Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 2): Trong cuốn sử làng

Hà Nguyên Huyến Thứ sáu, ngày 01/10/2021 13:30 PM (GMT+7)
Sài Gòn là thế, dù cho đời sống khó khăn nhưng cứ Chủ nhật là nghỉ. Thợ nghỉ, chủ nghỉ, cả nhà anh tôi đi chơi. Hai cái xe đạp, hai anh em mỗi người lai một đứa trẻ, chúng tôi ra Thảo Cầm Viên và đi thăm thú người làng. Đi đâu thì đi nhưng nhất định phải ghé qua ông Cả Đoạt.
Bình luận 0

Sài Gòn là thế... 

Năm 1985, tôi lại vào Sài Gòn.

Sài Gòn là thế, dù cho đời sống khó khăn nhưng cứ Chủ nhật là nghỉ. Thợ nghỉ, chủ nghỉ, cả nhà anh tôi đi chơi. Hai cái xe đạp, hai anh em mỗi người lai một đứa trẻ, chúng tôi ra Thảo Cầm Viên và đi thăm thú người làng. Đi đâu thì đi nhưng nhất định phải ghé qua ông Cả Đoạt.

Với anh tôi, ông Đoạt không chỉ là chỗ họ hàng mà là địa chỉ ân nghĩa. Anh kể: Sau khi tốt nghiệp đại học, ký túc xá không cho sinh viên đã học xong lưu lại. Anh đeo ba-lô về ở nhờ ông Đoạt.

Một bữa, anh tôi nghe bà Đoạt phàn nàn: "Cậu ấy đưa có bằng này tiền thì làm sao nấu cơm cho cậu ấy được". Ông Đoạt bảo: "Nó có ba mươi mấy đồng lương trung sĩ, đưa hết cho bà rồi mà…".

Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 2): Trong cuốn sử làng - Ảnh 1.

Gốc đa ông Đoạt từng dự định về xây quán để dân làng tránh mưa nắng khi đi làm đồng. Ảnh: H.N.H

Ai cũng nhớ làng nhớ quê, ai cũng nghẹn ngào nói sắp xếp để về quê lấy một lần "dối già" (ngôn ngữ địa phương có nghĩa là "cuối cùng"). Thế mà không ai về được. Phải chăng, nơi đáy lòng họ còn chút lăn tăn về nhịp lỗi của một bước lỡ làng trong đời sống này.

Thời gian sau, anh tôi tìm được việc làm và có chỗ ở mới. Tính ông Đoạt là thế, rất phóng khoáng. Bố tôi kể: Hồi học xong Cet-ti-fi-ca chuẩn bị đi làm, biết hoàn cảnh, ông Đoạt gọi bố tôi vào nhà rồi mở tủ bảo: "Quần áo của cậu đây, anh muốn lấy bao nhiêu bộ tùy thích". Hôm ấy, bố tôi chọn một bộ complé vải đoóc-mơi màu ghi xanh. Bộ quần áo này, bố tôi giữ mãi cho đến cuối đời…

Bố tôi gọi ông Cả Đoạt là cậu, anh em bên ngoại với bố. Thời còn trẻ, ông Cả Đoạt ở làng, cụ thân sinh ra ông Đoạt hai bà, ông Đoạt là con bà cả, bà cả mất, ông cụ lấy bà hai và có thêm người em trai nữa.

Những cái tên trong cuốn biên niên sử làng

Khoảng những năm 1930 - 1940, cuộc sống của làng quê Việt Nam vô cùng khó khăn. Thế giới lâm vào khủng khoảng "kinh tế thừa", chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Ông Cả Đoạt kể: Ngày ấy ông "nón lá áo tơi" đi khỏi làng mà lòng nhủ thầm: Không nên người thì gia đình cứ nhằm ngày này mà lấy làm ngày giỗ!

Ông Đoạt ra thị xã Sơn Tây cách làng tôi 5 - 6km và làm đủ mọi nghề. Mấy năm sau, ông lấy vợ. Vợ ông Đoạt là con một nhà giàu có xe khách chạy Sơn Tây - Hà Nội. Ông Đoạt làm xe một thời gian rồi sang mở lò "bánh tây" (bánh mì). Công việc làm ăn đang phát đạt chẳng hiểu sao ông lại chuyển sang kinh doanh và sản xuất giày tây. Bố tôi ra tỉnh học, ông Cả Đoạt nhờ vẽ một cái biển quảng cáo… Cho đến tận bây giờ, ngồi tại Sài Gòn, ông Cả Đoạt vẫn khen bố tôi tài hoa, vẽ một cái biển quảng cáo đẹp nhất tỉnh Sơn (Sơn Tây) một thời.

Năm 1954, bố tôi theo kháng chiến chưa về làng, ông Cả Đoạt rủ hai chú em bố đi Nam, không ai đi, ông Đoạt đưa cả gia đình xuống Hải Phòng di cư vào Nam. Ở Sơn Tây, ông bỏ lại toàn bộ cửa nhà cho mấy người em chi dưới toàn quyền sử dụng. Ông Đoạt kể: Vào Nam, ông lập nghiệp ở Biên Hòa, nhờ kinh doanh mà ông trở nên giàu có. Song, chỉ hơn chục năm sau không thể kinh doanh được nữa, chín lần ông làm chủ thì cả chín lần thất bại. Ông bảo: Cánh tư sản mới nổi chúng làm ăn rất ghê gớm, ông là thế hệ đã lỗi thời. Cả gia đình về Sài Gòn và ở đến hôm nay.

Anh tôi hay ghé qua ông Cả Đoạt để thăm hỏi và đôi khi sửa chữa xe đạp cho hai cô con gái ông Đoạt bởi giai đoạn này cả nước mình đạp xe. Tôi lân la hỏi chuyện được biết ông bà Đoạt có 3 người con, chú Phan Khắc Khoái là trai duy nhất. Đến tuổi, chú Khoái tham gia nghĩa vụ quân sự, đơn vị đóng Tây Ninh giáp biên giới Campuchia. Ông Đoạt rất nhớ con, anh tôi bảo: "Cháu là lính chiến ông sợ gì, cháu đưa ông đi…". Trước khi đi, bà Đoạt chuẩn bị từng chai nước mắm, lọ ruốc, đến nhúm hạt tiêu… Hôm ấy, không ngờ quân Pôn - pốt đánh vào đơn vị, ông Đoạt sợ quá chui vào gầm xe quân sự, quà cáp vung vãi khắp nơi…

Tôi bảo: "Hòa bình rồi lúc nào mời ông về thăm quê". Ông Đoạt bảo: "Nhất định ông sẽ về, về quê ông sắm vài mươi mâm cỗ đãi làng, sẽ mang tiền về xây một cái quán dưới tán cội Đa Gươm (một cây đa mọc ở giữa cánh đồng đến nay vẫn còn) lấy chỗ cho dân làng trú mưa nắng. Thuở thiếu thời ông đã từng nếm trải nỗi khổ của cuộc đời nông phu…".

Vậy mà ý định ấy đến cuối đời ông Đoạt không thực hiện được!

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chú Khoái định cư ở Úc theo diện bảo lãnh. Thế rồi tuổi già sồng sộc kéo đến… Anh tôi năng thăm hỏi ông Đoạt hơn. Một hôm anh tôi bảo: "Lâu ông có đi khám bệnh không?" Ông Đoạt bảo: "Ông vẫn khỏe, đang tháng tám, bánh trung thu người ta biếu nhiều, ông vẫn làm được nguyên một cái…". Anh tôi giục ông vào viện. Mấy hôm sau, bệnh viện thông báo ông Đoạt bị tiểu đường giai đoạn nguy hiểm! Bệnh tật và tuổi tác đã gọi ông về với vĩnh hằng.

Trong đám tang ông Đoạt có viết một cái thông báo đặt ngay ngoài cửa, đại ý: Gia đình không có điều kiện phúc đáp lại nên không nhận tiền phúng điếu của bất cứ ai… Thế là hoa, bao nhiêu tiền tang lễ được biến thành hoa, anh tôi phải thuê một cái xe tải lớn mới chở hết hoa và ông Đoạt ra nghĩa địa…

Ông Cả Đoạt mất đã vài chục năm nay nhưng một câu hỏi cứ ám ảnh tôi mãi. Ông Đoạt và một số người làng tôi cùng thế hệ, họ di cư vào Nam năm cuối năm 1953, đầu năm 1954, tôi vào Sài Gòn anh tôi đưa đi thăm gần như khắp lượt. Ai cũng nhớ làng nhớ quê, ai cũng nghẹn ngào nói sắp xếp để về quê lấy một lần "dối già" (ngôn ngữ địa phương có nghĩa là "cuối cùng"). Thế mà không ai về được. Phải chăng, nơi đáy lòng họ còn chút lăn tăn về nhịp lỗi của một bước lỡ làng trong đời sống này. Song, dân làng tôi không ai quên họ, trong cuốn biên niên sử "bất thành văn" của làng vẫn nhắc đến họ mỗi khi có dịp, bởi họ là con dân của làng tôi: Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội… 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem