Philippines đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi

Nguyên Linh Thứ tư, ngày 06/03/2019 10:19 AM (GMT+7)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Bình luận 0

Trong tháng 2 và 3//2019, tình hình chăn nuôi trong nước nhìn chung ổn định, riêng đàn trâu giảm do diện tích chăn thả thu hẹp.

Theo ước tính tháng 2/2019 của Tổng cục Thống kê, đàn bò cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018; đàn lợn tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6%; đàn trâu giảm 2,8%. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 7 tỉnh, thành mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.

img

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đang xem xét một số giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển lợn tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn trong giai đoạn này.

Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp & PTNT cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ. Trong tháng 2/2019, giá lợn hơi trong nước diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch ASF, giá lợn hơi giảm tại một số địa phương, cụ thể tại Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc giảm 1.000 đ/kg, xuống 47.000 – 48.000 đ/kg; Tuyên Quang giảm 2.000 đ/kg xuống 46.000 đ/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại khu vực miền Nam tăng 2.000 đ/kg do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung giảm nhẹ, dao động trong khoảng 50.000 – 57.000 đ/kg.

Giá lợn hơi tại miền Trung tương đối ổn định, dao động trong khoảng 44.000 –52.000 đ/kg.

Giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 2.000 – 4.000 đ/kg lên mức 37.000 – 38.000 đ/kg do nhu cầu tăng. Giá gà thịt lông trắng ở hai khu vực này giảm nhẹ 2.000 đ/kg xuống còn 27.000 – 28.000 đ/kg. Giá trứng gà bán tại trại tại hai khu vực này giảm 100 đ/quả xuống còn 1.250 đ/quả, do thị trường tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung từ các trang trại chăn nuôi khá dồi dào.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 2 năm 2019 ước đạt 32 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2019 đạt 77 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 1/2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ lợn đạt 5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ gia cầm và trâu, bò chỉ đạt lần lượt là 2,85 triệu USD và 35,1 nghìn USD, giảm 1,3% và 71,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF. Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch ASF.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem