Quảng Nam: Chỉ còn 25.000 con lợn nái, nguy cơ thiếu hụt lợn giống lớn

Trương Hồng Chủ nhật, ngày 31/05/2020 09:59 AM (GMT+7)
Ngày 30/5, tại Tam Kỳ, Quảng Nam, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến vấn đề cơ cấu đàn lợn, tình hình tái đàn trên địa bàn tỉnh này sau dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận 0

Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tỉnh có tổng đàn lợn hơn 483.000 con, đứng thứ 2 ở Khu vực Nam Trung Bộ. Toàn tỉnh có 206/241 xã xảy ra bệnh DTLCP, trong đó có 135 xã có dịch qua 30 ngày tái phát dịch. Hiện vẫn còn 6 xã có bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày.

Sau khi dịch bệnh xảy ra, tính đến tháng 4/2020, đàn lợn của tỉnh chỉ còn 250.000 con. Trong đó, lợn giống ông bà và lợn nái giống sinh sản, lợn nái hậu bị khoảng 25.000 con.

Dịch TLCP ở Quảng Nam: Chỉ còn 25.000 con lợn nái, nguy cơ thiếu hụt lớn - Ảnh 1.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về việc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, bệnh DTLCP chưa có vắcxin và thuốc để phòng, điều trị. Rất nhiều người chăn nuôi lợn quy mô nông hộ sau khi bị dịch không quay lại đầu tư chăn nuôi lợn mà để trống chuồng hoặc chuyển sang chăn nuôi gia cầm.

Bên cạnh đó, đàn lợn nái nuôi quy mô nhỏ còn ít nên nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong dân rất khan hiếm.

Dịch TLCP ở Quảng Nam: Chỉ còn 25.000 con lợn nái, nguy cơ thiếu hụt lớn - Ảnh 2.

Ngành chức năng Quảng Nam đang phun thuốc khử trùng phòng chống dịch bệnh

"Các địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh đã công bố hết dịch đang triển khai, hướng dẫn việc tái đàn chăn nuôi lợn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, UBND tỉnh và của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, nhìn chung việc tái đàn ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ còn nhiều hạn chế; nhiều địa phương bỏ ngỏ công tác quản lý giết mổ...

Đặc biệt, giá lợn giống mua về để nuôi thương phẩm từ các cơ sở giống quá đắt cũng là khó khăn lớn làm cho nhiều hộ chăn nuôi lợn e ngại sợ rủi ro do dịch tái phát, không thể tái đàn trong khi giá thịt lợn thương phẩm vẫn đang ở mức rất cao", ông Nam nói.

Dịch TLCP ở Quảng Nam: Chỉ còn 25.000 con lợn nái, nguy cơ thiếu hụt lớn - Ảnh 3.

Dịch TLCP ở Quảng Nam chỉ còn 25.000 con lợn nái, nguy cơ thiếu hụt lớn

Trong khi đó, đại diện Cục Thú Y cho biết thêm, hiện nay việc tái đàn, tăng đàn hết sức cần thiết nhưng tại Quảng Nam mới chỉ tái đàn khoảng được 52% so với thời điểm trước dịch. Theo số liệu với đàn nái hiện nay ở Quảng Nam mới hơn 25.000 con (đạt gần 38% trước thời điểm có dịch), số lượng đàn nái này tương đối ít và sẽ thiếu hụt rất lớn.

"Bên cạnh đó trong năm 2020, lợn nái và lợn đực giống tiêu hủy trên tổng đàn chiếm đến 60% nhưng trong năm 2019 lại chỉ có 32%. Do đó, đề nghị địa phương cần xem xét kỹ số liệu này để truy ngược lại các ổ dịch, để tổ chức quản lý, phát hiện kịp thời, xử lý ổ dịch. 

Đặc biệt hiện nay cả tỉnh còn có 6 xã chưa qua 30 ngày. Đề nghị những xã đã hết dịch phải làm thủ tục công bố hết dịch trên phương tiện thông tin đại chúng để hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn. 

Ngoài ra, cần phải có cơ chế chính sách cụ thể với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi để tăng đàn lợn nái, lợi thịt và giao trách nhiệm cho ban ngành định kỳ báo cáo cụ thể", đại diện Cục Thú y đề nghị.

Dịch TLCP ở Quảng Nam: Chỉ còn 25.000 con lợn nái, nguy cơ thiếu hụt lớn - Ảnh 4.

Heo dịch bệnh chết được đưa đi tiêu hủy

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện tại DTLCP chưa có vắcxin, chưa có thuốc chữa nên tăng đàn, tái đàn thì cần phải đảm bảo an toàn sinh học. Mà an toàn sinh học thì các đơn vị chăn nuôi lớn làm tốt, hộ gia đình khó khăn. Trong khi cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh Quảng Nam chiếm khoảng 64%. 

"Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi gia đình ở Quảng Nam chưa kiểm soát tốt việc phòng chống dịch bệnh như không rắc vôi, lưới chắn chim, chuột, côn trùng không có; người ra vào không kiểm soát. Nếu như tăng đàn kiểu này thì rất dễ bùng phát, trong khi đó một số xã vẫn còn DTLCP. Vậy nên, tỉnh Quảng Nam cần phải có kế hoạch cụ thể, các ngành chức năng phải có những chỉ đạo bằng văn bản, bằng thông tin tuyên truyền, bằng cầm tay chỉ việc thì mới ra vấn đề. 

Bên cạnh đó, khuyến nông địa phương cũng cần chỉ ra những mô hình tiêu biểu để dẫn dắt cho các hộ dân thực hiện, như vậy mới hiệu quả được", ông Tiến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem