Huyện nào là huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận vừa đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới?

Công Tâm Thứ bảy, ngày 24/10/2020 06:35 AM (GMT+7)
Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước vừa chính thức đón nhận Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Bình luận 0

Ngày 23/10, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước được vinh dự đón nhận Bằng của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Huyện Ninh Phước nằm phía nam của tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích tự nhiên 342 km2; có 8 xã, một thị trấn với 51 thôn, 15 khu phố. Dân số toàn huyện hơn 160 nghìn người, gồm nhiều dân tộc anh em sống đan xen, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 67%, dân tộc Chăm 31%. Huyện được xác định là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Ninh Thuận có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 1.

Lễ đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới 2019

Khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế huyện Ninh Phước có xuất phát điểm thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần 52% toàn ngành kinh tế; thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, xuống cấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm gần 11%; an ninh trật tự nông thôn còn nhiều phức tạp.

Sau mười năm, huyện Ninh Phước đã huy động và lồng ghép các nguồn lực hơn 2.330 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hoàn chỉnh đáp ứng tiêu chí nông thôn mới và phát huy hiệu quả. 

Qua thực tế, một số tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu của nông dân đã thay đổi theo hướng tiếp cận, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới được triển khai áp dụng đạt hiệu quả cao như: "một phải năm giảm" trên cây lúa 2 nghìn ha/vụ, cánh đồng lớn 12 cánh đồng/1.637 ha trên cây lúa, bắp và măng tây xanh, tưới nước tiết kiệm 462 ha, che lưới chống ruồi vàng trên cây táo 117 ha, VietGAP 71 ha, .... đem lại lợi nhuận đáng kể cho nông dân.

Trong xây dựng thôn thôn mới, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được khẳng định. Từ đó, nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa sâu rộng; nhiều gương điển hình được tuyên dương khen thưởng với những đóng góp thiết thực như: hiến đất làm đường, làm mương, đóng góp công lao động, góp tiền lắp đặt hệ thống camera an ninh, điện thắp sáng đường quê…. trị giá gần 120 tỷ đồng.

Ninh Thuận có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh 2.

Nông dân huyện Ninh Phước, Ninh Thuận trồng táo áp dụng theo công nghệ VietGAP

Đến năm 2015, huyện có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Phước Thái là một trong ba xã điểm đầu tiên của tỉnh được công nhận. Đến năm 2019, có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Ninh Phước đạt 9/9 tiêu chí và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 43 triệu đồng/người, tăng bốn lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 3,69%, giảm ba lần so với năm 2011.

Trong 5 năm tới, Ninh Phước phấn đấu xây dựng 8/8 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có một đến hai xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Ninh Thuận có 26/47 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 55% số xã); có 2/6 huyện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem