Nhà thuộc diện nghèo "bền vững", chàng trai này quyết đi học nghề, đời "nở hoa" khi nhận học bổng 1,5 tỷ

N.D Thứ năm, ngày 19/11/2020 13:00 PM (GMT+7)
Sinh ra ở những vùng quê nghèo, xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều thanh niên nông thôn đã không chấp nhận hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và làm đẹp quê hương. Điển hình như chàng trai Hà Viết Tỉnh ở Chương Mỹ (Hà Nội).
Bình luận 0

Ly hương "cõng" hi vọng thoát nghèo

Chàng trai Hà Viết Tỉnh sinh năm 1998 quê ở Chương Mỹ, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo "bền vững" đến… 20 năm. Trước khi Tỉnh đi học, gia đình 4 miệng ăn hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ với công việc làm nông đơn thuần. Bố tỉnh không nghề nghiệp lại hay uống rượu nên cảnh nghèo cứ bám riết lấy gia đình em. 

Vì hoàn cảnh khó khăn, tỉnh chỉ học hết cấp 3 rồi phải nghỉ, em gái cũng chỉ học đến lớp 9. Hai anh em lên thành phố mưu sinh với đủ thứ nghề từ làm thuê tại một trang trại gà, rồi đến làm may…

Những thanh niên nông thôn không khuất phục đói nghèo - Ảnh 1.

Chàng trai Hà Viết Tỉnh (Chương Mỹ, Hà Nội)

Năm 2018, Tỉnh được một người bạn trong xóm giới thiệu đến Trung tâm REACH- một tổ chức phi chính phủ chuyên hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Khóa học kéo dài 3 tháng. Sau khi hoàn thành khóa học với kết quả cao, Tỉnh được giáo viên giới thiệu cho một công việc phù hợp. 

Nhờ nỗ lực, cố gắng, đến nay thu nhập từ việc làm thêm này đã giúp em có được 10 triệu đồng/ tháng để lo cho gia đình. 

Mới đây, Tỉnh may mắn nhận học bổng toàn phần với học phí hơn 1,5 tỷ đồng từ Đại học RMIT Việt Nam. Thành tích đó là nhờ khả năng học tiếng Anh tốt và xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông của Tỉnh đạt 8.0.

Cũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng Ngô Văn Quyết (Đông Anh, Hà Nội) kém may mắn hơn khi mang trong mình căn bệnh xương kính bẩm sinh – căn bệnh khiến xương của Quyết rất giòn và dễ gãy.

Những thanh niên nông thôn không khuất phục đói nghèo - Ảnh 2.

Ngô Văn Quyết (Đông Anh, Hà Nội)

Nhà Quyết luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã, người ta nói, cũng vì một phần ăn thiếu thốn, thiếu chất nên bệnh xương kính càng nặng. 

"Bữa ăn gia đình ở quê  chỉ toàn rau cháo đạm bạc. Tới THPT, em vừa học vừa phụ bán quán cho người cậu nên cũng có thêm vài đồng đưa mẹ trang trải. Phải cho tới năm ngoái, gia đình em mới thực sự thoát khỏi diện hộ nghèo" - Quyết nói.

May mắn sau đó Quyết được giới thiệu đến trung tâm đào tạo nghề cho thanh thiếu niên, Quyết kiên trì đăng ký và theo học khóa thiết kế đồ họa. Tới giờ đã được 5 năm, nghề thiết kế đồ họa trở thành cần câu cơm của Quyết. 

Cuộc sống của cậu sang trang mới, lương mỗi tháng cũng cả chục triệu đồng. Hạnh phúc mỉm cười với những nỗ lực của em khi sau đó em gặp được vợ mình hiện tại. Hiện hai vợ chồng Quyết đã có con đầu lòng khỏe mạnh, bụ bẫm.

"Đòn bẩy" thoát nghèo cho thanh niên

Không chỉ cố gắng học nghề để giúp gia đình thoát nghèo như Tỉnh, Quyết, nhiều thanh niên ở vùng nông thôn cũng đang nỗ lực thoát nghèo bền vững dưới sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, trong đó có đoàn thanh niên địa phương.

Tại Lạng Sơn, theo thống kê của Tỉnh đoàn, hiện nay, toàn tỉnh có 5.013 hộ nghèo do thanh niên làm chủ hộ trên tổng số 21.336  hộ nghèo. Chính vì vậy, việc tập trung hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên thanh niên nghèo có cuộc sống ổn định được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn. Với các giải pháp hiệu quả, thiết thực, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã giúp nhiều thanh niên vươn lên thoát nghèo.

Những thanh niên nông thôn không khuất phục đói nghèo - Ảnh 3.

Tỉnh Đoàn Quảng Ninh trao tặng trâu nuôi sinh sản cho thanh niên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo. Vân Anh

Ngoài việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng các mô hình "thanh niên khởi nghiệp", Tỉnh đoàn Lạng Sơn còn tổ chức 170 hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội nghị đầu bờ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên… 

Từ những trợ lực của tổ chức đoàn và tinh thần vươn lên vượt khó, nhiều thanh niên nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Những mô hình kinh tế được đầu tư mở rộng về quy mô sản xuất thu hút lao động tham gia, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Lạng Sơn cũng nhận ủy thác cho nhiều hộ thanh niên nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến năm 2020,  toàn tỉnh đã giúp đỡ được 517 hộ thanh niên thoát nghèo.

Tương tự, để thực hiện mục tiêu giúp thanh niên thoát nghèo bền vững các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành khảo sát nhu cầu về nghề nghiệp và việc làm của thanh niên là chủ hộ nghèo, cận nghèo, từ đó xây dựng chương trình, các hoạt động hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương. 

Các hoạt động điển hình như tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên; hỗ trợ sinh kế phát triển kinh tế như trao tặng con giống, cây giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các mô hình kinh tế tại gia đình; hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH… 

Đặc biệt, trong năm 2019, tỉnh đoàn đã chủ trì triển khai mô hình hỗ trợ đoàn viên thanh niên nuôi trâu sinh sản tại 2 xã Quảng An và Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) và xã Đồng Lâm (TP Hạ long) đạt hiệu quả tốt.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo


 


 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem