"Dính đòn" thuế mới từ Mỹ, Trung Quốc sẽ khuất phục hay trả đũa?

02/08/2019 16:14 GMT+7
Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc rất có thể sẽ đẩy Bắc Kinh đến các chính sách kích cầu tăng cường để bảo vệ nền kinh tế trong nước, một chiến lược gia từ Goldman Sachs nhận định.

Căng thẳng Mỹ Trung tiếp tục leo thang trở lại

Tổng thống Trump hôm 1.8 cho biết mức thuế 10% đánh lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1.9 tới đây. Ông Trump thậm chí đe dọa sẽ tăng thuế lên 25% nếu cần thiết. Động thái này được đưa ra ngay sau khi phái đoàn đàm phán Mỹ trở về sau vòng đàm phán trực tiếp tại Trung Quốc mà không đạt được tiến bộ nào đáng kể.

Donald Trump còn cáo buộc Bắc Kinh đã lật lọng khi không tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ, thậm chí không kiểm soát Fentanyl xuất khẩu như cam kết.

Quan chức Trung Quốc lên tiếng

Ngay sau khi tuyên bố của ông Trump được đưa ra, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng phản đối việc Mỹ sử dụng thuế quan như công cụ giải quyết xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. “Thuế quan bổ sung chắc chắn không phải một hành động mang tính xây dựng trong tiến trình giải quyết các mâu thuẫn kinh tế và thương mại. Đó không phải con đường đúng đắn” - ông Vương Nghị trả lời phỏng vấn giới truyền thông Trung Quốc.

Ngay sau đó, trong cuộc họp báo thường nhật, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ có những biện pháp đối phó cần thiết một khi Mỹ áp dụng thuế quan bổ sung với hàng hóa Trung Quốc. Cô cho biết thêm rằng Trung Quốc không hề mong muốn một cuộc chiến tranh thương mại nào xảy ra, nhưng điều đó không có nghĩa là họ e dè Mỹ.

Theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, sau vòng đàm phán trực tiếp diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu trong nước, còn Mỹ cho biết họ muốn đàm phán thêm để đạt tới thỏa thuận thương mại toàn diện. Nhưng truyền thông Mỹ lại khẳng định Trung Quốc không đưa ra một tiến bộ mới nào trong đàm phán, và họ chỉ đồng ý nhập khẩu thêm nông sản một khi đàm phán kết thúc và thỏa thuận thương mại thông qua. Tuyên bố trái chiều từ hai bên đã khiến thị trường tỏ ra hoang mang. 

Trong khuôn khổ vòng đàm phán tại Thượng Hải, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng chỉ trích Trung Quốc tận dụng lợi thế thương mại không công bằng, gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Ông khẳng định đã đến lúc Trung Quốc dừng các hành động này, bước vào một sân chơi bình đẳng. “Điều này không chỉ mang lại lợi ích thương mại cho Mỹ mà còn có lợi cho cả hệ thống thương mại toàn cầu”.

Thuế quan và canh bạc của ông Trump

Cú giáng đòn của Trump chắc hẳn đã khiến Trung Quốc bất ngờ

Không phải ai cũng đồng tình với việc Trump áp thuế bổ sung lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bởi điều này chắc chắn sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho các công ty Mỹ, người nông dân, thị trường lao động và người tiêu dùng.

Các nhà phân tích từ Eurasia Group thậm chí cho rằng Trump đã đánh giá sai Trung Quốc khi quyết định áp đặt thêm thuế quan 10% với 300 tỷ USD hàng hóa. “Sự leo thang xung đột mới đây báo hiệu việc Trump cố gắng sử dụng thuế quan như một đòn bẩy buộc Bắc Kinh quay lại bàn đàm phán trong bối cảnh đàm phán tiến triển chậm rãi.” - ba nhà phân tích Michael Hirson, Paul Triolo và Jeffrey Wright nhận định. Hồi cuối tháng 6, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trump và ông Tập đã đồng ý đình chỉ chiến tranh thuế quan. Hành động mới đây của Trump không nghi ngờ gì đã rũ sạch những nỗ lực đó. 

Các nhà phân tích nói thêm, đây dường như là canh bạc mới của Trump, một canh bạc khổng lồ. Dường như vị Tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy Bắc Kinh đạt đến thỏa thuận như Mỹ mong đợi trước cuộc bầu cử năm 2020, và sẵn sàng sử dụng mọi công cụ trong tay để tạo áp lực cho chính quyền Tập Cận Bình. Dễ hiểu, ưu tiên số một của Trump lúc này là tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020. Chiến tranh thương mại kéo dài hay đàm phán bế tắc đều là một bối cảnh không khả quan trong nhiệm kỳ ông tại vị. Ông Trump muốn đạt đến thỏa thuận thương mại - điều sẽ trải thảm cho con đường tái đắc cử.

Nhưng liệu Trump có thành công trong canh bạc này? Không rõ. “Đó sẽ là một tình huống đầy bối rối nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu nông sản Mỹ dưới sự đe dọa thuế quan” - các nhà phân tích Eurasia Group nhận định. Công cụ thuế quan của Trump khó có thể khiến Bắc Kinh đi theo con đường mà Trump kỳ vọng. Điều này tương tự với phản ứng của Trung Quốc khi Trump áp thuế bổ sung 25% lên hơn 200 tỷ USD hàng hóa hồi tháng 5.

Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa

Bắc Kinh không đời nào thỏa hiệp

Theo phân tích của các nhà kinh tế học từ Citigroup, đợt thuế quan sắp tới của Mỹ sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm khoảng 2,7%, đồng thời giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,5%. Liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao?

Iris Pang, nhà kinh tế học từ ING Bank nhận định Trung Quốc có khả năng muốn kéo dài xung đột thuế quan, vì một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện nhiều khả năng sẽ khiến ông Trump thất cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. “Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang là các đòn trả đũa “ăn miếng trả miếng” làm chậm tốc độ đàm phán thương mại. Điều này có thể kéo dài đến sau bầu cử Tổng thống.”

Tapas Strickland, giám đốc kinh tế và thị trường Ngân hàng Quốc gia Úc cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không đời nào chấp nhận thỏa hiệp vì mối đe dọa thuế quan. “Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tăng cường các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đồng thời tăng cường kích thích kinh tế trước cơn phong ba sắp tới”.

Nhận định của Timothy Moe, giám đốc phụ trách các vấn đề Châu Á, đồng thời là chiến lược gia kinh tế từ Goldman Sachs khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường các chính sách can thiệp, kích thích kinh tế nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2019 mà Chính phủ nước này đề ra. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 6,3%.  “Kinh tế Trung Quốc vốn đã suy yếu, và sẽ càng suy yếu hơn khi xung đột leo thang trở lại. Để bù đắp tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tăng cường các khoản đầu tư, các gói kích cầu hoặc các chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước” - ông Timothy cho biết thêm thêm.

Trước đó, Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm thuế...để hỗ trợ nền kinh tế. Các quan chức nước này có thể sẽ xem xét các chính sách kích thích tài khóa hoặc tín dụng cho những hành động tiếp theo.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục