Ở làng này, 20 năm dân sống khỏe re nhờ trồng loài nấm mèo

Chủ nhật, ngày 20/01/2019 20:00 PM (GMT+7)
Làng nghề trồng nấm mèo Bàu Cối (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) hình thành đến nay đã gần 20 năm. Nhờ nghề này đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; đồng thời cũng tạo điều kiện cho những người lao động lớn tuổi tại địa phương có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho gia đình.
Bình luận 0

Hiện bà con làng nấm đang tất bật chăm sóc cho mùa vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Dịp này, nấm mèo không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất ra nước ngoài với số lượng lớn, giá cao.

Chuẩn bị mùa nấm Tết

Theo chân Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang Lê Viết Long, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng nấm mèo của gia đình ông Danh Trình (66 tuổi, tổ 1, ấp Bàu Cối), là một trong những người tiên phong trồng nấm mèo tại địa phương.

Bên ấm nước trà trước sân, ông Trình chia sẻ về cơ duyên ông đến với nghề trồng nấm. Năm 1986, một lần ông cùng đoàn đi du lịch ở Vũng Tàu, tiện đường ghé thăm người thân ở TX. Long Khánh, từ đó ông bắt đầu “mê” vùng đất này với những khu vườn cây tươi tốt cho trái sum suê. Ông bắt Trình đầu có ý tưởng lập nghiệp tại vùng đất mới.

Ðến năm 1988, ông quyết định dùng số tiền tích góp lên Long Khánh mua đất (chỗ ở hiện nay) để đầu tư làm nông nghiệp với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. “Lúc bấy giờ, đất đai ở đây còn rẻ. Tôi mua 1 mẫu đất này với giá 1,9 cây vàng”, ông Trình nhớ lại.

img

Ông Danh Trình (ngồi trước) bên trại nấm mèo của gia đình.

Thời gian đầu, ông Trình thực hiện phương án “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng chuối và thu hoạch buồng trái đem bán cho một cơ sở sấy chuối tại Long Khánh. Nhờ nghề này đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định.

Tuy nhiên, ông Trình vẫn mong muốn tìm giống cây trồng chủ lực để có thể giúp ông có thu nhập cao hơn. Năm 1993, một lần ông đến thăm người bà con ở vùng Núi Ðỏ (thuộc xã Bàu Sen, TX. Long Khánh), thấy họ làm mô hình tiêu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng chuối.

Ông Trình đã xin giống về trồng trên khu vườn rộng 1 mẫu của gia đình. Tuy nhiên, may mắn chưa đến với ông khi vườn tiêu đang cho thu hoạch được vài mùa thì bất ngờ khô héo lá và chết. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc để trị bệnh cho tiêu nhưng vẫn thất bại…

Năm 2002, trong lúc ông Trình đang gặp khó khăn thì một người bạn đến thăm và gợi ý nuôi trồng nấm mèo, vì mô hình này đem lại thu nhập ổn định hơn làm rẫy. Ông nghe lời bạn và bắt tay vào nuôi trồng thử nghiệm 12.000 bịch nấm mèo. Thời gian đầu, ông chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc cũng như xử lý bệnh cho nấm.

Hiện tại, gia đình ông Trình đang nuôi trồng 5 trại nấm mèo để chuẩn bị thu hoạch bán trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ông Trình chia sẻ, những năm trước, nấm mèo thường được thương lái mua với số lượng nhiều, giá cao vào các dịp lễ Noel và Tết âm lịch.

Thế rồi, ông Trình được bạn bè tận tình chỉ dẫn, đồng thời được địa phương tạo điều kiện để tham gia các lớp học về nuôi trồng nấm, nên tay nghề của ông ngày càng nâng lên.

Khi nắm vững quy trình sản xuất, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm trại nấm để mở rộng mô hình làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình có tất cả 6 trại với gần 100 thiên nấm (100.000 bịch) và cho năng suất bình quân 4.500 kg nấm/vụ; một năm gia đình làm 3 vụ nấm.

Cụ thể, giá nấm mèo vào mùa Noel dao động từ 82.000 - 85.000 đồng/kg, có thời điểm lên 95.000 - 100.000 đồng/kg; còn Tết âm lịch có giá khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg. “Chỉ cần nấm mèo có giá từ 80.000 đồng/kg là chúng tôi đã có lời. Ngoài ra, chúng tôi còn kiếm lời từ bán bịch thải (sau khi thu hoạch nấm) để người ta dùng trồng nấm rơm”, ông Trình tâm sự.

Mùa nấm Tết năm 2017, ông Hoàng Văn Châu (49 tuổi, tổ 10, ấp Bàu Cối) xuất bán nấm mèo trúng thời điểm được giá cao (93.000 đồng/kg) nên sau khi trừ mọi chi phí, gia đình còn lời khoảng 170 triệu đồng và trở thành hộ trồng nấm mèo lời cao nhất ở làng nấm Bàu Cối. Hiện gia đình ông cũng đang tất bật cho vụ nấm mùa Tết với mong muốn tiếp tục “được mùa, được giá” để đón một cái Tết sung túc và đầy đủ hơn.

img

Ông Hoàng Văn Châu chia sẻ kinh nghiệm làm nấm mèo hiệu quả.

Ông Châu cho hay, trước đây, ông làm nghề lái xe chở hàng thuê (các mặt hàng nông sản) cho bà con trong vùng. Từ đó, ông có dịp tiếp xúc với các mô hình nuôi trồng nấm mèo hiệu quả và học hỏi được nhiều kinh nghiệm của chủ trại.

Năm 2008, thấy nguồn lợi kinh tế từ nấm mèo đem lại rất cao nên ông thuyết phục vợ thực hiện mô hình này. Ban đầu ông Châu đầu tư một trại, thấy hiệu quả mới nhân rộng lên 2, rồi 3 trại... Hiện gia đình ông có 4 trại với 45.000 bịch nấm. Nhờ có sự chuẩn bị và tính toán kĩ lưỡng đã giúp ông thành công với mô hình chỉ trong thời gian ngắn.

Ngoài thu nhập chính từ nấm mèo, vợ chồng ông Châu  còn trồng cây ăn trái (mít, chôm chôm) trong khu vườn rộng gần 7 sào và nhận chở hàng thuê để tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy, ông có điều kiện xây dựng nhà cửa và nuôi dạy các con đàng hoàng. “Nghề làm nấm đôi khi cũng gặp thăng trầm bởi sự tác động của giá cả, thời tiết khí hậu... Tuy nhiên, nếu người trồng có nhiều kinh nghiệm và biết tính toán kĩ thì vẫn có thể duy trì, sống tốt với nghề”, ông Châu bộc bạch.

Xây dựng thương hiệu nấm mèo sạch

Những người sống lâu năm ở xã Bảo Quang cho biết, sau năm 1975, có một nhóm cựu chiến binh ở miền Bắc vào vùng cổng Vòm (khu vực sân bay cũ, phường Xuân Thanh, TX. Long Khánh) lập nghiệp và làm nghề nấm mèo. Thấy mô hình mang lại kinh tế cao, bà con ở ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang) lần lượt tìm đến học hỏi cùng làm, lâu dần đã hình thành nên làng nghề nuôi trồng nấm và duy trì ổn định đến nay đã gần 20 năm.

Ông Phạm Văn Hòa (Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng nấm mèo Bàu Cối) cho biết, Tổ hợp tác nuôi trồng nấm mèo Bàu Cối được thành lập từ đầu năm 2018, ban đầu chỉ có 34 hộ, nhưng về sau người dân đăng ký lên 115 hộ, trung bình mỗi hộ làm 50 thiên nấm (50.000 bịch).

Theo ông Hòa, mục đích thành lập tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện cho người nông dân có dịp gặp gỡ, trao đổi và truyền đạt kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng làm ra sản phẩm sạch, đạt chất lượng tốt; bà con có gặp khó khăn gì cũng chia sẻ để được giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra, Tổ hợp tác cùng chính quyền quan tâm tạo điều kiện để bà con vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư làm ăn vươn lên trong cuộc sống.

Cũng theo ông Hòa, thấy mô hình làm ăn hiệu quả và giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, chính quyền cấp xã và thị xã muốn nâng mô hình lên thành làng nghề nuôi trồng nấm mèo. “Hiện địa phương đang trình hồ sơ thủ tục lên tỉnh để được xem xét và công nhận làng nghề nuôi trồng nấm mèo”, ông Hòa nói.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang Lê Viết Long cho biết, hằng năm, Hội Nông dân, UBND xã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông TX. Long Khánh tổ chức các lớp tấp huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý bệnh trên cây nấm cho bà con; tổ chức đưa bà con đi tham quan những trang trại nấm hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm.

Chọn hướng đi bền vững cho nấm mèo
Riêng năm 2018, Hội Nông dân phối hợp UBND xã mở lớp học nghề nuôi trồng nấm mèo và mời giảng viên về dạy cho bà con. Ngoài ra, địa phương phối hợp với doanh nghiệp về hướng dẫn bà con thực hiện quy trình làm nấm sạch; tạo thương hiệu cho nấm Long Khánh hướng tới việc tìm đầu ra nhằm đưa sản phẩm của bà con đến trực tiếp người tiêu dùng với giá cao, ổn định hơn…

Thành Nhân (Lao động Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem