PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là nhiệm vụ cấp bách

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 31/07/2021 18:55 PM (GMT+7)
Ngày 31/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ về việc cần thiết phải thiết lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia trên cả nước.
Bình luận 0

PV: Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng", trong đó có việc thiết lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia. Vì sao cần phải tăng cường năng lực hồi sức tích cực, thưa ông? 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Từ ngày 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh Covid-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh Covid-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 133.000 ca nhiễm mới.

Hiện có trên 400 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 21 ca điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo). Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, gần 1.000 ca.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê. Ảnh BYT

Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.

Bên cạnh đó, việc chuyển người bệnh nặng về các BV tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ làm tăng lây lan dịch bệnh vào khu vực nội thành và người bệnh có xác suất tử vong cao trên đường vận chuyển. Mặt khác, các địa phương này cũng có giai đoạn bị phong tỏa, cách ly chống dịch.

Vì vậy các trường hợp nặng này cần được điều trị ngay tại địa phương với sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên hoặc các chuyên gia đầu ngành của Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế.

Ông đánh giá thế nào về năng lực hồi sức tích cực trên cả nước hiện nay

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Theo khảo sát năm 2021, cả nước có trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng.

Nhiều BV có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng.

Khoa hồi sức tích cực của nhiều BV chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu…

Hiện chỉ một số ít BV thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới TƯ, BV Việt Đức, Chợ Rẫy, BV Đa khoa TƯ Huế, Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ… Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng…

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Phải khẳng định việc xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng” là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành y tế, Chính phủ, các Bộ, ban ngành mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 2.

Cấp cứu cho một bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BYT

Còn nhân lực cho hồi sức tích cực hiện nay thế nào, thưa ông? 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện nay cả nước có trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực, nhưng nhiều địa phương đang rất thiếu. Ví dụ một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có một bác sĩ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực.

Do tác động của chính sách tự chủ nên nhiều BV tuyến tỉnh ít chú trọng công tác hồi sức tích cực, khi có ca bệnh nặng thường chuyển về các BV tuyến TƯ tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Điều này tạo áp lực rất lớn cho các BV tuyến cuối quá tải trong việc điều trị ca bệnh nặng, gây khó khăn cho Bộ Y tế trong việc huy động, điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ, phân bổ máy móc, vật tư, trang thiết bị, tài chính… cho các địa phương. Một số địa phương thiếu chủ động, chưa sẵn sàng công tác thu dung, điều trị ca bệnh nặng.

Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng “siêu lây nhiễm”. Nhân lực trình độ cao chuyên khoa hồi sức tích cực ngày càng giảm, nhiều bác sĩ đã chuyển sang chuyên khoa khác.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 3.

Nhân lực hồi sức tích cực hiện nay rất thiếu. Ảnh tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (BYT)

Vậy Đề án sẽ chú trọng vào điều gì để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho từng địa phương khi chất lượng hồi sức tích cực của các nơi không đồng đều như hiện nay? 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo: Phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.

Đây là điểm mới của Đề án và sự điều chỉnh trong chiến lược điều trị ca bệnh Covid-19 từ 4 tại chỗ kết hợp với “3 tập trung”. 

Đề án cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới các trung tâm thu dung, điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng trên phạm vi toàn quốc; Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ cho các trung tâm hồi sức tích cực được Bộ Y tế phân công thu dung, điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng và khoa hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến;

Củng cố, tăng cường năng lực điều trị Covid-19 ở khoa hồi sức tích cực của toàn bộ các bệnh viện chưa được phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực;

Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho bác sỹ, điều dưỡng cấp cứu, hồi sức tích cực của các trung tâm và bệnh viện các tuyến;

Đặc biệt chúng tôi mong muốn và đặt mục tiêu xây dựng và bổ sung các chính sách, chế độ động viên, đãi ngộ hợp lý ở cấp trung ương và địa phương nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm và khoa hồi sức tích cực, truyền nhiễm.

Theo Đề án: Bộ Y tế chỉ định và thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia quy mô từ 200- 3.000 giường bệnh Hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện như sau:

1. Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2)

2. Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2)

3. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

4. Bệnh viện Phổi Trung ương

5. Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2)

6. Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh

7. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế

8. Bệnh viện Chợ Rẫy

9. Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh)

10. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

11. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

12. Bệnh viện Quân y 103

Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia là trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý và phân công trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Trung tâm là cơ sở điều trị cao nhất, có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực cao, phức tạp nhất cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh Covid-19.

Có 33 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành, trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 2 bệnh viện Quân y được Bộ Y tế chỉ định làm các bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem