Nơi này ở Tây Ninh có vườn mãng cầu, vườn dâu tằm, ngày càng có thêm người tìm đến xem

Thứ tư, ngày 17/04/2024 05:53 AM (GMT+7)
Từ khi vườn bắt đầu có thu hoạch, nhiều du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh đã biết đến vườn và đến tham quan, trải nghiệm. Mọi người thực sự thích thú với không gian tươi mát, trong lành tại vườn dâu tằm Ba Phong, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Bình luận 0

Những vườn dâu tằm, dược liệu cây hoàn ngọc, cây lược vàng hay những rẫy mãng cầu cho trái quanh năm… là bước đệm để du lịch nông nghiệp Tây Ninh cất cánh trong tương lai không xa.

Là một tỉnh nông nghiệp, Tây Ninh được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch xanh, du lịch trải nghiệm bên cạnh việc phát triển du lịch tâm linh với trung tâm là núi Bà Đen và Toà thánh Tây Ninh. 

Những vườn dâu tằm, dược liệu cây hoàn ngọc, cây lược vàng hay những rẫy mãng cầu cho trái quanh năm… là bước đệm để du lịch nông nghiệp Tây Ninh cất cánh trong tương lai không xa.

Làm nông kết hợp du lịch

Nằm trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, 3 năm nay, vườn dâu tằm Ba Phong của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Vũ đã dần được nhiều người biết đến. Anh Vũ vốn là kỹ sư Nông nghiệp. 

Sau một thời gian làm việc cho công ty Nhật, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm về làm nông nghiệp hữu cơ và bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm trên mảnh đất 5 ha đất đang trồng cao su của gia đình. 

“Tôi đã dành 2 năm để cải tạo đất và quyết định trồng cây theo hướng hữu cơ hoàn toàn. Sau khi đất ổn định, tôi bắt đầu trồng dâu tằm, dừa xiêm, sầu riêng và bưởi”.

Sau 3 năm trồng cây, áp dụng phương pháp bón phân hữu cơ, vườn dâu tằm và dừa của anh Vũ đã bắt đầu cho trái và năng suất cao hơn so với những năm đầu tiên. Anh Vũ thực hiện phương pháp nuôi trùn quế ngay tại gốc cây trồng. Trùn là sinh vật tạo nên độ tơi xốp, màu mỡ cho đất.

Anh cũng chú ý để vườn lúc nào cũng rợp một màu xanh của cỏ. “Cỏ lớn thì tôi cắt xuống rồi lại ủ vào gốc cây, tạo phân xanh. Đất có cỏ sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái, giữ độ ẩm ổn định cho đất- nhất là trong mùa khô hạn”- anh Vũ nói.

Từ khi vườn bắt đầu có thu hoạch, nhiều du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh đã biết đến vườn và đến tham quan, trải nghiệm. Mọi người thực sự thích thú với không gian tươi mát, trong lành tại vườn dâu tằm Ba Phong. 

"Chúng tôi hy vọng mô hình làm vườn hữu cơ sẽ tiếp tục được nhân rộng bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại và đó cũng là mô hình cho du lịch Tây Ninh trong thời gian tới”- anh Vũ cho biết.

Tại đây, mọi người có thể tìm hiểu quy trình làm vườn hữu cơ, trải nghiệm hái dâu tằm và thưởng thức miễn phí ngay tại vườn.

Anh Vũ cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có 1.000 gốc dâu tằm. Tuỳ vào thời điểm, mỗi ngày chúng tôi hái được khoảng từ 50 kg, có hôm nhiều được khoảng 100 kg. Chủ yếu là tiêu thụ về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Số còn lại, chúng tôi sẽ chế biến các thành phẩm từ dâu tằm như si rô, mứt dâu tằm… để bán cho du khách.

Nơi đây, thời gian qua đã đón rất nhiều gia đình, các đoàn học sinh, các bạn trẻ đi phượt đến tham quan, chụp ảnh; và từ những chia sẻ của mọi người đã lan toả thông tin đến nhiều người hơn nữa...".

Còn với anh Minh Trung- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) mãng cầu Minh Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), gần một năm qua, anh bắt đầu triển khai chương trình tham quan và trải nghiệm hái mãng cầu tại các vườn trong HTX của anh.

Nơi này ở Tây Ninh có vườn mãng cầu, vườn dâu tằm, ngày càng có thêm người tìm đến xem- Ảnh 1.

Trải nghiệm hái mãng cầu tại vườn của Hợp tác xã (HTX) mãng cầu Minh Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Anh Trung cho biết, hiện nay, đa phần các vườn mãng cầu nằm ở vị trí xe ô tô khó đến, lại không tập trung một khu vực, nên để đưa du khách đến vườn, thời gian qua, anh sử dụng xe ba bánh để đưa rước khách. Xe được anh Trung cải tạo thêm phần mái che phía trên, bố trí ghế nhựa làm chỗ ngồi cho khách.

Với cách tổ chức này, thời gian qua, đã có một số du khách đã tìm đến tham quan, trải nghiệm hái mãng cầu tại các vườn của HTX Minh Trung.

“Do hiện tại các vườn nằm rải rác, không tập trung, nên để có thể bảo đảm lúc nào cũng có mãng cầu đến lứa cho mọi người hái và ăn tại vườn, du khách cần đăng ký báo trước để mình sắp xếp chọn vườn cho phù hợp.

Trong tương lai, tôi sẽ xây dựng một khu vực tập trung có nơi đón tiếp du khách, một khu trồng mãng cầu cho trái luân phiên. Để khi nào mọi người đến tham quan cũng có mãng cầu hái và ăn ngay tại vườn”- anh Minh Trung cho biết.

Xây dựng du lịch nông thôn riêng có

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta cần tạo ra sự khác biệt của du lịch Tây Ninh, tạo nên những sản phẩm đặc thù. 

Tới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ xây dựng một hệ sinh thái cộng sinh, tất cả các hội viên trong lĩnh vực du lịch sẽ cùng với nhau tạo nên hệ sinh thái, tạo nên sức mạnh cộng đồng, như thế sẽ đi xa, bền vững”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh kỳ vọng, trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ là thế mạnh tạo nên mảng du lịch xanh nhằm tạo đột phá cho sự phát triển của du lịch Tây Ninh.

Nhận định, du lịch xanh, du lịch nông nghiệp hiện nay là định hướng phát triển lâu dài của ngành du lịch, bà Lê Thị Như Oanh- Phó Giám đốc Công ty TNHH DV Du lịch Hương Sen Việt cho rằng, Tây Ninh có tiềm năng du lịch xanh cực kỳ lớn.

“Nếu du lịch Tây Ninh phát triển theo hướng này sẽ giúp mang lại trải nghiệm nhiều hơn cho du khách khi về Tây Ninh với thời gian 2-3 ngày. Hiện tại, nếu du khách đến Tây Ninh trong chương trình 2 ngày, ngày đầu mọi người đến Tây Ninh nhận phòng xong mọi người sẽ tự do tham quan, đến ngày hôm sau mới bắt đầu đi núi Bà Đen tham quan, chiêm bái.

Do đó, nếu phát triển được chương trình nông nghiệp xanh sẽ rất phù hợp cho chương trình trải nghiệm vào buổi chiều ngày đầu tiên đến Tây Ninh. Hoặc nếu chương trình cho khách ở 3 ngày, chúng ta có thể bố trí một ngày trải nghiệm du lịch nông thôn kết hợp với ẩm thực địa phương là hình thức rất hay và cần phát triển ở Tây Ninh. 

Đặc biệt là việc di chuyển vào các vườn mãng cầu bằng xe ba bánh, tôi nghĩ rất hấp dẫn đối với các du khách”- bà Như Oanh đề xuất.

Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, vừa qua, Sở phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát các điểm đến trên địa bàn các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh.

“Qua khảo sát nhằm kết nối những đơn vị lữ hành với chủ cơ sở có những sản phẩm đặc sản, qua đó mong muốn các đơn vị lữ hành xây dựng những tour du lịch mới đưa khách đến với Tây Ninh. 

Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới, tăng lượng du khách đến với Tây Ninh và giữ chân du khách lưu trú tại Tây Ninh dài ngày hơn” - bà Trần Thị Huy Hoàng nói.

Với những tiềm năng và lợi thế hiện có, hy vọng trong tương lai không xa, các tour du lịch nông nghiệp, du lịch xanh tại Tây Ninh sẽ được phát triển và được nhiều du khách đón nhận.

 Đây cũng là chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 theo Kế hoạch 2606 ngày 18.8.2023 của UBND tỉnh và thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026.

Ngọc Diêu (Báo Tây Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem