Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ập đến: Đừng kỳ vọng sớm có giải pháp

11/10/2021 10:42 GMT+7
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Giá than leo thang lên mức kỷ lục. Có nhiều dự báo giá dầu sắp vượt mốc 100 USD/ thùng.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ập đến

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng đang phủ bóng đen lên toàn cầu, nhất là khi nửa bán cầu Bắc sắp bước vào mùa đông và nhu cầu dầu dự báo sẽ tăng vọt. Các chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực tăng cung năng lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhưng nguy cơ lớn là họ không đủ công cụ để ngăn chặn tình trạng giá tăng đột biến.

Bức tranh thị trường năng lượng trở nên phức tạp đang gia tăng áp lực lên các Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch khi các nhà lãnh đạo thế giới đứng trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 11.

Ở Trung Quốc, tình trạng cắt điện kéo dài đối với người dân đã bắt đầu diễn ra, trong khi đó ở Ấn Độ, các nhà máy điện đang tranh giành than gay gắt. Các nhà sản xuất châu Âu kêu gọi khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng để đáp ứng kịp thời đơn hàng còn đang nợ đối tác.

"Cú sốc giá năng lượng này là một cuộc khủng hoảng bất ngờ ở một thời điểm quan trọng", Giám đốc năng lượng EU Kadri Simson cho biết hôm thứ Tư, đồng thời xác nhận khối EU sẽ vạch ra chính sách phản ứng dài hạn hơn vào tuần tới. "Ưu tiên trước mắt cần là giảm thiểu tác động xã hội và bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương."

Nikos Tsafos - chuyên gia năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Nhiều người đang lo sợ khi mùa đông lạnh giá sắp đến”.

Các nỗ lực quyết liệt của chính phủ để đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên cũng góp phần đẩy giá than và dầu lên cao. Than và dầu là hai nguồn cung năng lượng thay thế quan trọng dù chúng có ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu. 

Ấn Độ, quốc gia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng than, trong tuần này cho biết có tới 63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện than của nước này có lượng dự trữ nguyên nhiên liệu chỉ đủ hoạt động trong 2 ngày, thậm chí ít hơn. 

Tình hình đang khiến các ngân hàng Trung ương và các nhà đầu tư thực sự lo lắng. Giá năng lượng tăng đang góp phần gây ra lạm phát - vốn đã đang là một mối quan tâm lớn khi nền kinh tế toàn cầu cố gắng loại bỏ những tác động kéo dài của dịch Covid-19.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ập đến: Đừng kỳ vọng sớm có giải pháp - Ảnh 1.

Một nhà máy điện than ở Nam Kinh, Trung Quốc (Ảnh: CNN)

Không dễ tìm giải pháp

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ thực tế nhu cầu năng lượng tăng cao khi đà phục hồi kinh tế sau đại dịch ngày càng mạnh mẽ. Trong khi đó, từ phía cung, chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn bởi các hiện tượng thời tiết hoặc sự cố kỹ thuật. 

Tại Trung Quốc, nhu cầu quá lớn với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đồng nghĩa nguồn cung từ thị trường LNG không đáp ứng đủ cầu. Việc xuất khẩu khí đốt của Nga giảm mạnh càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tại châu Âu, Independent Commodity Intelligence Services cho biết giá khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương 230 USD/thùng, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn 800% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng Société Générale nói với các khách hàng trong tuần này: "Chưa bao giờ giá điện ở Châu Âu lại tăng nhanh như vậy". Một mùa đông dài và lạnh bất thường vào đầu năm nay đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên trong khu vực.

Tại Đông Á, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 85% kể từ đầu tháng 9, đạt khoảng 204 USD/thùng. 

Mặc dù tại Mỹ, mức giá có vẻ hạ nhiệt hơn do nước này là nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên, nhưng nó vẫn đạt mức cao nhất trong 13 năm. Cụ thể, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 47% kể từ đầu tháng 8.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đẩy giá dầu lên cao kỷ lục. Bank of America gần đây đã dự đoán rằng một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu, vượt mốc 100 USD/ thùng, cao nhất kể từ năm 2014.

Jim Burkhard – nhà nghiên cứu của IHS Markit về năng lượng cho hay một giải pháp tình thế ngay lúc này là khó xảy ra. “Không thể trông chờ vào nguồn cung khí đốt từ Ả-rập Xê-út, quốc gia duy nhất có thể nhanh chóng tăng cường sản xuất khí đốt tự nhiên”.

Về mặt lý thuyết, Nga là quốc gia có khả năng tăng cường cung khí đốt. Nếu nhà chức trách Đức sớm phê duyệt dự án đường ống Nord Stream 2 – dự án vốn gây tranh cãi về mặt chính trị, việc dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đến châu Âu có thể được xoa dịu đáng kể.

Chắc chắn tình hình thời tiết lạnh giá trong mùa đông sắp tới sẽ tiếp tục gây sức ép lên tình hình giá dầu, than và khí đốt tự nhiên - đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng như Ý và Vương quốc Anh. Anh đang ở trong tình thế đặc biệt khó khăn vì nước này không có nguồn dự trữ năng lượng lớn và đang phải đối phó với sự cố gián đoạn đường dây điện với Pháp.

Henning Gloystein, giám đốc lĩnh vực năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Vương quốc Anh có nguy cơ cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông… Nếu điều này xảy ra, chính phủ có thể sẽ yêu cầu các nhà máy cắt giảm sản lượng và hạn chế tiêu thụ khí đốt để đảm bảo nguồn cung cấp cho các hộ gia đình."

Dữ liệu của OECD cho thấy giá điện ở các nước phát triển đã tăng 18% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008. Cần chú ý, dữ liệu đó xuất hiện trước khi tình hình xấu đi đáng kể trong những tuần gần đây. Việc chi phí năng lượng tăng vọt, không có dấu hiệu giảm bớt, đang làm dấy lên lo ngại lạm phát, vốn đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp theo. Nguyên nhân là do hóa đơn điện cao hơn có thể làm giảm chi tiêu tiêu dùng cho hàng loạt lĩnh vực khác như ăn uống, mua sắm trang phục…, qua đó làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch. Ông Gloystein nói: “Có những lo ngại rằng giá khí đốt tăng sẽ khiến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của châu Âu gặp rủi ro”.

Theo ông Gloystein, sự biến động giá quá lớn trên thị trường năng lượng cũng có thể gây ra sự hoài nghi của công chúng về việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, nếu họ cho rằng cần duy trì nguồn cung dầu và khí đốt để hạn chế những biến động giá trong tương lai.

Trong tình huống đó, các Chính phủ đang cố gắng gửi đi một thông điệp: cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ tiếp tục củng cố đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch chứ không làm suy yếu xu hướng này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Rõ ràng là trong dài hạn, điều quan trọng là phải đầu tư vào năng lượng tái tạo. Điều đó sẽ mang lại cho chúng ta một môi trường giá cả ổn định và độc lập hơn, bởi vì EU hiện nhập khẩu tới 90% khí đốt".


Kiều Chinh
Cùng chuyên mục