Lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ” núi Sam

Nguyễn Hữu Hiệp Chủ nhật, ngày 06/04/2014 16:35 PM (GMT+7)
Cách thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) khoảng 5km về hướng Tây, núi Sam mọc lên giữa đồng bằng như một sự đột phá đầy cao hứng của hóa công – sừng sững chẳng khác bức bình phong vĩ đại che chắn trung tâm “Thất Sơn huyền bí”...
Bình luận 0
Vài mươi năm trở về trước, hễ đến ngày “Vía Bà Chúa Xứ” (22, 23 và 24.4 Âm lịch) thì cảnh quan đường phố ở Châu Đốc – Núi Sam lúc nào cũng “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, lượng xe và người cứ tăng dần, tăng dần…

Để tránh tình trạng chen lấn quá vất vả, giá xe đò lại tăng gấp đôi, gấp ba trong những ngày lễ vía (nhưng cũng không dễ tìm được xe trống, phải đi xe lôi chuyền từng đoạn)… Từ mấy mươi năm gần đây, người ta rủ nhau đi sớm hơn, gần như ai cũng thế nên vô hình trung đã hình thành thêm “cao điểm” ngay từ những ngày đầu tháng Ba âm lịch, dẫn đến tháng Tư, và tất nhiên kéo dài ít lắm cũng đến cuối tháng.
img
Lễ thỉnh sắc” từ miếu thờ Thoại Ngọc Hầu ở khu sơn lăng về miếu Bà
Nếu trước đây khách trẩy hội một phần không nhỏ là những người đi lễ Vía Bà cốt để xin xăm, vay tiền… thì từ sau năm 1975 đến nay, do ý thức giác ngộ và cũng do những biện pháp ngăn chặn tích cực của các giới chức trách nhiệm quản lý văn hóa – xã hội, các hình thức mê tìn dị đoan không còn môi trường phát triển.

Điều đó chẳng những không làm hạn chế người đi dự Vía Bà, trái lại số lượng du khách đến với núi Sam ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Khách tham quan muốn dự lễ Vía Bà đúng ngày, không thể không đăng ký thuê phòng nghỉ ở khách sạn trước cả tháng.

Điều đó cho thấy, người đi Vía Bà rõ ràng không nhằm mục đích mê tín như vừa nói, mà chủ yếu là:

– Hưởng ứng lễ Vía để nhằm tìm cho mình đời sống tinh thần được thăng hoa;

– Và cũng nhằm mục đích ngoạn cảnh, bởi núi Sam là một trong những trọng điểm du lịch nổi tiếng của cả nước.

Miếu Bà Chúa Xứ, một kiến trúc nghệ thuật bề thế, uy nghiêm, kết hợp truyền thống dân tộc và hiện đại, nơi thờ pho tượng Bà bằng đá sa thạch đang ngồi trong kiểu thế thong dong oai vệ mà không ít người cho là “vương giả”. Thật ra đó là một tư thế ngồi tự nhiên, phổ biến trong tuyệt đại bộ phận nhân dân Nam Bộ lớp trước, nay vẫn còn dễ dàng bắt gặp ở những vùng quê.

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc phía đông chân núi. Đây chính là địa điểm diễn ra lễ hội Vía Bà, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lễ bái hàng năm.

Như tên gọi, với những đường nét kiến trúc đặc trưng của nền nghệ thuật trầm mặc mà bay bỗng phương đông, ngôi miếu đồ sộ này chỉ thờ độc nhứt một pho tượng cổ. Đó là tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam, có kích thước to hơn người thật (tư thế ngồi, cao 1,65m). Pho tượng đặt trên một bệ cao, kiên cố, được trang điểm bằng sơn dầu cho tăng thêm thần sắc. Do toàn thân có choàng áo rộng lộng lẫy phủ kín cả tay và chân nên rất ít người được mục kích kiểu thế ngồi của tượng.

Mắt tượng nhìn thẳng về hướng đông, uy nghiêm mà hiền ái, phúc hậu, như chan chứa cả một tấm lòng bao dung, tế độ.

Tùy theo cách suy nghĩ riêng của từng người, từng cộng đồng dân tộc Việt mà pho tượng được hiểu là vị thần của đạo Bà La Môn (thời kỳ tiền Angkor – đối với các nhà khảo cổ học); là Chúa Xứ Thánh Mẫu, hoặc Phật Bà Quan Âm (đối với người kinh – nên có người gọi miếu này là Chùa Bà); là Thiên Hậu Thánh Mẫu (đối với người Hoa)… Nhưng chung nhất vẫn là Bà Chúa Xứ Núi Sam, có nghĩa, cho dù Thần, Phật, Thánh hay Chúa, và cho dù các nhà khảo cổ có nói thế nào, dân gian vẫn chỉ hiểu “linh tượng” là hiện thân của một người thuộc nữ giới, là mẫu (mẹ xứ sở) – dấu ấn của tôn giáo nguyên thủy đến nay vẫn hãy còn đọng lại trong tâm thức con người.

Về xuất xứ pho tượng Bà, dân gian kể nhiều truyền thuyết khác nhau, thuyết nào cũng cố gắng đưa vào một không gian lịch sử và không quên tô đậm nét huyền bí linh thiêng. Chẳng hạn thuyết sau đây được ngành Văn hóa tỉnh chọn ghi trong cuốn Di tích Văn hóa – lịch sử ở An Giang: Tượng Bà Chúa Xứ ở trên đỉnh núi Sam. Nơi đó hiện nay còn dấu tích của bệ đá sa thạch hình vuông, cạnh 1,6m, bề dầy gần 0,30m.

Vào những năm đầu thế kỷ XIX, quân Xiêm (Thái Lan) thường sang quấy nhiễu, khi lên núi Sam, gặp tượng Bà, bọn chúng cạy ra khiêng xuống núi. Nhưng khi đi được một đoạn, tượng Bà nặng ra không tài nào khiêng nỗi. Một hôm dân làng gặp tượng Bà giữa rừng, bà con hợp nhau khiêng về lập miễu thờ cúng. Nhưng lạ thay họ không làm sao nhấc nỗi bức tượng, mặc dù dân làng có cả mấy mươi người.

Bỗng có một phụ nữ lên đồng, tự xưng là Bà Chúa Xứ và bảo phải có 40 con gái đồng trinh tắm rửa sạch sẽ, lên đem tượng Bà xuống. Dân làng làm theo, và thật là kỳ diệu, các cô khiêng được tượng Bà một cách dễ dàng. Nhưng xuống đến chân núi cốt tượng nặng trịch, không xê dịch được nữa. Dân làng cho rằng Bà đã chọn nơi đây an ngự. Thế là miếu thờ Bà Chúa Xứ được dựng lên!
img
Theo chữ khắc trên bảng, đây là bệ đá sa thạch trên đỉnh núi Sam - xưa là nơi ngự của tượng Bà (trước khi thỉnh xuống an vị tại Miếu Bà như hiện nay), kích thước bệ: ngang 1,60m, dày 0,30m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m
Chẳng rõ căn cứ vào đâu mà lễ Vía hàng năm được tổ chức liên tục vào những ngày như thế. Phải chăng đó là những ngày mà các cô gái đồng trinh khiêng Bà về? Hay ngày ăn lạc thành ngôi miếu?

Khởi đầu tất nhiên ngôi miếu được dựng cất rất đơn sơ, dần về sau, do bá tánh thập phương đến lễ bái ngày càng đông, nên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân, ngôi miếu phải trải nhiều lần trùng kiến; khuôn viên cũng do đó được mở rộng – năm 1972 miếu được xây dựng lại trên diện tích 3.025m2 với kiến trúc khang trang đồ sộ như hiện nay).

Cho đến nay không ai tài nào biết được vì sao lễ Vía diễn ra vào các ngày 22, 23, 24 âm lịch hàng năm. Người ta chỉ biết cứ đến những ngày này thì tại miếu, người ta tưng bừng tổ chức lễ Vía Bà rất chi là trang nghiêm, trọng thể.

Ngay từ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch, Ban Quản trị Hội Quý tế (nay là Ban quản trị lăng miếu núi Sam) đã nghiêm cẩn cho tiến hành lễ Tắm Bà. Vẫn biết vào nửa đêm lễ tắm mới diễn ra, nhưng ngay khi mặt trời vừa mới chen lặn, hàng trăm ngàn người đã có mặt tại vị trí hành lễ. Trong khi đó khách hành hương đang chơi núi, dù tận pháo đài cũng ùn ùn kéo xuống từng đoàn theo các ngã đường quen thuộc, tựu hội tại khu vực Miếu Bà để… “giành chỗ”! Tất cả hội nhập tạo thành một rừng người càng lúc càng dày đặc!

Theo thông lệ hàng năm, trước giờ tắm Bà, Ban Tổ chức tạm cắt phần lễ bái tự do, thay vào đó là phần lễ bái của các đoàn khách mời, hoặc tập thể có đăng ký trước, chủ yếu là các Ban Tế tự các đình, đền, chùa, miếu trong khu vực, hoặc đại diện Mặt trận, các đoàn thể quần chúng… Để đảm bảo không khí trang nghiêm cho các đoàn hành lễ và lễ Tắm Bà sau đó, Ban Tổ chức buộc phải đóng chặt hết các cửa, kể cả cửa sổ, chỉ chừa lại một lối đi chính thông với phòng Tiếp tân. Tại đây, các đoàn sẽ được lần lượt hướng dẫn đến chánh điện làm lễ.

Đoàn nào cũng khệ nệ những mâm lễ vật hương đèn, hoa quả, không ít đoàn cúng cả heo quay (năm ba chục ký, hoặc cả tạ, tùy phát tâm vái nguyện!). Tất cả đều khăn áo chỉnh tề, dâng hương quỳ khấn thì thầm rất mực thành kính. Do thời gian khống chế nghiêm nhặt nên mỗi đoàn chỉ lễ bái khoảng 4, 5 phút.

Tuy nhiên đối với những đoàn đông vài ba chục người thì thời lượng được tăng thêm. Khi người xướng ngôn của Ban Tổ chức tế nhị nhắc nhở trên máy nói cầm tay, họ đồng loạt bái tạ, rồi theo lối bên hữu lui ra ngoài. Đoàn khác được mời. Cứ thế tiếp tục cho đến hết, cũng vừa lúc gần nửa đêm, vừa đủ thời gian cần thiết để Ban Tổ chức sắp xếp chuẩn bị tiến hành lễ Tắm Bà.

Sau khi vị Chánh bái và đại diện Ban quản trị phủ phục dâng rượu trà trình cáo, cũng như các phụ nữ đức hạnh đứng tuổi (đã qua nội bộ bình chọn nghiêm túc) có mặt bên chân tượng, hai cánh màn nhung từ từ khép lại, để quý cô (tránh gọi Bà) làm phận sự tắm (lau) và thay áo mão cho Bà.

Phía trước bức màn nhung, các hội viên Hội Quý tế đang dâng hương khấn nguyện. Sát vách miếu, những người phát tâm dâng cúng áo mão cho Bà đang khép nép trong tâm trạng nôn nao chờ đợi “khoảnh khắc hạnh phúc” khi mà một lát nữa đây họ sẽ nhận được thứ lộc cao cấp nhất do “Bà ban tặng”.

