Làm lồng khổng lồ nuôi cá chim vây vàng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, bắt lên toàn cá to

Thứ hai, ngày 25/12/2023 05:32 AM (GMT+7)
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng (Trachinotus spp) bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm” được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Khánh Hòa, nơi địa phương xác định nghề nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn...
Bình luận 0

Thực hiện chủ trương thúc đầy nghề nuôi cá biển tại Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã giao Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Bắc Trung Bộ - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng (Trachinotus spp) bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Dự án được tiến hành tại tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hòa, nơi địa phương xác định nghề nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của người dân nhưng đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Vì vậy, việc chuyển giao, áp dụng các kỹ thuật mớ trong nuôi biển là điều hết sức quan trọng nhằm giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị kinh tế.

Áp dụng công nghệ nuôi biển, kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng ở Quảng Ninh và Khánh Hòa còn góp phần bảo vệ môi trường nuôi. Chính vì vậy, dự án đã được ngành nông nghiệp và người dân địa phương đồng tình hưởng ứng.

Dự án đã triển khai 4 mô hình nuôi, trong đó 3 mô hình được thực hiện tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, 1 mô hình tại Thắng Lợi, huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh. 

Mỗi mô hình có quy mô thể tích lồng nuôi đạt 1.000 m3/mô hình. Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu khác. Ngoài ra, các chủ hộ nuôi đã được hỗ trợ rất tích cực về kỹ thuật nuôi cá lồng, phòng trừ dịch bệnh cho cá nuôi từ các cán bộ phụ trách dự án.

Làm lồng khổng lồ nuôi cá chim vây vàng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, thu lời lớn - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Làm lồng khổng lồ nuôi cá chim vây vàng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, thu lời lớn - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Sau 3 năm triển khai dự án, đến thời điểm hiện tại (tháng 12/2023), cả 4 mô hình đều thu được kết quả rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao hơn hẳn so với mô hình nuôi truyền thống. Sau 8 tháng thả nuôi, cá đạt khối lượng từ 0,7 kg/con đến gần 1 kg/con, tỷ lệ sống đạt hơn 72%, lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng cho người dân tham gia.

Đáng chú ý, mô hình lồng HDPE được bà con ngư dân cũng như chính quyền các địa phương đánh giá có rất nhiều ưu điểm như độ bền cao, khả năng chống chịu tốt với tác động từ thời tiết, bão gió, giúp cá phát triển tốt và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong nội dung của dự án, đơn vị chủ trì đã tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng cho 65 lượt người dân tham gia; tổ chức 3 hội nghị sơ kết, 1 hội nghị tổng kết, tham quan học tập và tổng kết đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình với sự tham gia của 50 lượt người. 

Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức 4 lớp tập huấn cho người dân ngoài mô hình với số lượng 25-40 học viên/lớp để học hỏi, nhân rộng mô hình. 

Cùng với đó, hoạt động thông tin tuyên truyền cũng được dự án chú trọng. Trong 3 năm, dự án đã xây dựng được 4 pano tại các hộ tham gia mô hình; viết 6 tin bài tuyên truyền về dự án; xuất bản 1.000 tờ gấp kỹ thuật cấp phát đến tay người nông dân trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Làm lồng khổng lồ nuôi cá chim vây vàng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, thu lời lớn - Ảnh 3.

Làm lồng khổng lồ nuôi cá chim vây vàng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, thu lời lớn - Ảnh 4.

Thu hoạch cá chim vây vàng tại mô hình.

Tính đến thời điểm này, dự án đã triển khai nhân rộng được thêm 6 mô hình mới tại Quảng Ninh (4 mô hình) và Khánh Hòa (2 mô hình). 

Thành công của các mô hình thuộc dự án: “Xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng (Trachinotus spp) bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm” tại các hộ dân tham gia ở Quảng Ninh và Khánh Hòa là minh chứng thực tế, khách quan làm cơ sở để Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương triển khai nhân rộng, nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững và đạt hiệu quả cao trong tương lai tại Việt Nam.


Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Phân viện nghiên cứu NTTS Bắc Trung Bộ) (Cổng TTĐT TTKN QG)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem