Mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn phát triển manh mún

Thứ năm, ngày 27/12/2012 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất của ND, nhưng các mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn vẫn trong tình trạng manh mún...
Bình luận 0

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội thảo “Hội NDVN tham gia phát triển hợp tác xã nông nghiệp”, diễn ra ngày 26.12 tại Hà Nội. Hội thảo do T.Ư Hội NDVN, Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phối hợp tổ chức.

Đa dạng các nhóm, tổ hợp tác

img
Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch (đứng) phát biểu tại hội thảo.

Với sự hỗ trợ của IFAD, 3 năm nay, xã Đăk Wer (Đăk R'Lấp, Đăk Nông) thành lập được 12 nhóm ND cùng sở thích trồng cà phê, nuôi bò. Ông Điểu Zơm - Chủ tịch Hội ND xã Đăk Wer bày tỏ: “Sự ra đời của các nhóm ND cùng sở thích đã cải thiện được sinh kế của từng hộ; giúp ND hiểu biết hơn về KHKT. Các nhóm ND đã xây dựng dịch vụ tài chính cho vay sản xuất do các thành viên góp, và một phần được hỗ trợ từ IFAD. Hiện, nguồn tài chính do thành viên góp lên tới hơn 1,4 tỷ đồng”.

“Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay đều thiếu đủ thứ, trong đó có thiếu mối liên doanh, liên kết với các HTX khác, loại hình kinh tế khác”.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm

Theo ông Lý Nguyên Bảo - Chủ tịch Hội ND xã Đồng Phúc (Ba Bể, Bắc Kạn), việc hình thành các nhóm ND cùng sở thích nuôi gia cầm, gia súc, trồng rừng, đã giúp cải thiện điều kiện sống của bà con ND trong xã. Bà Trần Thị Tuyết Anh - Phó ban Kinh tế - Xã hội (Hội ND tỉnh Bến Tre) khẳng định: “Từ khi IFAD triển khai thực hiện dự án nâng cao chuỗi giá trị các loại nông sản ở Bến Tre, chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác cải thiện rõ. Các tổ đã biết kỹ năng quản lý, vận hành nhóm ND; cách tiếp cận vốn, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh chuỗi giá trị hàng nông sản…”.

Với sự hỗ trợ từ Hội ND các cấp, cả nước hiện có hàng vạn tổ, nhóm ND cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp, HTX với sự đa dạng về sản xuất, kinh doanh…

Nhiều cái khó

Theo ý kiến của các đại biểu, các mô hình tổ, nhóm ND cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp ở nông thôn hiện nay là cơ sở và tiền đề quan trọng để phát triển lên các hình thức kinh tế tập thể ở cấp cao hơn, như HTX. Ông Hoàng Nghĩa Tho - Phó Giám đốc Dự án IFAD tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trong 434 nhóm ND cùng sở thích, dự án đã lựa chọn, hỗ trợ phát triển 151 tổ hợp tác. Trong số tổ hợp tác đó, dự án lựa chọn và hỗ trợ phát triển thành công 5 HTX. Dự án IFAD ở Trà Vinh đã giúp các nhóm ND biết sản xuất gắn chuỗi sản phẩm và đưa ra thị trường. Sản phẩm làm ra có logo, nhãn mác và nhiều nhóm đã biết cơ quan nào làm việc này, làm trong bao lâu với chi phí bao nhiêu tiền…”.

Bên cạnh việc khẳng định sự sinh động của các mô hình tổ, nhóm ND, tổ hợp tác, HTX, các đại biểu cũng đưa ra những bất cập, khó khăn để phát triển hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đó là tình trạng sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng, thiếu chính sách, nguồn lực để hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm - đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay đều thiếu đủ thứ, trong đó có thiếu mối liên doanh, liên kết với các HTX khác, loại hình kinh tế khác...”.

Ở một góc độ khác, ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: “Cần có chính sách quyết liệt để các HTX vay được vốn đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay có tư cách pháp nhân như HTX còn không vay được vốn thì các mô hình như tổ, nhóm ND, tổ hợp tác biết trông chờ vào đâu?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem