Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 17/04/2024 17:58 PM (GMT+7)
Ngày 16/4, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng chủ trì hội nghị đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở năm 2024.
Bình luận 0

Quan tâm đến nhân sự tham gia cấp ủy là Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở

Tại hội nghị đối thoại, các đại biểu tập trung trao đổi về một số nhóm vấn đề chính như: Tổ chức bộ máy cán bộ; cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động của tổ chức hội; phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; chuyển đổi số trong nông nghiệp; bảo đảm an ninh trật tự tại nông thôn…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng chủ trì hội nghị đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Lý (Tân Yên) nêu, hiện nay, tỷ lệ Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 thấp (toàn tỉnh là 56,1%). Các đồng chí cán bộ hội được tham gia cấp ủy đã tích cực nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân cùng thực hiện, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cùng các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng tỷ lệ chủ tịch Hội Nông dân cơ sở tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ 2025-2030.

Nhiều đại biểu đề nghị đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ban, ngành quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên đối với Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở phấn đấu, cống hiến; thực hiện có hiệu quả chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân, tăng tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của hội.

Về tỷ lệ Chủ tịch Hội Nông dân tham gia cấp uỷ còn thấp, bà Đỗ Thị Lan, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang nêu, những năm qua, việc bố trí Chủ tịch Hội Nông dân các cấp tham gia cấp ủy đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn một số nội dung trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội; trong đó, quy định số lượng cấp ủy cấp cơ sở không quá 15 đồng chí; về cơ cấu cấp ủy cấp xã: "Căn cứ đặc điểm, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, xác định cơ cấu 3 độ tuổi, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, lĩnh vực, địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, phù hợp với tình hình địa phương, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy và được cấp ủy cấp huyện đồng ý".

Thực hiện chỉ đạo, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội ở địa phương mình bảo đảm thời gian theo quy định; đồng thời ban hành hướng dẫn về công tác chuẩn bị nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó quy định số lượng cấp ủy cơ sở không quá 15 đồng chí; cơ cấu tham gia cấp ủy đối với các xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức và bí thư các chi bộ trực thuộc.

Như vậy, Chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở có trong cơ cấu tham gia cấp ủy cơ sở. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy cấp huyện và cấp xã đã quan tâm đưa các đồng chí chủ tịch Hội Nông dân cơ sở đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào danh sách nhân sự. Tuy nhiên, theo Chỉ thị số 35-CT/W của Bộ Chính trị, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội phải có số dư; do vậy, việc chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở trúng cử để tham gia cấp ủy còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ công tác và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, trong năm 2023 diễn ra Đại hội Hội Nông dân cấp cơ sở nhiệm kỳ 2023-2028, nhiều đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở tham gia Đảng ủy cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng không đủ tuổi tái cử Chủ tịch Hội Nông dân nhiệm kỳ 2023-2028, số cán bộ mới bầu thay thế chưa được bổ sung cấp ủy. Điều này làm giảm tỷ lệ Chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở tham gia cấp ủy cơ sở như hiện nay.

Tiếp thu ý kiến trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ căn cứ quy định về Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 để hướng dẫn công tác nhân sự Đại hội, trong đó quan tâm đến nhân sự tham gia cấp ủy là Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở.

Quan tâm bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân

Liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững, theo chuỗi giá trị, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An (Sơn Động) đề nghị Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo các huyện, thị xã, TP và UBND cấp xã định kỳ trích ngân sách địa phương bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong đó cấp xã từ 5 triệu đồng/xã/năm trở lên. Vì thực tế hiện nay, 17/17 Hội Nông dân cơ sở trên địa bàn huyện Sơn Động nói riêng và hơn 50% số xã trên địa bàn tỉnh nói chung chưa được ngân sách chuyển sang cho quỹ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở- Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở

Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp. Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công theo Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị cho biết tỉnh có giải pháp, phương án cụ thể gì để hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng nêu những khó khăn trong tiêu thụ nông sản và đề nghị hỗ trợ kết nối với đối tác nhằm mở rộng thị trường; hỗ trợ cây, con giống và gia hạn thời hạn trả lãi, nợ gốc cho một số nông dân huyện Lục Ngạn trong điều kiện vải thiều mất mùa.

Về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang thông tin, một trong những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vì thế gây khó khăn trong tiếp cận thị trường. Khắc phục vấn đề trên, ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nông dân có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước.

Nắm bắt thực tế về trình độ công nghệ của nông dân còn hạn chế, ngành ưu tiên hàng đầu là tăng cường tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về chuyển đổi số; xây dựng các đề án giúp nông dân có thể sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh thuỷ sản.

Đồng thời, quan tâm mã hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói để các bạn hàng ở nước ngoài cũng biết được mã vùng sản xuất của chúng ta, từ đó tiếp cận thông tin năng suất, sản lượng. Người dân qua đó cũng tự giới thiệu sản phẩm cho các thị trường.

Ngoài ra, nhiều thủ tục hành chính được cải tiến, có thủ tục rút ngắn từ 18 ngày còn một ngày, vừa đáp ứng yêu cầu thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát huy vai trò Hội Nông dân

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, thẳng thắn của các cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh có ý kiến trao đổi, giải đáp kịp thời.

Bà Lê Thị Thu Hồng giao Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phối hợp tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, tham mưu xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Bà Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm trên 80% dân số của tỉnh sống ở khu vực nông thôn; lao động nông nghiệp chiếm 38,4% tổng số lao động xã hội toàn tỉnh. Để tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Bà Lê Thị Thu Hồng đề nghị các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng thiết thực, hướng về cơ sở, khắc phục bệnh thành tích.

Tổ chức tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa...

Chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt các chương trình, đề án, đặc biệt là đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025".

Bà Lê Thị Thu Hồng đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm cơ chế chính sách cho cán bộ đoàn thể nói chung, Hội Nông dân nói riêng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, đổi mới của các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh, đồng chí tin tưởng tổ chức hội và phong trào nông dân của tỉnh sẽ ngày càng phát triển, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem