12 Trung tâm Hồi sức Covid-19 Quốc gia sẽ được thiết lập thế nào?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 30/07/2021 12:18 PM (GMT+7)
Trước tình hình dịch Covid-19 cấp bách, Bộ Y tế đã quyết định tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các BV điều trị người bệnh Covid-19 nặng, trong đó có việc xây dựng 12 Trung tâm Hồi sức.
Bình luận 0

Năng lực điều trị cấp cứu, hồi sức bệnh nhân Covid-19 nhiều nơi hạn chế

Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với "làn sóng thứ tư" của dịch bệnh Covid-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh Covid-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100 nghìn ca nhiễm mới. 

Sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Bài học chống dịch rút ra từ các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương... và TP.Hồ Chí Minh đều cho thấy năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch của các địa phương còn hạn chế.

12 Trung tâm Hồi sức Covid-19 Quốc gia sẽ được thiết lập thế nào? - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BYT

Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sỹ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng.

Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...

Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Cần Thơ... Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Thành lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia

Bộ Y tế khẳng định việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng là "cần thiết và cấp bách", nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới.

12 Trung tâm Hồi sức Covid-19 Quốc gia sẽ được thiết lập thế nào? - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Hồi sức TP.HCM. Ảnh BYT

Trong nội dung Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng" mà Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định phê duyệt, 12 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện (BV).

Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.

Trong đó, BV Bạch Mai (cơ sở 2- 1.000 giường); 6 BV khác gồm: BV Việt Đức (cơ sở 2), BV Bệnh nhiệt đới TƯ, BV Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện TƯ Huế, BV TƯ Quân đội 108, BV Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 BV khác là BV Chợ Rẫy, BV Phổi TƯ, BV Đa khoa TƯ Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; BV Đại học Y Dược TP.HCM quy mô 300 giường.

Riêng các trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 TP.Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

Bộ Y tế giao BV Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, BV Bệnh nhiệt đới TƯ phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.

BV TƯ Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.

BV Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa TƯ Cần Thơ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 BV đầu tư, nâng cấp, thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực vùng. Mỗi BV thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Khẩn trương thiết lập nhiều Trung tâm Hồi sức Covid-19

Tại cuộc họp với TP.HCM về công tác chống dịch Covid-19 ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giao BV Bạch Mai và BV Việt Đức thiết lập thêm 2 Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM. Như vậy, tại TP.HCM sẽ có 2 Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 3.000 giường.

12 Trung tâm Hồi sức Covid-19 Quốc gia sẽ được thiết lập thế nào? - Ảnh 3.

GS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức và các chuyên gia y tế khảo sát khu điều trị tại BV Dã chiến số 13 để thiết lập Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại đây trong chiều 29/7. Ảnh BYT

Hiện đã có 1 Trung tâm Hồi sức hoạt động là Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại BV Ung bướu TP do BV Chợ Rẫy chịu trách nhiệm. BV này có quy mô 1.000 giường hiện đã đi vào hoạt động, thu dung hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng cao nhất (tầng 4) theo tháp điều trị 4 tầng hiện nay.

Ngay chiều 29/7, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn và Giám đốc BV Việt Đức Trần Bình Giang đã vào TP.HCM để khảo sát việc lắp đặt Trung tâm Hồi sức tích cực 2 và 3 đặt tại BV Dã chiến số 16 và BV Dã chiến số 13.

Cũng trong ngày 29/7, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương và giao PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội làm giám đốc. "Chúng tôi sẽ điều chuyên gia y tế đến, tuy nhiên tỉnh cũng phải nhanh chóng lên kế hoạch điều động nhân lực để, mua sắm trang thiết bị để cùng Bộ Y tế thiết lập ngay Trung tâm này"- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng thông tin Bộ Y tế sẽ thành lập 8 đơn vị hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Bình Dương sẽ thiết lập 1 trung tâm (yêu cầu cần có 200 máy thở). Nếu công tác điều trị được làm tốt ở cả 3 tầng thì tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể.

Như vậy, ngoài việc giao chỉ tiêu giường Hồi sức tích cực cho các BV tuyến T.Ư, hiện Bộ Y tế đang khẩn trương thiết lập các Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM và Bình Dương... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem