Những rào cản khi tiếp cận chuyển đổi số trong nông nghiệp

25/08/2019 06:45 GMT+7
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Mô hình này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất.

Từ khó khăn về quỹ đất…

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng trình độ chuyên môn hóa chưa cao, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó để áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, điều kiện triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện còn rất khó khăn. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có quỹ đất lớn, có vị trí thuận lợi cho lưu thông để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, nhưng đất nông nghiệp ở Việt Nam hiện bị phân tán thành nhiều thửa với diện tích rất nhỏ.

Cả nước hiện có hơn 11 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp với 78 triệu mảnh ruộng và trên 8,5 triệu nông hộ. Trong đó, có hơn 70% số hộ có diện tổng diện tích dưới 0,5ha, chỉ có 3,4% số hộ có diện tích trên 3ha. Trong khi đó, quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn khó khăn do quy định hạn điền và thời gian sử dụng đất còn nhiều bất cập.

… đến khó khăn về kinh phí

Chuyển đổi số là một hình thức áp dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, nghĩa là thay đổi phương thức quản lí. Theo đó, con người không cần trực tiếp chăm sóc, theo dõi mà công nghệ sẽ làm thay điều đó, chúng ta chỉ việc ở xa và điều khiển. Với những lợi thế vốn có, chúng ta có thể hoàn toàn thực hiện điều đó. Chuyên gia về công nghệ Nguyễn Tuấn Hoa cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ số toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, từ khâu xử lý đất, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản và giám sát nguồn gốc hàng hóa.

Tại một trang trại trồng rau quả 4.0 tại Đà Lạt, người chủ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể điều khiển độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng cho trang trại của mình. Năng suất, doanh thu cũng theo đó mà tăng lên vài lần.

Tuy nhiên, công nghệ 4.0 chỉ có thể ứng dụng rộng rãi khi có sự liên kết. Chưa kể đến đó là rào cản bởi mức chi phí cao, lên tới vài trăm triệu, thậm chí vài tỉ cho 1ha áp dụng chuyển đổi số; những kiến thức và kĩ năng thực hiện của người nông dân cũng là một bài toán đau đầu. Bởi vậy nếu không có đội ngũ kĩ thuật, sự đồng bộ thì rất khó có thể thành công.

Điều quan trọng là nông nghiệp cần được quy hoạch một cách bài bản, kêu gọi được các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm trong công nghệ và tiềm lực tài chính vững mạnh; Thêm vào đó là sự liên kết giữa trồng trọt và tiêu dùng để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Có làm được như vậy thì chuyển đổi số mới có cơ hội tiếp cận và phát triển trong nông nghiệp nước ta.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục