Lãi cao, nhà nông hào hứng với lúa đặc sản

Chúc Ly Thứ năm, ngày 11/06/2015 11:01 AM (GMT+7)
Theo ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015 triển khai thực hiện ở 34 xã, thị trấn nhằm phấn đấu ổn định sản lượng lúa ở mức trên 1,7 triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 20%.
Bình luận 0

Nhà nông phấn khởi

“Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân; ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường; gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm... là mục tiêu chính của đề án đặt ra” – ông Vân nhấn mạnh.

img
Nhà nông ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) được tập huấn trên cánh đồng lúa đặc sản. Ảnh:  Chúc Ly
Lão nông Liêu Lol ngụ khu vực Vĩnh Mỹ, phường 3, thị xã Ngã Năm, chia sẻ: “Lúa đặc sản tôi làm trong mô hình cánh đồng mẫu được bao tiêu trọn gói. Giá lúa cao hơn lúa hạt dài thường tùy theo giống như: Lúa ST5 cao hơn 500 - 700 đồng/kg; lúa RVT cao hơn 800 - 1.000 đồng/kg và lúa ST20 cao hơn 1.200 - 1.500 đồng/kg. Từ đó lợi nhuận đạt từ 57 - 60% tổng thu nhập trong vụ đông xuân, mức lợi nhuận trong cánh đồng mẫu cao hơn bên ngoài 6 - 8 triệu đồng/ha. Bà con ở Ngã Năm từ khi thực hiện trồng lúa đặc sản trong cánh đồng mẫu thì yên tâm lắm”.

 

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Hồng Minh Nhật – Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm thông tin: “Kết quả đề án đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa đặc sản, lúa thơm chất lượng và quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa; sản xuất lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững. Ở thị xã Ngã Năm, vụ lúa 2013-2014 đạt thắng lợi lớn, năng suất đạt 7,81 tấn/ha, sản lượng 143.000 tấn, vượt 10,6% kế hoạch đề ra. Trong đó diện tích lúa đặc sản gần 8.600ha, đạt hơn 114% kế hoạch”.

Liên kết nông dân – doanh nghiệp

Cũng theo ông Vân, sau 3 năm thực hiện đề án, các chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất lúa đặc sản được các cấp chính quyền quan tâm, ngoài ngân sách tỉnh, các huyện, thị có cơ chế hỗ trợ về giống, công tác khuyến nông theo tình hình từng địa phương. Đồng thời, đề án đã tạo được sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, làm cho nông dân an tâm đầu ra sản phẩm vì có doanh nghiệp bao tiêu 100% với giá cả cố định theo hợp đồng.

Bên cạnh chú trọng phát triển vùng lúa đặc sản, song song đó các đơn vị thực hiện đề án còn chú trọng triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hệ thống nhân giống. Kết quả đã sản xuất được hơn 3.700kg giống siêu nguyên chủng, cung cấp trên 220 tấn giống lúa nguyên chủng; hỗ trợ 72,2 tấn giống nguyên chủng cho mạng lưới sản xuất giống lúa xác nhận nhân giống trên diện tích 682,7ha. Đồng thời đã triển khai thực hiện 40 mô hình trình diễn các giống lúa đặc sản trong vùng đề án; tổ chức 54 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.

Ông Vân cho biết thêm: “Trong vụ hè thu 2015 sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn về sản xuất giống, nâng cao khả năng sản xuất giống cho các câu lạc bộ, tổ sản xuất giống trên địa bàn 4 huyện, thị thuộc vùng dự án. Không chỉ nâng cao sản lượng mà còn hình thành một bộ phận người nông dân chuyên nghề trồng lúa đặc sản, bảo đảm không chỉ cho năng suất mà còn có giá trị cao để xuất khẩu”.

Dự kiến trong năm 2015, diện tích sản xuất lúa đặc sản toàn tỉnh Sóc Trăng sẽ đạt 100.000ha. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem