Xuất hiện tình trạng "bảo kê" máy gặt

26/10/2020 16:35 GMT+7
Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), từ năm 2016 đến nay, ở các vùng nông thôn xuất hiện nạn bảo kê máy gặt khi mùa gặt đến. Theo bà, đây là loại tội phạm dẫn đến bất an cho người nông dân mà chưa được xử lý.

Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 26/10 về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, đại biểu Trần Thị Dung cho biết, mùa gặt, người nông dân phải nộp phí bảo kê 2 triệu/máy gặt.

Theo đó, xuất hiện từ năm 2016, nạn bảo kê máy gặt khi mùa gặt đến ngày càng nhiều. Bà cho rằng, đây là loại tội phạm xảy ra tại vùng nông thôn, dẫn đến bất an với người nông dân. “Người nông dân bỏ bao công sức, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đến khi có được thành quả là bông lúa trên chính thửa ruộng của mình thì xuất hiện một loại tội phạm bảo kê máy gặt, để giành giật miếng cơm của người dân do chính thành quả nhọc nhằn của họ trên mảnh đất mình” - bà nói.

Xuất hiện tình trạng "bảo kê" máy gặt - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Dung, Điện Biên.

Đại biểu nêu, vào mùa gặt, với mục đích thầu toàn bộ cánh đồng, những đối tượng này ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận bảo kê với giá cao, nếu không đồng ý, chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch.

Đối với chủ máy gặt ở ngoài địa bàn, nếu muốn hoạt động thì phải nộp cho chúng 20.000 đến 30.000 đồng/1 sào thì chúng mới cho gặt thuê và phải ký vào bản hợp đồng xã đã soạn sẵn. Dù rất bức xúc trước hành vi ngang ngược của chúng, nhưng sợ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch nên người dân nhẫn nhịn, chấp nhận làm theo.

Thủ đoạn của đối tượng là theo dõi, canh chừng cánh đồng lúa và hễ thấy có máy gặt mới nào lạ thì chúng đến hỏi thăm và nếu không hợp tác thì đe dọa, đuổi, phá máy, hành hung. Nhiều chủ máy gặt vì muốn yên ổn làm ăn nên phải nộp khoảng 2 triệu đồng một máy gặt hoặc phải nộp tiền tính trên đầu sào.

Bà Dung cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng bảo kê máy gặt diễn ra tại nhiều địa phương là do lợi nhuận thu được trong một vụ mùa cũng tương đối cao và chỉ diễn ra trong khoảng thời gian là 3 tuần. Cho nên, chủ máy gặt thu một khoản tiền là khoảng chục triệu đồng nên phải nhắm mắt để nộp 2-3 triệu để được gặt thuê.

Mặt khác, để tình trạng xảy ra như trên là do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm giải quyết, xử lý một cách triệt để.

Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bất ổn an ninh, trật tự ở nông thôn mà còn kéo theo các chủ máy gặt thổi giá lên cao để lấy thu bù chi. “Xét cho cùng thì nạn nhân chính là người nông dân lao động. Bình quân một sào gặt ở ruộng cạn, công gặt là 120.000 đến 140.000 đồng và khi bị bảo kê, bắt đóng khoản tiền này thì nâng lên khoảng 20.000 đến 30.000 ngàn đồng/sào.” Bà phân tích.

Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp cho người dân giảm bớt nhọc nhằn, giảm bớt chi phí sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, tình trạng bảo kê máy gặt ngày càng xuất hiện nhiều ở nhiều địa phương từ năm 2016 đến nay, cho nên dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn.

Tình trạng đó diễn ra đã lâu, nhưng tại Báo cáo 482 của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn, tại Mục 4 công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn chưa được đề cập đến hành vi này.

“Đây là một loại tội phạm với hành vi mới, nhưng thực chất của nó là cưỡng đoạt tài sản của người dân. Trong những điều kiện chúng không thực hiện được thì chúng sẽ dẫn đến là cố ý gây thương tích và thậm chí là giết người.” Bà Dung nhấn mạnh.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ thì đến nay Bộ Công an đã bố trí 100% các địa bàn có Công an chính quy. Do đó bà Dung đề nghị với Bộ Công an cần chỉ đạo quyết liệt, tăng cường lực lượng nắm địa bàn và ngăn chặn ngay từ gốc và phải xử lý nghiêm các hành vi bảo kê để đảm bảo trật tự, an ninh ở vùng nông thôn, bảo vệ thành quả lao động của người nông dân, để mỗi khi mùa về người nông dân không cần phải lo âu về tình trạng bảo kê máy gặt.

Theo Minh Dương/PLXH
Cùng chuyên mục