Đó là những lọ nước hoa hảo hạng (dành cho Bà sau khi tắm – chỉ xịt phớt sơ vào tượng, vì rất nhiều, còn bao nhiêu trong lọ thì hoàn lại cho chủ); hoặc những chiếc khăn tay nhỏ có viết sẵn tên ở chéo góc mà họ đã gửi trước vào để nhờ những người có phận sự thấm nước thơm (dùng tắm Bà) để, mỗi người một khăn, luôn giữ bên mình, xem như thứ bùa hộ mệnh, tin rằng “nói người ta nghe”, và sẽ luôn gặp vận may trong đời sống!

Nếu không khí bên trong đang trang nghiêm, lặng lẽ, thì kể từ lúc này bên ngoài bỗng trở nên ồn ào, náo động hẳn lên. Cứ chừng mươi phút, các cánh cửa kiên cố quanh miếu (đã đóng chặt) lại vang động ầm ầm, kèm theo là tiếng nhốn nháo la cãi do tranh lấn, có khi rất dữ dội, rồi im. Thỉnh thoảng lại rộ lên. Vài phút thì lắng xuống…

Từ đầu hôm, hàng ngàn, hàng vạn người bên ngoài đều kiên nhẫn ngóng đợi để chờ khi tắm Bà xong, cửa mở, bà con tràn vào thỉnh lộc.

Tấm màn nhung bất động cả tiếng đồng hồ, bỗng lay chuyển. Ai cũng hiểu lễ Tắm Bà đã hoàn tất. Màn từ từ dạt ra hai bên. Trên chánh điện, tượng Bà hiện ra với bộ áo mão mới tinh khôi, cực kỳ lộng lẫy! (Được biết một bộ áo mão như vậy trị giá cả cây vàng. Tại “Nhà trân tàng” cạnh miếu Bà hiện đang trưng bày trên 15.000 bộ áo mão mà “Bà đã mặc qua”. Ban quý tế có nhã ý sẵn sàng tặng lại cho bất kỳ đền miếu nào có nhu cầu, nhưng chừng như không ai dám thỉnh!).

Lúc trời đã gần sáng. Ai nấy tuy thờ thẩn, trỏm lơ, nhưng trên nét mặt như đều toát lên niềm tự tin, mãn nguyện, cảm thấy cuộc sống trần tục được thăng hoa, rất đáng sống, vì “đã có Bà trợ lực”, nên sẽ phấn chấn hơn trong đời thường, nhất là trong lao động sản xuất – kinh doanh của mình. Một bộ phận tất bật ra xe (hoặc ghe, tàu) về ngay trong đêm, vì ở nhà hãy còn nhiều người khác đang trông đứng trông ngồi chờ đến lượt mình. Họ sẽ tức tốc “bay” ngay đến.

Tất nhiên họ chỉ dự được những lễ sau đó, như lễ Thỉnh sắc (thật ra là thỉnh linh vị ông Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân, và bài vị Hội đồng – các danh tướng cùng thời – từ miếu thờ ở khu sơn lăng gần đó. Khi lễ tất mới hoàn nguyên vị), rồi thì Túc yết, Xây chầu, Chánh tế… lần lượt diễn ra đúng với chương trình lễ Vía trong những ngày tiếp theo. Khách thập phương sẽ được dự khán một “lễ thiêng” do ông Chánh bái trực tiếp diễn xướng bằng cách vừa cầm nhành dương liễu nhúng và rảy nước, vừa xướng:

– Nhất sái thiên thanh! (Trời đất thanh bình).
– Nhị sái địa sinh! (Đất thêm tươi tốt).
– Tam sái nhân trường sinh! (Loài người trường thọ).
– Tứ sái quỷ diệt hình! (Quỷ dữ bị tiêu diệt).

Sau đó xem xây chầu đại bội và tự do lễ bái, nguyện vái sở cầu.

Còn bên ngoài thì đủ các hình thức vui chơi giải trí; các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được biểu diễn, xôm nhất là như múa lân …, nơi nào cũng thu hút đông nghẹt người xem.

Cứ thế hàng năm, mọi người “đến hẹn lại lên”, rần rần, chật núi!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem