Họp báo thông tin Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Bình Thuận khẳng định xây xong hồ, đời sống bà con sẽ phát triển

Bùi Phụ Thứ năm, ngày 07/09/2023 18:38 PM (GMT+7)
Trả lời câu hỏi của PV Báo điện tử Dân Việt tại buổi họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam) chiều 7/9, đại diện tỉnh Bình Thuận khẳng định, tỉnh đang sớm hoàn thiện các thủ tục để khẩn trương khởi công và khi xây xong hồ chứa nước sẽ giúp thay đổi đời sống, sinh hoạt của người dân.
Bình luận 0

Tham dự buổi họp báo có ông Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Có hồ chứa nước Ka Pét, kinh tế sẽ phát triển mạnh

Theo ghi nhận của Dân Việt, cuộc họp thu hút nhiều các cơ quan báo chí và các sở, ban, ngành tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, mở đầu buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã có những chia sẻ rất rõ ràng, minh bạch về dự án này.

NÓNG: Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chủ trì họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét - Ảnh 1.

Ông Dương Văn An- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: Bùi Phụ

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ: "Vùng làm dự án, cuộc sống dân nghèo khó lắm. Thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, khô hạn, cây trồng thiếu nước. Làm lãnh đạo mà không lo được cho dân thì có lỗi với dân. Cái tốt phải làm cho dân, đó là không ngại va chạm. Trong cuộc họp này, tôi hy vọng mọi việc sẽ được thông tin sáng tỏ trên tinh thần cởi mở".

Theo ông Dương Văn An, dư luận đang quan tâm rất nhiều chiều đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nên chúng tôi khẳng định Bình Thuận không phải làm bất chấp, làm không có khoa học, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí và các nhà khoa học. “Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực. Tại cuộc họp này, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời tất các cả các câu hỏi của cơ quan báo chí. Câu nào không trả lời được thì xin hẹn với PV trả bằng văn bản sau…”, ông Dương Văn An khẳng định.

Nói về quá trình thực hiện dự án, ông Dương Văn An cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, tỉnh có nhận được các đóng góp ý kiến của các nhà khoa học nhưng không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Thế nhưng, mới đây, khi một bài báo đăng lên, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án hồ Ka Pét này. Trong đó có người ủng hộ, có người không ủng hộ.

Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm ủng hộ cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng. Để rộng đường dư luận, hôm nay tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt và quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng ở dự án hồ Ka Pét.

Tại cuộc họp báo, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho chiếu đoạn clip về cuộc sống của người dân hiện trong vùng dự án. Qua đó cho thấy, mặc dù được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi nhưng vùng dự án vẫn bị thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là nguồn nước sạch. Do thiếu nước nên nhiều vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, cuộc sống người dân trong vùng dự án sống vất vả… Những người dân và chính quyền phát biểu trong clip đều bảy tỏ sự mong muốn, Đảng và Nhà nước sớm thi công hồ chứa nước Ka Pét để cuộc sống bà con được tốt hơn…

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, Bình Thuận và Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất nước. Đơn vị này cũng nêu lại những số liệu khô hạn ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vào những năm trước. Chính vì thiếu nguồn nước nên cây trồng và người bị ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống… Muốn xây dựng hồ, thì phải có vùng chứa nước và việc này đã được nghiên cứu từ năm 1994, trong đó có vị trí đập dâng sát bên cầu Bà Bích được Bộ Nông nghiệp PTNT phê duyệt từ năm 1995.

Sau đó năm 2011, Dự án hồ Ka Pét được nghiên cứu và chuyển cách vị trí ban đầu hơn 5km. Đây là vị trí khả thi nhất, tính cho đến hôm nay, có lợi về kinh tế và an sinh xã hội.

Họp báo Dự án hồ Ka Pét: Bình Thuận sẽ sớm triển khai công trình để phát triển cuộc sống người dân - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo của tỉnh Bình Thuận thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét chiều 7/9. Ảnh: Bùi Phụ

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: "Dự án hồ Ka Pét là công trình lớn, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, tỉnh Bình Thuận sẽ sớm triển khai để phát triển cuộc sống của người dân".

Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt, khi nào mới triển khai dự án?, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Liên tục trong những năm qua, hàng tuần, hàng tháng họp giao ban với các sở ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt về công công việc liên quan để sớm thực hiện công trình quan trọng này.

“Chúng tôi khẳng định, sau khi xây xong hồ chứa nước Ka Pét, đời sống bà con trong vùng sẽ phát triển nhiều, trong đó có việc nuôi trồng thủy sản trên mặt nước…”, ông Nguyễn Hồng Hải nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải, khi có hồ chứa nước Ka Pét, sẽ giải quyết được lũ lụt trong mùa mưa và mùa khô sẽ hình thành hệ sinh thái theo hồ nước, trong đó có các dịch vụ nhằm mục đích phát triển kinh tế, đời sống người dân. Đặc biệt là khí hậu cả vùng cũng sẽ thay đổi nhiều…

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi vì sao Bình Thuận có hơn 10 chứa rồi nay vẫn xây thêm hồ Ka Pét ?

Họp báo Dự án hồ Ka Pét: Bình Thuận sẽ sớm triển khai công trình để phát triển cuộc sống người dân - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Bình Thuận trao đổi tại buổi họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: Bùi Phụ

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận thông tin: Các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận đã đầu tư tương đối về các hồ chứa nước nên các huyện như Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc đã phát triển tốt. Nhưng các huyện phía Nam như Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… còn thiếu hồ chứa nước nên nhiều năm qua cuộc sống bà con gặp nhiều vất vả.

Đặc biệt các xã vùng sâu của huyện Hàm Thuận Nam vì vậy, xây dựng . hồ Ka Pét giải quyết cho cả vùng phía Nam của Bình Thuận.

“Dự án này đã được Hội đồng thẩm định quốc gia và các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm định, Quốc hội có Nghị quyết thông qua và các cơ quan trung ương cho phép thì Bình Thuận mới dám làm, chứ không phải Bình Thuận muốn làm gì thì làm. Chỉ có hồ chứa nước mới phát triển nông nghiệp và tưới tiêu"- ông Phước cho biết.

Khẳng định sự cần thiết phải xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, ông Phước nói: Nếu không có hồ chứa, thì mùa mưa sẽ bị lũ, mùa nắng sẽ bị khô hạn và thực tế nhiều năm qua, người dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân đạ thiếu nước tưới tiêu khiến nhiều vườn thanh long bị chết khô. Việc xây hồ chứa nước đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu từ lâu và có kết luận thẩm định rồi"- ông Nguyễn Hữu Phước nói.

Làm rõ các loại rừng tại vùng dự án

Đại diện Báo Pháp luật TPHCM đặt câu hỏi về việc xác định mật độ, trữ lượng cây rừng, phân biệt rõ giữa rừng nghèo, rừng đặc dụng hay rừng tái sinh để làm cơ sở cho việc đấu giá quyền khai thác gỗ trước khi triển khai dự án.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: "Theo quy định của Bộ Nông nghiệp PTNT, rừng giàu là có trữ lượng trên 200m3/ha trở lên. Toàn bộ hơn 600ha trong dự án thì qua điều tra chỉ có 12,2ha là rừng giàu nằm ở lâm phần do Ban quản lý rừng Sông Móng - Ka Pét quản lý. Đây là rừng thứ sinh, trước đây Nhà nước cho khai thác chính, khai thác chọn đã tác động vào rừng nên không thể nói là rừng nguyên sinh và chúng tôi khẳng định đây là rừng thứ sinh...".

Clip: Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận thông tin tại họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét. Thực hiện: Bùi Phụ.

Liên quan đến các thông tin chưa đầy đủ về dự án hồ chứa nước Ka Pét vừa qua, tại cuộc họp báo, ông Võ Thành Công – Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Bình Thuận cho biết, liên quan đến các thông tin xuyên tạc về dự án (trên mạng xã hội- PV), hiện nay Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Thuận đang phối hợp cùng cơ quan công an để xử lý các chủ tài khoản mạng xã hội nói không đúng về dự án…

Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Cuộc họp đã diễn ra trên tinh thần cởi mở. Các cơ quan chức năng cũng đã trả lời đầy đủ thông tin do các phóng viên báo, đài đặt ra. Riêng những vấn đề chưa rõ, tôi đề nghị các sở ban ngành trả lời cho từng PV theo từng câu hỏi bằng văn bản cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã phát biểu ngay đầu buổi họp báo.

Thông tin về cuộc họp báo Dự án hồ Pa Két ở Bình Thuận - Ảnh 1.

PV Đức Trong- Báo Tuổi Trẻ cùng đoàn kiểm tra của tỉnh Bình Thuận kiểm tra ranh giới Dự án hồ Ka Pét ngày 6/9. Ảnh: ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cung cấp cho báo Dân Việt.

Trước đó, báo chí đã phản ánh về việc, tỉnh Bình Thuận đang chuẩn bị chuyển mục đích 619ha đất rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc huyện Hàm Thuận Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế- xã hội.

Theo tỉnh Bình Thuận, dự án trên được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của Dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.

Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem