Thanh Hóa: Vực dậy nghề nuôi lợn sau dịch tả, mỗi ngày giết mổ gần 2.000 con

Hữu Dụng Thứ hai, ngày 31/08/2020 10:04 AM (GMT+7)
Sau 6 tháng kiểm soát được bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển thuận lợi, hiện ước tính đạt trên 1,2 triệu con. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2020 đàn lợn ở Thanh Hóa đã tái đàn được 236.000 con, đạt 100% so với trước dịch.
Bình luận 0

Tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học

Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tổng đàn lợn ở Thanh Hóa có hơn 1,2 triệu con. Sau khi xảy ra dịch bệnh này, đàn lợn ở Thanh Hóa giảm tới 20% tổng đàn. Vào đầu năm 2020, khi dịch bệnh được kiểm soát, cộng với giá lợn hơi liên tục duy trì mức cao nên đã tạo động lực cho người chăn nuôi tái đàn, nhờ đó số đầu lợn tại Thanh Hóa tăng nhanh. 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có khoảng 1,2 triệu con lợn, bằng 100% trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi kiểm soát tốt DTLCP, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chủ động triển khai công tác tái đàn lợn sau dịch để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho thị trường. 

Trước đó, ngay khi dịch xảy ra, tỉnh đã đặc biệt quan tâm chuyện giữ bằng được đàn lợn bố mẹ, ông bà trong hệ thống trang trại và đàn lợn giống bằng các cơ chế hỗ trợ giữ an toàn dịch bệnh, để sau khi kết thúc dịch bệnh, người chăn nuôi sẽ có điều kiện khôi phục đàn lợn một cách nhanh nhất. Do đó, công tác tái và khôi phục đàn lợn của tỉnh khá thuận lợi, đàn lợn phát triển nhanh và hiệu quả.

Sau dịch tả châu Phi tổng đàn lợn của Thanh Hóa đạt 1,2 con - Ảnh 1.

Nhờ quyết liệt trong công tác ngăn chặn và phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thanh Hóa đã giữ được đàn lợn bố mẹ.

Cũng theo ông Lê Đức Giang, việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các trang trại quy mô lớn, có tiềm lực vốn. Các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ít tái đàn do không đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, chuồng trại chăn nuôi gần khu dân cư, giá lợn giống quá cao so với khả năng đầu tư của bà con. 

Hiện DTLCP đã được khống chế nhưng Thanh Hóa vẫn tổ chức ra quân đồng loạt dọn dẹp môi trường để phòng, chống dịch hiệu quả tại các khu chăn nuôi.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đặng Văn Hiệp - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc tái đàn lợn chỉ diễn ra trong các trang trại hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sinh học theo quy định. Chúng tôi khuyến khích người nuôi chủ động sản xuất con giống, hạn chế nhập con giống từ địa phương khác. Trường hợp mua lợn giống thì phải lựa chọn các công ty cung ứng giống uy tín, có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng đầy đủ".

Cũng theo ông Hiệp, để hỗ trợ cho các trại chăn nuôi tái đàn, Chi cục đã triển khai hỗ trợ về chuyển giao kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại trước và trong quá trình nuôi.

Khôi phục 100% đàn lợn sau dịch tả châu Phi

Hiện, tổng đàn lợn của tỉnh Thanh Hóa ước tính đạt trên 1,2 triệu con. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2020 tái đàn được 236.000 con (lợn nái, đực giống được tái, tăng đàn là 30.450 con, lợn thịt 205.550 con). Trong đó, các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh như C.P, CJ, Japfa, Newhope… đã tăng được 112.000 con lợn thịt; các trang trại, nông hộ tăng 124.000 con lợn thịt.

Để đẩy mạnh việc tái đàn, tỉnh Thanh Hóa đã nhập được 6.200 con lợn nái, chiếm khoảng 40% tổng đàn lợn giống cả nước nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020. Riêng Công ty Newhope đã nhập khẩu tới 1.200 con lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà từ Canada. Công ty Việt Đức nhập 5.000 con lợn (cấp bố mẹ) từ Thái Lan. Các công ty C.P, CJ, Jafpa, Mavin, Hòa Phát nhập khoảng 9.600 con lợn nái, lợn hậu bị từ các tỉnh ngoài.

Sau dịch tả châu Phi tổng đàn lợn của Thanh Hóa đạt 1,2 con - Ảnh 2.

Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) thả nuôi 320 con lợn giống bố mẹ vào tháng 6/2020.

Ngoài các doanh nghiệp nuôi lợn quy mô lớn, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 130.634 hộ gia đình và 1.219 trang trại chăn nuôi lợn. Việc duy trì được đàn lợn bố mẹ, cho sinh sản để tái đàn ngay tại các trang trại, gia trại cũng góp phần mang lại hiệu quả đáng kể. Điều này giúp hoạt động nuôi lợn của tỉnh không bị quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung ứng giống và nguồn giống từ bên ngoài như nhiều địa phương khác trong thời gian qua.

Dự kiến đến hết quý IV/2020 đàn lợn của tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng thêm 100.000 con do các doanh nghiệp đang được đầu tư và xây dựng tại các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy… Sau khi đi vào hoạt động và các trang trại tăng đàn sẽ đáp ứng nhu cầu lợn thịt xuất bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Việc chủ động được nguồn lợn giống đã giúp đàn lợn của tỉnh liên tục tăng nhanh. Từ sau dịch bệnh, đã có gần 3.600 cơ sở nuôi lợn tổ chức tái đàn với hơn 86.800 con lợn được nuôi mới, còn lại là các doanh nghiệp đầu tư. 

Với việc vực dậy nghề nuôi lợn, mỗi ngày Thanh Hóa giết mổ khoảng 1.800 con lợn thịt bán ra thị trường. Ngoài ra, mỗi tháng còn có khoảng 171.000 con lợn sữa được giết mổ phục vụ xuất khẩu tại Công ty Hoa Mai và Công ty súc sản xuất khẩu Thanh Hóa.

Đồng thời, mỗi ngày Thanh Hóa còn xuất bán ra khỏi địa bàn tỉnh 930 con lợn, một tháng xuất hơn 27.900 con lợn. Từ tháng 1/2020 đến nay, tổng số đầu lợn xuất ra khỏi địa bàn Thanh Hóa là 254.819 con. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lạng Sơn, Sơn La…

Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp với tổng mức đầu tư 911,16 tỷ đồng, tổng quy mô chăn nuôi là 56.600 con; trong đó 50.000 con lợn thịt, 6.600 nái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem