Liên kết sản xuất an toàn khôi phục vùng chè quý

Thu Hà Thứ năm, ngày 30/08/2018 15:57 PM (GMT+7)
Để giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè, những năm qua ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP. Hiện thành phố đã có trên 3.000ha chè tại Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ...
Bình luận 0

Khôi phục thương hiệu chè Long Phú

Thôn Long Phú, xã Hòa Thạch (Quốc Oai, Hà Nội) vốn là vùng chè nổi tiếng của huyện Quốc Oai, tuy nhiên do không được quan tâm chăm sóc nên năng suất và chất lượng chè nơi đây khá thấp.

 Ông Lê Đình Long - Giám đốc Hợp tác xã Long Phú cho biết: “Chè Long Phú vốn nổi tiếng, từng được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Sau khi khối Đông Âu tan rã, việc tiêu thụ chè Long Phú trở nên khó khăn. Đặc biệt, từ sau khi Công ty Chè Long Phú không thu mua chè cho nông dân, sản xuất chè tại Long Phú gần như đình trệ”.

img

  Thực hiện mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã có thu nhập khá. Ảnh: Anh Tuấn

"Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đạt 250ha, có 3 mô hình sản xuất, 2 mô hình chế biến, bảo quản chè, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất loại chè này chiếm 35 - 40% tổng giá trị sản xuất chè toàn thành phố”.

Bà Hoàng Thị Hòa -
Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội

Năm 2013, HTX Nông nghiệp Long Phú ra đời với 228 hộ trồng chè - tiền thân là công nhân Nhà máy Chè Long Phú. HTX Long Phú đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai mô hình sản xuất chè an toàn. HTX đã vận động, hướng dẫn các hộ dân ở thôn Long Phú trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và trồng 10ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Là một trong những hộ dân tham gia trồng chè VietGAP, ông Trương Văn Hồng, xã Hòa Thạch cho biết: Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình sản xuất chè VietGAP cho năng suất chè khô trung bình đạt 1,5 tấn/ha/năm, giá trị đạt 225.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với chè sản xuất đại trà.

Hiện diện tích chè an toàn trên địa bàn xã Hòa Thạch đã được mở rộng ra khoảng 20ha với 34 hộ sản xuất. Theo ông Long, chè Long Phú được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị sản phẩm vì vậy cũng được tăng từ 15-20%. Tuy nhiên, hiện việc duy trì và phát triển diện tích chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hòa Thạch vẫn còn khó, khăn nhất là đầu ra chưa ổn định, sức cạnh tranh chưa cao.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Hiện, toàn TP.Hà Nội có khoảng 3.200ha chè, được phân bố tập trung chủ yếu tại các vùng đồi gò, bán sơn địa của một số huyện như: Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ… Cây chè được xác định là cây trồng chủ yếu trong phát triển kinh tế ở đây. Tuy nhiên nhiều năm qua, người trồng chè Hà Nội đứng trước nhiều khó khăn do sản xuất truyền thống manh mún; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ và còn nhiều diện tích chè nhiều năm tuổi năng suất thấp.

Trước vấn đề này, Hà Nội đã thực hiện đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn TP.Hà Nội” giai đoạn 2012 - 2016. Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: “Hiện, toàn thành phố đã trồng mới và trồng thay thế được 182ha chè bằng những giống chè mới có năng suất như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên. Bên cạnh đó cũng phát triển chăm sóc, thâm canh chè an toàn được 345ha, trong đó có 110ha chè sản xuất theo VietGAP. Đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, chế biến chè được được 100ha”.

Bà Hòa khẳng định: Qua các lớp tập huấn trình độ sản xuất chè của nông dân đã nâng cao rõ rệt, năng suất chè đã tăng từ 10 - 15%... Hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè tại các mô hình tiêu biểu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, có hộ đạt 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt chất lượng chè đã nâng cao theo hướng an toàn cho người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem