Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nói về hồ Ka Pét: Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng phải lo nước cho dân

Bùi Phụ Thứ năm, ngày 07/09/2023 14:19 PM (GMT+7)
Chiều nay 7/9, tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An dự họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Bình luận 0

Tham dự cuộc họp, dự kiến còn có ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo các cơ quan, sở ban ngành của tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Hàm Thuận Nam; Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam; Bí thư, Chủ tịch UBND các xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét và Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

NÓNG: Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chủ trì họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét - Ảnh 1.

Ông Dương Văn An- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì họp báo thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: Bùi Phụ

Cuộc họp cũng có mặt của đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư và Đơn vị tư vấn điều tra đánh giá hiện trạng rừng và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí...

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ: "Vùng làm dự án, cuộc sống dân nghèo khó lắm. Thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, khô hạn, cây trồng thiếu nước. Làm lãnh đạo mà không lo được cho dân thì có lỗi với dân. Cái tốt phải làm cho dân, đó là không ngại va chạm. Trong cuộc họp này, tôi hy vọng mọi việc sẽ được thông tin sáng tỏ trên tinh thần cởi mở".

Theo ông Dương Văn An, dư luận đang quan tâm rất nhiều chiều đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nên chúng tôi khẳng định Bình Thuận không phải làm bất chấp, làm không có khoa học, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí và các nhà khoa học. “Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực. Tại cuộc họp này, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời tất các cả các câu hỏi của cơ quan báo chí. Câu nào không trả lời được thì xin hẹn với PV trả bằng văn bản sau…”, ông Dương Văn An khẳng định.

Nói về quá trình thực hiện dự án, ông Dương Văn An cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, tỉnh có nhận được các đóng góp ý kiến của các nhà khoa học nhưng không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Thế nhưng, mới đây, khi một bài báo đăng lên, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án hồ Ka Pét này. Trong đó có người ủng hộ, có người không ủng hộ.

Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm ủng hộ cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng. Để rộng đường dư luận, hôm nay tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt và quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng ở dự án hồ Ka Pét.

Tại cuộc họp báo, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho chiếu đoạn clip về cuộc sống của người dân hiện nay ở trong vùng dự án. Qua đó cho thấy, mặc dù được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi nhưng vùng dự án vẫn bị thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là nguồn nước sạch. Do thiếu nước nên nhiều vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, cuộc sống người dân trong vùng dự án sống vất vả… Những người dân và chính quyền phát biểu trong clip đều bảy tỏ sự mong muốn, Đảng và Nhà nước sớm thi công hồ chứa nước Ka Pét để cuộc sống bà con được tốt hơn…

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, Bình Thuận và Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất nước. Đơn vị này cũng nêu lại những số liệu khô hạn ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vào những năm trước. Chính vì thiếu nguồn nước nên cây trồng và người bị ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống… Muốn xây dựng hồ, thì phải có vùng chứa nước và việc này đã được nghiên cứu từ năm 1994, trong đó có vị trí đập dâng sát bên cầu Bà Bích được Bộ Nông nghiệp PTNT phê duyệt từ năm 1995.

Sau đó năm 2011, Dự án hồ Ka Pét được nghiên cứu và chuyển cách vị trí ban đầu hơn 5km. Đây là vị trí khả thi nhất, tính cho đến hôm nay, có lợi về kinh tế và an sinh xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nói về hồ Ka Pét: Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng phải lo nước cho dân - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Kha - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh phát biểu tại buổi họp báo.

Chia sẻ thêm, bà Hoàng Thị Kha - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, xã cách trung tâm hành chính huyện Hàm Thuận Nam khoảng hơn 50km. Đa số bà con làm nông nghiệp và đa số bà con trong xã đều nghèo. Do thiếu nước nên bà con làm nông nghiệp chủ yếu trồng khoai mỳ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bà con trong xã đều mong muốn sớm xây dựng hồ Ka Pét để có nguồn nước tưới tiêu.

Bình Thuận họp báo cung cấp thông tin liên quan đến Dự án hồ Pa Két - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tại khu rừng thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: PV

Đã lập dự án đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chưa trình phê duyệt do chờ điều chỉnh dự án

Theo thông tin tìm hiểu của Dân Việt trước buổi họp báo, liên quan đến công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM), Ban quản lý dự án Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, đã hoàn thành vào tháng 9/2020.

Tuy nhiên, do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Hiện nay, Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Ngày 4/7/2023, UBND tỉnh chấp thuận cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/10/2023 tại Công văn số 2412/UBND-ĐTQH. Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức lập lại hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Cụ thể như: Hoàn chỉnh nội dung ĐTM theo biểu mẫu mới; lập mô hình đa dạng sinh học, mô hình thủy lực và lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học; đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường; tham vấn cộng đồng dân cư địa phương.

Đến nay công tác đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường và tham vấn cộng đồng dân cư địa phương đã thực hiện xong. Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh các nội dung trong hồ sơ theo Nghị định mới để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Bình Thuận thông tin Dự án hồ Pa Két lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa trình Bộ TNMT - Ảnh 2.

Hạn hán năm 2020 khiến những hồ thủy lợi ở huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận trơ đáy. Ảnh: CTV

Tư vấn lập hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho Dự án tại Giấy phép số 203/GP-BTNMT ngày 28/6/2023.

Sau khi Quốc hội phê duyệt, UBND đã lập dự án đầu tư, trình cơ quan có thẩm quyền là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Đồng thời, tỉnh cũng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện đang hoàn thiện để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, xem xét, phê duyệt.

Đây là điều kiện đủ về mặt thủ tục để địa phương triển khai các bước tiếp theo như thuê đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế tận dụng lâm sản, đo đạc từng cây, xác định trữ lượng gỗ cần phải khai thác… Sau đó, tỉnh sẽ lập phương án khai thác, đấu giá, lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng.

Bình Thuận họp báo cung cấp thông tin liên quan đến Dự án hồ Pa Két - Ảnh 2.

Cây căm xe mấy ngày qua được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội được xác định nằm ngoài dự án hồ Pa Két và hiện vẫn tồn tại trong rừng. Ảnh: PV

Theo tỉnh Bình Thuận, phải rất nỗ lực, UBND tỉnh Bình Thuận mới có thể hoàn thành dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội vào năm 2025. Trong đó, thủ tục là tốn nhiều thời gian nhất.

Dự kiến đến Quý II/2024, Dự án mới có thể khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong một năm rưỡi để cấp nước cho dân.

Trước đó, báo chí đã phản ánh về việc, tỉnh Bình Thuận đang chuẩn bị chuyển đổi mục đích 619ha đất rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc huyện Hàm Thuận Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế- xã hội.

Theo tỉnh Bình Thuận, dự án trên được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của Dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.

Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Dân Việt tiếp tục cập nhật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem