngày 28-31/10. Ảnh: PV

Những vườn cây ăn quả bị nhuốm đầy bùn đất, bắt đầu khô héo có nguy cơ cây chết ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của bà con nông dân.

Để giảm tối đa thiệt hại, giúp bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả do lũ lụt, Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phối hợp với các ngành chuyên môn đã xuống các địa phương hướng dẫn xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ.

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 2.

Ngập sâu trong thời gian dài khiến nhiều diện tích bưởi Phúc Trạch, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng rụng lá, nhiều cây bưởi ảnh hưởng nặng khó hồi phục. Ảnh: PV

Sau mưa lũ, hơn 150 gốc bưởi của gia đình ông Phạm Dương Lành (trú tại thôn Tân Thành, xã Hương Trạch) xuất hiện tình trạng rụng lá, nhiều cây bưởi ảnh hưởng nặng khó hồi phục.

Ông Phạm Dương Lành, cho biết: "Vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình tôi phát triển tốt, sắp cho thu hoạch vào mùa vụ tới. Gia đình đã đầu tư công sức, tiền của từ mua cây giống, bón phân, mua thuốc phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc làm cỏ thường xuyên cho cây cũng rất tốn kém.

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 3.

Vườn bưởi của gia đình ông Phạm Dương Lành, Hương Khê, Hà Tĩnh bị héo lá, nguy cơ chết. Ảnh: PV

Kỳ vọng vụ tới vườn bưởi sẽ cho quả thu hoạch, nhưng tất cả công sức đầu tư trong 3 năm chỉ một trận lũ đã cuốn đi tất cả, giờ chỉ mong cứu được cây nào hay cây ấy".

Cùng chung hoàn cảnh ngộ với ông Lành, bà Trần Thị Hường (thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch), buồn bã nói: "Vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình bị ngập sâu hơn 1,7m. Do nước lũ ngâm nhiều ngày, nhiều gốc bưởi đã cho thu hoạch cũng có dấu hiệu vàng lá, bắt đầu rụng, nguy cơ bị chết cao".

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 4.

Ông Phạm Dương Lành (đứng thứ 2 từ phải qua trái) cố gắng cứu bưởi. Ảnh: PV

"Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chúng tôi cũng đào rãnh xung quanh tán cây, phơi rễ và kết hợp bón phân chuồng, vôi bột để tạo độ tơi xốp và tăng độ pH cho đất. Đồng thời sử dụng các loại thuốc để phòng trừ nấm, bệnh", bà Hường cho biết.

Trận lũ vừa qua đã khiến hơn 90ha diện tích trồng bưởi Phúc Trạch của xã Hương Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) ngập trong nước nhiều ngày. Lũ lớn khiến diện tích bưởi Phúc Trạch của xã này có dấu hiệu bệnh thối rễ vàng lá, chảy nhựa trên cây bưởi…

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, trú tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục cây Ăn quả bị ngập nước. Ảnh: PV

Tại xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) có khoảng 215 ha diện trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó hơn 100ha đã cho thu hoạch. Trận lũ lớn vừa qua khiến hơn 70 ha diện tích trồng bưởi xã này bị ngập lụt.

Ngay sau khi nước lũ rút, Hội Nông dân huyện Hương Khê phối hợp với Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê đã tổ chức khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và phân công cán bộ kỹ thuật, phối hợp với các xã về tận hộ dân, đến các vườn bưởi Phúc Trạch bị ngập lụt để hướng dẫn cho bà con nhân dân cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi sau mưa lũ.

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 6.

Bà con được cán bộ kỹ thuật xuống tận vườn bưởi Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh hướng dẫn trực tiếp. Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng-cán bộ kỹ thuật Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê, cho biết: "Sau mưa lũ, nông dân nên thực hiện cắt bớt cành lá, các lộc non; xới xáo, phá váng bề mặt đất.

Sử dụng vôi bột rải đều trên bề mặt đất của vườn cây. Bên canh đó, sử dụng các loại thuốc phun trực tiếp lên lá, thân, cành để vệ sinh vườn và phòng chống nấm bệnh gây hại đặc biệt bệnh chảy gôm".

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 7.

Nông dân tiến hành xới xáo, phá váng bề mặt đất theo hướng dẫn của chuyên gia. Ảnh: PV

Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê nên sử dụng thuốc Ridomil Gold 68WG, Aliete Aliette 800WG pha 100g thuốc trong 40 lít nước hoặc các loại thuốc gốc đồng và phun lại sau 10 ngày.

Để phòng nấm bệnh gây hại bộ rễ, nông dân cần sử dụng các loại thuốc Ridomil Gold 68WG hoặc Aliete 800WG để tưới trên toàn vườn cây với liều lượng 100 gam thuốc pha trong 40 - 50 lít nước.

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 8.

Sau lũ rút, nhiều diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bị rụng lá, thối gốc và chết. Ảnh: PV

"Dùng doa tưới đều trên bề mặt đất từ gốc ra đến tán cây và tưới lại 2 - 3 lần liên tục, mỗi lần cách nhau 20 – 30 ngày kết hợp với kích thích ra rễ. Định kỳ sử dụng nấm Trichomdacma tưới cho vườn cây 45 - 60 ngày một lần hoặc tưới 3 lần liên tục trước, trong và sau mùa mưa…", bà Nguyễn Thị Bích Hồng-cán bộ kỹ thuật Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê, nhấn mạnh.

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 9.

Ông Đinh Công Tịu-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê, trực tiếp chèo đò giúp đỡ nông dân trong mưa lũ vừa qua. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Công Tịu-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê, cho biết: "Sau lũ, Hội Nông dân huyện đã kịp thời có văn bản gửi đến các xã hướng dẫn, chỉ đạo giúp dân cứu cây bưởi Phúc Trạch. 

Hà Tĩnh: Gấp rút giúp dân cứu cây đặc sản sau lũ lớn - Ảnh 11.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Hương Khê hướng dẫn, giám sát xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: PV

Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đến từng địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn được 14 lớp cho 6 xã (gồm Hương Trạch, Hương Đô, Lộc yên; thị trấn Hương Khê; Gia Phổ, Hương Thuỷ) về chăm sóc, khắc phục lũ lụt cho cây cam, bưởi....".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem