Phong Thổ: Sa nhân hỗ trợ người dân trồng lại chết hàng loạt

Văn Chiến Thứ năm, ngày 31/01/2019 15:15 PM (GMT+7)
Cây sa nhân tím hỗ trợ cho người dân một số bản của xã Bản Lang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trồng dưới tán rừng, bị chết hàng loạt, không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước mà còn tốn công sức trồng, chăm sóc của bà con ở xã biên giới còn nhiều khó khăn này.
Bình luận 0

Ông Lý Phù Hồ, bản Thèn Thầu, xã Bản Lang thở dài, nói: Được nhà nước hỗ trợ cây sa nhân tím để trồng dưới tán rừng, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong bản đều rất vui mừng. Bởi lẽ, đây là cơ hội để giúp người dân chúng tôi có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Vào khoảng cuối tháng 7.2018, gia đình tôi được cấp hơn 500 cây sa nhân tím giống. Sau khi nhận cây, vợ chồng tôi đem đi trồng luôn. Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt cây sa nhân cứ héo dần, héo dần rồi chết khô. Số cây sa nhân còn sống sót chẳng đáng là bao.

img

Dự án trồng sa nhân tím được triển khai tại 4 bản của xã Bản Lang, huyện Phong Thổ

Tình trạng nhà ông Lý Chỉn Hồ, bản Thèn Thầu cũng không khá hơn gia đình ông Lý Phù Hồ là mấy. Được cấp hơn 500 cây sa nhân tím giống, vợ chồng ông đem trồng theo hướng dẫn của cán bộ và chăm sóc cẩn thận. Theo ông Hồ, tỷ lệ cây sa nhân nhà ông còn sống cũng chỉ đạt khoảng 40%.

“Sau khi trồng hết số lượng cây sa nhân tím nhà nước cấp, thấy vẫn còn đất trống nên tôi sang Lào Cai hỏi mua thêm 200 cây sa nhân tím nữa về trồng. Trồng cùng thời điểm và cách làm không có gì khác, thế nhưng số cây giống mà tôi mua về trồng lại sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây bị chết không đáng kể” – ông Hồ cho hay.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Kin Lùng – Trưởng bản Thèn Thầu cho biết: Khi xã thông báo triển khai mô hình trồng cây sa nhân tím trên địa bàn, Ban Quản lý bản Thèn Thầu đã tổ chức họp, thông báo cho người dân biết để đăng ký tham gia. Không phân biệt hộ giàu hay hộ nghèo, ai có đất rừng thì đăng ký.

Theo đó, bản Thèn Thầu có 48 hộ đăng ký tham gia. Dự án triển khai từ tháng 7.2018, mỗi hộ tham gia dự án được cấp hơn 500 cây sa nhân tím giống. Trước đó, những hộ tham gia đã được tập huấn kĩ thuật làm đất, trồng sa nhân.

img

Cây sa nhân tím hỗ trợ người dân vùng biên giới thuộc xã Bản Lang bị chết hàng loạt

“Mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân vùng biên mà còn góp phần giữ cho những cánh rừng nơi đây xanh tốt hơn. Tuy nhiên tới thời điểm này, tỷ lệ cây sa nhân còn sống sót chỉ đạt hơn 30%” – ông Lùng thông tin.

Theo ông Lùng, sở dĩ cây sa nhân tím bị chết nhiều như vậy là do chất lượng không đảm bảo, chứ không phải do bà con trồng không đúng kĩ thuật. Vì nhiều hộ dân tự đi mua giống sa nhân về trồng thì tỷ lệ cây sống khá cao. Gia đình ông cũng nằm trong số đó. 600 cây sa nhân tím mà nhà nước hỗ trợ gia đình ông trồng dưới tán rừng, bị chết quá nửa, tỷ lệ cây sống khoảng 35%. Trong khi đó, 800 cây sa nhân mà ông mua về trồng thì tỷ lệ cây sống đạt hơn 70%.

“Khi đơn vị cung ứng cấp cây sa nhân giống cho người dân, tôi thấy nhiều cây bị dập nát. Khi chuyển từ xe ô tô xuống, nhiều bó sa nhân, cây thì gẫy thân, cây đã bị cắt ngọn, có cây còn gẫy củ, lá vàng héo. Sau khi trồng, cây nào có lá, có ngọn thì sống, còn cây bị cắt ngọn hay gẫy thân đều chết hết...” – trưởng bản Lùng bảo vậy.

img

Theo ông Lý Kin Lùng - Trưởng bản Thèn Thầu, nhiều cây sa nhân giống khi cấp cho người dân bị gẫy thân, dập nát. Ảnh: V.C

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phàn A Tỏn – Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: Bản Lang là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Phong Thổ. Dự án trồng sa nhân tím do xã làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn ngân sách thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các xã biên giới, giai đoạn 2016-2020.

Dự án trồng sa nhân tím được triển khai từ tháng 7.2018, tại 4 bản: Nà Vàng, Thèn Thầu, Sàng Giang, Nà Giang (xã Bản Lang) với 113 hộ tham gia. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020. Tổng dự toán của dự án là hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 600 triệu đồng, bao gồm tiền giống, vật tư và một số chi phí khác. Kinh phí còn lại do người dân đóng góp, gồm: phân chuồng, công lao động.

Để triển khai dự án, UBND xã Bản Lang đã ký hợp đồng cung ứng cây sa nhân tím với Công ty TNHH một thành viên Minh Hằng, đóng trên địa bàn xã Mường So (Phong Thổ). Theo đó, Công ty này có trách nhiệm cấp cây sa nhân tím cho xã với số lượng 62.000 cây.

“Công ty đã cấp đủ số lượng cây sa nhân cho các hộ dân tham gia dự án. Khoảng 1 tháng sau khi trồng, nhiều hộ dân phát hiện hiện tượng cây sa nhân tím bị chết hàng loạt. Tình trạng cây sa nhân bị chết xảy ra tại 4 bản. Sau khi nhận được thông báo của người dân về tình trạng cây sa nhân bị chết, xã đã thành lập đoàn kiểm tra cùng với lãnh đạo đơn vị cung ứng đi kiểm tra thực tế tại 4 bản. Kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ cây sa nhân sống chỉ đạt từ 45 – 55%” – ông Tỏn xác nhận.

img

Nhiều hộ dân ở bản Thèn Thầu tự đi mua cây sa nhân về trồng, tỷ lệ cây sống đạt cao.

Cũng theo ông Tỏn, nguyên nhân khiến cây sa nhân chết hàng loạt một phần là do trong quá trình vận chuyển, cây giống bị dập, một phần là do người dân trồng chưa đảm bảo kỹ thuật.

Đến UBND huyện Phong Thổ liên hệ làm việc về vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã gặp ông Phùng Văn Ơn – Chánh Văn phòng UBND huyện. Mặc dù chúng tôi đã xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan kèm theo chứng minh thư nhân dân song ông Ơn vẫn từ chối sắp xếp lịch làm việc. Ông Chánh Văn phòng UBND huyện Phong Thổ lý giải: Phong Thổ là huyện biên giới nên chỉ làm việc với những người có thẻ nhà báo?!

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem