PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đã đến lúc biến văn hóa thành sức mạnh mềm, tạo ra giá trị kinh tế

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 19/11/2021 08:30 AM (GMT+7)
“Chúng ta từng có giai đoạn bỏ qua những khía cạnh kinh tế của văn hóa nên đã tạo ra những sản phẩm không thu hút được sự quan tâm của khán giả”, đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Hoài Sơn trong cuộc trò chuyện với Dân Việt.
Bình luận 0

Trong cuộc trò chuyện riêng với Dân Việt trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ diễn ra vào 24/11 tới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về những vấn đề còn tồn tại của ngành văn hóa lẫn các giải pháp phải hướng tới để phát triển văn hóa.

Ông có nhắc đến hai phạm trù là văn hóa cứu quốc và văn hóa kiến quốc. Văn hóa cứu quốc đã làm rất tốt vai trò "soi đường cho quốc dân đi" trong thời kỳ chiến tranh chống quân xâm lược, còn văn hóa kiến quốc đã thực sự làm tốt vai trò của mình trong thời kỳ xây dựng đất nước chưa, thưa ông?

- Chúng ta từng tự hào vì có một nền văn hóa cứu quốc giúp cả dân tộc tạo nên sức mạnh thần kỳ để vượt qua mọi khó khăn và đánh thắng mọi kẻ thù. Nhưng văn hóa kiến quốc ngày nay lại đang có rất nhiều vấn đề. Bên cạnh việc đạt được nhiều thành tựu trong 35 năm đổi mới, trong đó có văn hóa. Cụ thể, chúng ta đã có một đời sống văn hóa phong phú, thỏa mãn tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều mặt trái, đến từ mặt trái của nền kinh tế thị trường.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đã đến lúc biến văn hóa thành sức mạnh mềm, tạo ra giá trị kinh tế   - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC.

Kinh tế thị trường, đề cao lợi ích cá nhân, đề cao lợi ích vật chất. Đặc biệt, khi chúng ta hội nhập sâu rộng với thế giới thì cũng phải đối diện nhiều thứ văn hóa xa lạ. Vì tiếp cận với nhiều phương tiện truyền thông mới nên giới trẻ đang dần quay lưng với những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp nhận những sản phẩm văn hóa ngoại lai. Chúng ta thấy ngày càng có nhiều người vì muốn thể hiện cái tôi cá nhân mà bất chấp những giá trị văn hóa của cộng đồng, giá trị dân tộc.

Vậy, khi chúng ta thấy văn hóa có những biểu hiện chưa phù hợp, bị lệch chuẩn thì chúng ta cần phải có sự điều chỉnh để văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi như Bác Hồ từng nói.

Văn hóa quan trọng ở chỗ là tạo ra con người. Văn hóa nào thì tạo ra con người ấy. Cho nên trong Nghị quyết 33 của Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chúng ta thấy được mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng văn hóa để phát triển con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Trong một môi trường văn hóa lành mạnh, con người có điều kiện để trở thành người tốt. Ngược lại, trong môi trường văn hóa không lành mạnh, có nhiều hành vi lệch chuẩn thì cũng dễ khiến con người bị sa ngã. Đấy là lí do tại sao chúng ta hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam phù hợp với bối cảnh hiện nay. Từ đó, định hướng sự phát triển của mỗi cá nhân, của từng cộng đồng và của đất nước.

Phải chăng, một trong những lí do khiến đời sống xuất hiện ngày càng nhiều hành vi lệch chuẩn, thiếu môi trường văn hóa lành mạnh là vì các thiết chế văn hóa vẫn chưa thực sự phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội?

- Chúng ta có quyền tự hào vì chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, vị thế như hôm nay, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Tức là sự phát triển kinh tế đã rất rõ ràng và khá tích cực. Tuy nhiên, văn hóa lại còn tồn tại rất nhiều biểu hiện khiến chúng ta khá đau lòng. Chính vì thế, chúng ta cần phải phát triển văn hóa hơn nữa.

Một trong những lí do khiến văn hóa chưa theo kịp được với kinh tế, chính trị, xã hội chính là câu chuyện đầu tư nguồn lực cho ngành văn hóa. Nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa thể hiện ở 3 yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là cơ sở vật chất. Những cái chúng ta có thể tự hào trong lĩnh vực văn hóa còn rất thiếu và yếu. Và khi chúng ta chưa có đầy đủ các cơ sở vật chất để tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa nghệ thuật thì chúng ta không thể nào phát triển được.

Yếu tố thứ hai là đầu tư tài chính cho văn hóa. Chúng ta thấy, từ sau Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành TW Đảng (1998), chúng ta đưa ra chỉ tiêu đầu tư cho văn hóa là 1,8%/năm, chi thường xuyên từ nguồn ngân sách. Nhưng đến năm 2019, Chính phủ báo cáo mới chỉ chi được 1,71%. Con số 1,71% với 1,8% quan trọng ở chỗ, nó phản ánh việc chưa đầu tư đúng tầm cho văn hóa. Điều này cho thấy, chúng ta chưa quan tâm đến văn hóa và văn hóa chưa đủ nguồn lực để phát triển.

Yếu tố thứ ba là nhân lực. Rõ ràng, chúng ta nhận thấy ở nơi này nơi kia vẫn còn có nhiều cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu. Không đáp ứng được mong đợi của nhân dân, đất nước trong phát triển văn hóa. Chính vì nguồn nhân lực chưa đảm bảo nên quản lý văn hóa cũng gặp rất nhiều rắc rối.

Quản lý văn hóa của chúng ta đang tiến hành theo kiểu mở cửa, đóng cửa. Cán bộ văn hóa chỉ biết 8h sáng mở cửa ra, 5h chiều đóng cửa vào chứ không biết được câu chuyện làm thế nào để phát triển khán giả, làm thế nào để xây dựng thương hiệu, làm thế nào để hoạt động tốt cho thiết chế văn hóa… Tức là quản lý văn hóa chưa theo kịp được sự phát triển của nền kinh thế thị trường. Quản lý văn hóa vẫn thực hành theo quán tính của cơ chế bao cấp.

Thêm nữa, khá nhiều cán bộ quản lý văn hóa chưa tư duy về quản lý văn hóa theo các xu thế trên thế giới. Những xu thế mà người ta đề cao việc phân cấp - phân quyền, chú trọng đến quyền hưởng thụ văn hóa của người dân, tăng tiền kiểm và tránh hậu kiểm. Tránh tuyệt đối việc không quản được thì cấm.

Văn hóa là phải thích nghi với thị trường, khi đó các sản phẩm văn hóa là các sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt. Phải logic đặc biệt vì nó liên quan đến tinh thần, tư tưởng, đạo đức… Khi chúng ta không có được đội ngũ cán bộ tốt thì sẽ rất nguy hiểm. Cán bộ mà không có kiến thức về văn hóa, không hiểu biết về bối cảnh, không rõ về các xu hướng phát triển thì sẽ dẫn đến hai tình trạng. Một là buông lỏng quản lý và hai là cái gì cũng cấm. Cả hai tình trạng này đều nguy hại đối với sự phát triển văn hóa.

Chúng ta đã bỏ qua khía cạnh kinh tế của văn hóa!

Ông lí giải sao khi đến thời điểm này, nhiều người vẫn chỉ xem văn hóa như những phương tiện mang tính giải trí, mua vui… chứ không phải là những thiết chế đóng vai trò quan trọng trong xây dựng con người, phát triển đất nước?

- Văn hóa có vai trò rất trong trọng đối với sự phát triển của mỗi con người, mỗi đất nước. Bây giờ, chúng ta nhìn ra thế giới sẽ dễ dàng nhận những bộ phim, bài hát, sản phẩm giải trí... không chỉ góp phần quảng bá văn hóa một cách có hiệu quả mà còn mang về những nguồn lợi kinh tế to lớn.

Một ví dụ điển hình cho câu chuyện này chính là ban nhạc BTS, nổi tiếng toàn cầu. Và nhắc tới BTS, người ta biết đó là ban nhạc của Hàn Quốc, người ta biết đến văn hóa Hàn Quốc. Theo ước tính, ban nhạc BTS gián tiếp mang về cho xứ Hàn 3,46 tỷ USD/năm.

Xa hơn, chúng ta có thể bàn tới câu chuyện của một cường quốc văn hóa như Hoa Kỳ. Với họ, một bộ phim sau khi đưa ra thị trường có thể kiếm được 1 đến 2 tỷ USD là chuyện bình thường. Qua những ví dụ đó, chúng ta nghĩ nhiều hơn về sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Các sản phẩm văn hóa – nghệ thuật trước nay chúng ta mới chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh giải trí hoặc định hướng đạo đức thôi. Một câu chuyện như "Thép đã tôi thế đấy" thì có giá trị rất lớn trong định hướng sự phát triển của đạo đức con người.

Nó giúp cho con người ta nghĩ nhiều hơn đến chân – thiện – mỹ. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế nữa. Chúng ta cần những tác phẩm truyền cảm hứng cho con người. Những tác phẩm như thế có giá trị hơn nhiều những khẩu hiệu, lời hiệu triệu nào đó.

Trở về câu chuyện của thực tại, chúng ta từng có giai đoạn bỏ qua những khía cạnh về kinh tế của văn hóa nên đã tạo ra những sản phẩm không thu hút được sự quan tâm của khán giả. Đây là lúc chúng ta cần phải thay đổi từ những câu chuyện của các nước trên thế giới, từ những mong muốn được nhiều người quan tâm hơn đến nghệ thuật.

Để tạo ra những bước đột phá, cần phát triển nhiều hơn các ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể, chúng ta cần xây dựng những đội ngũ tiềm năng, sáng tạo để tận dụng, khai thác những vốn văn hóa của dân tộc, kết hợp với sáng tạo công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, do người Việt Nam và cho người Việt Nam. Từ đó, tạo ra sự lan tỏa của nền văn hóa Việt Nam ra nền thế giới.

Những bộ phim như Parasite (Ký sinh trùng), Squid Game (Trò chơi con mực)… đều là những câu chuyện kể về Hàn Quốc nhưng bây giờ chúng chinh phục thị trường thế giới. Cho nên có câu "No local, no international" (không địa phương, không quốc tế). Chúng ta làm như vậy nghĩa là vừa tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật cho người Việt Nam, của người Việt Nam, vì người Việt Nam; vừa tạo ra những giá trị cạnh tranh trên thế giới.

Trên thực tế, chúng ta đã có rất nhiều bộ phim, bài hát có dấu ấn nhất định. Nhưng chúng ta cần phải biết biến nó thành xu hướng trong bối cảnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ đó, biến lợi thế đất nước thành sức mạnh mềm để chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã chia sẻ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem