Làm giàu ở nông thôn: Bỏ 700 triệu xuống hồ thủy lợi, bắt cá lên lãi 1 tỷ/năm

Nguyễn Hưng Thứ bảy, ngày 16/09/2017 07:05 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, việc nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho ông Nguyễn Hữu Tình, thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng). Theo lãnh đạo xã Gia Viễn, đây là hướng đi mới để phá thế độc canh cây lúa, góp phần giúp bà con nông dân làm giàu trên đất “lúa gạo Cát Tiên”.
Bình luận 0

“Mối duyên” với cá

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), năm 1988 ông Nguyễn Hữu Tình cùng vợ con khăn gói vào xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên lập nghiệp. Đến vùng đất mới, cũng như bao hộ dân khác ở địa bàn, gia đình ông Tình đã chọn nghề trồng lúa làm kế sinh nhai. Sống ở một địa phương mà cây lúa đã trở thành “thương hiệu” của tỉnh Lâm Đồng - “lúa gạo Cát Tiên”, nhưng với những người không có nhiều ruộng đất như ông thì để làm giàu bằng cây lúa cực kỳ khó khăn. Và rồi “cái duyên” với nghề nuôi cá lồng đã đến với gia đình ông một cách tình cờ.

img

Mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Hữu Tình. Ảnh: Nguyễn Hưng

Ông Trần Quốc Huy - Chủ tịch UBND xã Gia Viễn, cho biết: “Hồ thủy lợi Đăk Lô có diện tích hơn 300ha và độ sâu trung bình từ 10 - 15m nên nguồn nước dồi dào quanh năm. Từ mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Hữu Tình cho thấy điều kiện nguồn nước, khí hậu của hồ rất phù hợp để khai thác, phát triển nghề nuôi cá lồng cho người dân địa phương”.
 

Ông Tình tâm sự: “Cứ nói đến chuyện phát triển kinh tế gia đình để làm giàu bằng chính đôi tay của mình là tôi ham lắm. Năm 2013, tôi làm hợp đồng nhận đấu thầu hồ thủy lợi Đăk Lô, mục đích chỉ để trông coi, đánh bắt cá tự nhiên kiếm thêm thu nhập. Dần dần tôi nhận thấy nguồn nước ở đây dồi dào, trong mát rất thích hợp để phát triển nghề nuôi cá lồng. Do vậy tôi đã tìm về sông La Ngà, huyện Định Quán (Đồng Nai) để học hỏi kỹ thuật từ những người chuyên nuôi cá lồng”.

 Tính toán kỹ, đầu năm 2016 ông Tình quyết định vay ngân hàng và gom góp vốn được hơn 700 triệu đồng đầu tư 20 lồng nuôi các loại cá rô phi, diêu hồng, chép, trê... Sau 6 tháng, gia đình ông thu hoạch lứa cá đầu tiên, với trọng lượng cá trung bình đạt từ 1 - 1,5kg/con.

Công việc nuôi cá lồng cứ thế “ăn nên làm ra”, giúp gia đình ông mở rộng thêm quy mô nuôi cá.

img

Anh Nguyễn Thế Vụ-con trai ông Tình đang cho hàng vạn con cá điêu hồng, rô phi đơn tính ăn. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Mở rộng quy mô gấp đôi

Hiện nay gia đình ông Tình đã phát triển được 40 lồng cá. “Để có cá thịt cung cấp thường xuyên cho thị trường, gia đình tôi đang chăn nuôi theo hình thức gối đầu. Với 40 lồng cá hiện có, trung bình mỗi tháng tôi xuất bán từ 10 - 12 tấn cá thịt các loại, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Dự tính trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên từ 60 - 100 lồng để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập” - ông Tình phấn khởi cho biết.

Hiện cá nuôi của gia đình ông Tình đang được xuất bán cho hàng chục đầu mối tiêu thụ tại huyện Cát Tiên và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk... Với giá dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình ông Tình thu lãi không dưới 1 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Thế Vụ (con trai ông Tình), người trực tiếp cùng ông chăm sóc đàn cá, cho biết: “Mặc dù nguồn nước ở hồ Đăk Lô rất thích hợp để các loại cá phát triển, nhưng khi thời tiết thay đổi, lượng phèn và axít trong nước tăng nên 2 loại cá là rô phi và diêu hồng vẫn mắc các loại bệnh như nổ mắt, thối mang. Để phòng các loại bệnh này, gia đình tôi phải thường xuyên dùng vôi để khống chế phèn và axít, đồng thời bổ sung các loại vitamin và kháng sinh cho cá... Nhờ vậy đàn cá phát triển rất tốt, ít dịch bệnh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem