PGĐ Sở NNPTNT Hà Nội: Giấu thông tin dịch tả lợn châu Phi, khó quản

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 15/05/2019 15:09 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt liên quan đến việc Hà Nội không được cung cấp thông tin về diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hà Nội cho rằng, thông tin không minh bạch càng khó quản lý và chống dịch.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội. 

Trong báo cáo mới nhất tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho rằng,  không được cung cấp thông tin về diễn biến dịch tả lợn châu Phi để có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra của Cục Thú y, Hà Nội khẳng định không có chuyện giấu dịch, mọi thứ được báo cáo công khai, minh bạch. Sở cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội là cơ quan thường trực cứ 5 giờ hàng ngày là phải báo cáo sở số lượng các ổ dịch, số lượng lợn phải tiêu hủy để có căn cứ gửi Sở Tài chính giải quyết chế độ hỗ trợ cho người dân.

Có một thực tế là, hiện nay chúng tôi vẫn phải tự liên hệ với Chi cục Thú y các tỉnh để xem họ chống dịch đến đâu, công tác chôn hủy lợn bị bệnh ra sao. Cá nhân tôi cũng vừa đến Thái Bình để xem tình hình chống dịch của địa phương này ra sao để rút kinh nghiệm, từ đó áp dụng cho Hà Nội nếu chẳng may dịch xảy ra trên diện rộng.

Thú thực, nếu dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở những vùng trũng của Hà Nội như Phú Xuyên, Ứng Hòa thì rất gay go trong công tác tiêu hủy vì thực tế ở những địa phương này rất thiếu đất chôn lợn bị bệnh và chôn như thế nào để đảm bảo không ô nhiễm môi trường đất, nước.

img

Một chốt kiểm dịch tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: HNM.

Như vậy, thông tin đều do Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội tự tìm hiểu, thưa ông?

- Hiện nay, về cơ bản, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội đang phải tự tìm hiểu thông tin để từ đó có các biện pháp ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Theo tôi, Cục Thú y nên thường xuyên cung cấp thông tin cho các đơn vị để nắm tình hình dịch bệnh. Nếu không muốn đưa lên mạng sợ hoang mang dư luận xã hội thì cũng phải công bố nội bộ để mỗi địa phương đưa ra những giải pháp phù hợp.

Theo ông, nếu thông tin không được cung cấp một cách công khai, minh bạch, việc chống dịch tả châu Phi có gặp khó khăn?

 - Theo tôi, thông tin không minh bạch là một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý khó khăn, mà quản lý khó khăn thì việc phòng chống dịch không kịp thời. Nếu không nắm được tình hình dịch bệnh ở các địa phương làm sao chúng tôi có thể kiểm soát được nguồn thịt lợn đưa vào Hà Nội có phải đến từ vùng dịch hay không?

Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn lợn khá lớn, chăn nuôi quy mô nhỏ là chủ yếu, vậy trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thành phố gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Hà Nội có 1,9 triệu con lợn, đứng thứ hai cả nước chỉ sau Đồng Nai. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi 10 vạn con, tương đương 6.940 tấn, thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp cấp bách, quyết liệt ngay lúc này thì có thể thiệt hại còn lớn hơn nữa. 

Chúng ta xác định phải sống chung với loại dịch bệnh này, Tây Ban Nha phải mất đến 5 năm mới khống chế thành công vì không có vaccine, không có thuốc điều trị, nếu không làm tốt vấn đề an toàn sinh học là rất dễ mắc.

Khó khăn lớn nhất là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội còn lớn, lên đến 60%, người dân không có tư tưởng sản xuất hàng hóa, vẫn nuôi theo kiểu tận dụng, tập quán khó thay đổi. Ví dụ, dù chúng tôi đã tuyên truyền nếu đang chăn nuôi thì không nên đến thăm nhà có dịch nhưng họ vẫn đến, thậm chí còn hiếu kỳ đi xem tiêu hủy lợn.

Khó khăn thứ hai là quỹ đất để tiêu hủy lợn, chăn nuôi nhỏ lẻ không sao nhưng nếu cả trang trại lớn là cả một vấn đề. Hiện, chúng tôi xác định, với những hộ nhỏ lẻ, trang trại quy mô nhỏ, nếu có lợn dịch thì tiêu hủy tại chỗ để không lây nhiễm, nhưng phải xử lý nhiệt, trải bạt, rắc vôi đúng quy định. Đối với những trang trại lớn thì có thể phải lấy đấy quỹ hai hoặc tiêu hủy ở nghĩa trang nhân dân địa phương. 

Để động viên người dân khai báo dịch kịp thời, chúng tôi cũng thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy sớm, chỉ sau một tuần là người dân nhận được tiền hỗ trợ.

Nhiều địa phương có tình trạng xác lợn chết xả ra ngoài môi trường, ở Hà Nội có tình trạng này không, thưa ông?

- Dù không phổ biến nhưng ở một số nơi tôi khẳng định là có, ví như ở Mỹ Đức đã phát hiện lợn con vứt ra ngoài kênh mương do đối tượng này không được hỗ trợ tiêu hủy. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng cán bộ cơ sở phải bám sát tình hình để hạn chế tình trạng này.  

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem