Rau an toàn bán như rau chợ, Hà Nội lập chuỗi liên kết để tiêu thụ

San Nguyễn Thứ hai, ngày 02/10/2017 13:24 PM (GMT+7)
Phát triển vùng sản xuất rau sạch, an toàn và bền vững, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là một trong những mục tiêu quan trọng của TP.Hà Nội nhằm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ trong tiêu dùng.
Bình luận 0

Rau an toàn vẫn gặp khó

img

Liên kết theo chuỗi sẽ kiểm soát được chất lượng rau an toàn. Ảnh: S.N

Định hướng đến năm 2020, TP.Hà Nội sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên hơn 16.200ha, trong đó, các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích hơn 6.640ha (trung bình 44ha/vùng). 

Theo bà Nguyễn Thị Thoa- Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT TP.Hà Nội), Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau là 12.000ha với nhiều chủng loại rau phong phú (hơn 40 loại), phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô, còn lại 40% do các địa phương khác cung cấp và nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, các sản phẩm nhập từ những tỉnh, thành phố khác chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm từ 75-80%) sau đó được chuyển đi các chợ dân sinh, các cửa hàng bán thực phẩm, bếp ăn… Do vậy rất khó để kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, rau an toàn tại thành phố được tiêu thụ dưới 6 hình thức chính là: Bán rau trực tiếp cho các siêu thị (1,5%), cửa hàng phân phối bán lẻ (1,5%), giao theo hợp đồng (1,8%), các thương lái thu gom (12,6%), người sản xuất tự bán tại các chợ bán lẻ (26,8%), bán buôn tại các chợ đầu mối (55,8%), tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) cho biết: Địa phương có 50ha trồng rau an toàn, sản lượng từ 4.000 -  5.000 tấn/năm, nhưng chỉ 30% tiêu thụ thông qua siêu thị, bếp ăn tập thể, số lượng còn lại, nông dân tự tìm nơi tiêu thụ. Nguyên nhân, một phần do người dân chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất và chưa chú trọng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

“Có doanh nghiệp về địa phương đặt vấn đề ký kết bao tiêu toàn bộ sản lượng rau an toàn cho nông dân, nhưng yêu cầu phải đa dạng chủng loại. UBND xã đã giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa hướng dẫn người dân trồng xen canh các loại rau xanh để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân “mạnh ai nấy làm”, trong khi một số hộ gia đình không muốn chuyển đổi cây trồng” - ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm.

img

Sản xuất rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).Ảnh: Khánh Nguyên

Hoàn thiện quy trình chuẩn

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay: Mặc dù còn khó khăn, nhưng việc sản xuất rau an toàn theo chuỗi sẽ dần hoàn thiện quy trình theo chuẩn. Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình chuỗi rau an toàn để truy xuất nguồn gốc đến từng hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, thành phố hiện có 48 cơ sở sơ chế rau an toàn, cũng chính là 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% chuỗi do từ 2 đến 4 đơn vị thực hiện. Trong đó, 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, không thu gom; 23/48 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau. Việc thu gom rau có 2 hình thức: Ký hợp đồng với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất rau an toàn và ký hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân sản xuất.

Rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn). Ngoài ra, Chi cục đang phối hợp với các địa phương xây dựng 20 chuỗi rau an toàn, từng bước kiểm soát chất lượng rau bán trên thị trường…

“Để thực hiện chuỗi sản xuất rau an toàn, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, đồng thời phối hợp với hợp tác xã hướng dẫn nông dân thực hành trên đồng ruộng. Sau đó lấy mẫu đất, nước, kiểm nghiệm vùng trồng rau… Khi đạt các yếu tố, Chi cục sẽ đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng vùng rau đủ điều kiện sản xuất an toàn… Thông qua việc giám sát, kiểm tra chéo giữa các địa phương sản xuất rau an toàn cho thấy, không còn tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép” – ông Hồng cho hay.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem