Kiên Giang: Đường nông thôn mới sạch tinh tươm, quanh năm hoa nở tưng bừng, bướm bay khắp chốn

Chúc Ly - An Lâm Thứ hai, ngày 02/08/2021 06:36 AM (GMT+7)
Về huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, nhiều người sẽ ngỡ ngàng với nhiều con đường nông thôn mới không chỉ sạch tinh tươm mà còn quanh năm hoa thơm bướm lượn. Có được những con đường hoa nông thôn mới là sự đóng góp của chị em phụ nữ địa phương.
Bình luận 0

Trồng hoa làm đẹp đường nông thôn mới

"Không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp" – đó là nội dung thi đua cụ thể trong phong trào "5 không, 3 sạch" mà nhiều phụ nữ nông thôn ở Tân Hiệp, Kiên Giang thực hiện có hiệu quả.

Đến xã Thạnh Đông A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những đoạn đường nở hoa rực rỡ, đủ sắc màu chạy dài dọc theo các tuyến kênh. 

Tầm 10 giờ sáng, những khóm hoa mười giờ cùng nhiều loại hoa khoe sắc thu hút nhiều ong bướm bay đến khiến những đoạn đường như bừng sáng, thơ mộng.

Đang tưới nước cho mấy khóm hoa trước nhà, chị Phạm Thị Ngọc Thúy, ngụ ấp Kênh 8B nói: "Trồng hoa làm đẹp ngõ xóm trở thành phong trào được bà con đồng lòng thực hiện. Tại những nơi trồng hoa, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi hay chăn thả vật nuôi như trước. Nhiều người đi qua thấy đường quê đẹp cũng khen rồi chụp ảnh, tôi thấy vui lắm".

Kiên Giang: Chị em huyện nghèo kể chuyện trồng hoa làm đẹp đường nông thôn, sản xuất thích ứng - Ảnh 2.

Tuyến đường nông thôn đẹp ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: An Lâm.

Để triển khai thực hiện và nhân rộng tuyến đường xanh – sạch – đẹp, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Đông A đã vận động các hội viên tiến hành trồng hoa ven đường để xây dựng các tuyến đường phụ nữ tự quản, làm đẹp cảnh quan đường nông thôn.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Đông A, các loại hoa được chị em trồng chủ yếu là mười giờ, sao nhái, kim ngân, chiều tím...

Đây là những giống hoa có sức sống tốt, phát triển nhanh, màu sắc rực rỡ, dễ trồng và chăm sóc, phù hợp với trồng ven đường. Nhiều chị trồng cả rau xanh ven đường để có rau sạch cho gia đình. Hiện xã thành lập được 2 Câu lạc bộ bảo vệ môi trường.

Kiên Giang: Chị em huyện nghèo kể chuyện trồng hoa làm đẹp đường nông thôn, sản xuất thích ứng - Ảnh 3.

Con đường quê xanh mượt và rợp sắc hoa ở ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp. Ảnh: An Lâm.

Theo bà Võ Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tân Hiệp, để bảo vệ môi trường, Hội có nhiều cách làm hiệu quả. 100% cơ sở Hội đã phát động hội viên phụ nữ xây dựng mô hình trồng cây xanh và hoa ven đường với tổng chiều dài hơn 28km.

Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa", các cấp Hội trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân đi chợ bằng giỏ xách nhằm hạn chế sử dụng túi nilon. 

Ngoài ra, Hội còn thành lập nhiều tổ thu mua phế liệu, câu lạc bộ bảo vệ môi trường, tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm góp phần nâng chất tiêu chí bảo vệ môi trường của huyện nông thôn mới.

Mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Mới đây chúng tôi đã có dịp đến tham quan vườn ổi của chị Nguyễn Thị Thêm ở ấp Phú Hiệp, xã Tân Hội. Khu vườn mát rượi, những trái ổi đến kỳ thu hoạch lần lượt được chị Thêm hái cho vào giỏ.

Kiên Giang: Chị em huyện nghèo kể chuyện trồng hoa làm đẹp đường nông thôn, sản xuất thích ứng - Ảnh 4.

Nhiều chị em phụ nữ ở huyện Tân Hiệp hưởng ứng nhiệt tình phong trào làm sạch đường nông thôn, chống rác thải nhựa. Ảnh: An Lâm.

Liên tục hơn 3 năm nay, mỗi ngày vợ chồng chị thu hoạch từ 30-50kg ổi thương phẩm, thương lái mua tận vườn với giá 10 ngàn đồng/kg.

Theo chị Thêm, nhờ được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, chị đã đầu tư vườn bài bản. Cụ thể, chị phát triển hệ thống tưới phun tự động vừa giúp giảm nhân công, vừa giúp vườn ổi sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết khô hạn. Trong vườn, chị còn thả vài trăm con gà nòi vừa có thêm thu nhập, vừa giúp vườn ổi hạn chế sâu bệnh.

Kiên Giang: Chị em huyện nghèo kể chuyện trồng hoa làm đẹp đường nông thôn, sản xuất thích ứng - Ảnh 5.

Mô hình trồng chanh ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp. Ảnh: An Lâm.

Chị Thêm chia sẻ: "Cây ổi dễ trồng, ít sâu bệnh lại cho trái quanh năm. 5 năm trước, tôi chuyển 1.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng 400 gốc ổi lê. Vườn chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, kỹ thuật bao trái từ nhỏ nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân gia đình tôi thu lợi nhuận từ 8-9 triệu đồng/tháng".

Với tiêu chí "5 không", Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tân Hiệp luôn xác định tiêu chí gia đình không đói nghèo làm đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí còn lại. Riêng giai đoạn 2015-2020, thông qua việc cho vay vốn, Hội giúp 625 hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn, qua đó giúp thoát nghèo 201 hộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem