Hỗ trợ để phụ nữ nông thôn vươn lên, phát triển

Thứ năm, ngày 07/03/2013 08:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) “Bình đẳng về lĩnh vực kinh tế mới là cơ sở vững chắc cho bình đẳng giới, giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống”.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch, Trưởng ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” T.Ư Hội NDVN, thành viên Ủy ban Quốc gia về sự tiến bộ phụ nữ VN - đã khẳng định như vậy với phóng viên NTNN.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý nhận định: Đất nước đổi mới và phát triển, vị thế, vai trò của phụ nữ được nâng lên rõ rệt, bình đẳng giới ngày càng được chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên, nhiều chị em, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn chịu nhiều vất vả, thiệt thòi, gánh nặng về kinh tế, công việc chưa giảm…

img
Những người phụ nữ thu hoạch ngao ở xã Đồng Châu, huyện Tiền Hải, Thái Bình

Là người trưởng thành từ cơ sở, khi nói phụ nữ nông thôn, miền núi còn vất vả, thiệt thòi hẳn bà có nhiều minh chứng?

- Phụ nữ nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn vất vả, cực nhọc và chịu nhiều thiệt thòi. Về tính chất lao động thì phụ nữ nông thôn ở các tỉnh miền Nam, khu vực ĐBSCL đỡ vất vả hơn. Ở đây, sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hóa nên công việc nhà nông đã được vơi bớt nhiều. Còn các tỉnh đồng bằng miền Bắc, việc đồng áng vẫn chủ yếu làm thủ công. Phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thì vất vả, cực nhọc hơn nhiều, do địa hình chia cắt, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư thuận lợi…

Nói như bà thì việc nâng cao bình đẳng giới ở khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn?

- Đúng vậy, ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì việc tiếp cận các dịch vụ công về y tế, giáo dục của người dân còn rất hạn chế. Ở nhiều địa phương miền núi, mạng lưới y tế thiếu, việc tuyên truyền, vận động còn yếu thì khi đau ốm bà con ít hoặc không đến trạm y tế, bệnh viện để thăm khám, chạy chữa mà tìm đến thầy lang, thầy cúng… Tình trạng trọng nam kinh nữ vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi, biểu hiện rõ nhất là việc phải sinh bằng được con trai. Trong hưởng thụ giáo dục, những trường hợp phải cân nhắc thì bao giờ học sinh gái cũng được phụ huynh “ưu tiên” buộc phải nghỉ học hơn là học sinh nam…

Theo bà, để nâng cao bình đẳng giới ở nông thôn, miền núi, Nhà nước cần phải làm gì?

- Theo tôi, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư, phát triển cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, trường học, trạm y tế, bệnh viện, điện lưới, nước sinh họat… Chỉ cần một công trình nước sinh hoạt là đã giải phóng được sức lao động của phụ nữ cả một bản, xã… Trong đầu tư phát triển, cần chú ý tới yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của vùng miền, dân tộc. Điều nào tiến bộ cần phát huy, điều nào lạc hậu, cản trở bình đẳng giới cần phải loại bỏ.

img
Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch, Trưởng ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” T.Ư Hội NDVN, thành viên Ủy ban Quốc gia về sự tiến bộ phụ nữ VN

Tuy nhiên, tất cả những việc này mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là Nhà nước phải huy động nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm. Tất nhiên, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội cần được lồng ghép với các mục tiêu về bình đẳng giới. Tôi muốn nhấn mạnh, bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế mới là cơ sở cho bình đẳng ở lĩnh vực khác trong chiến lược nâng cao bình đẳng giới…

Kế hoạch hành động của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khóa V thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 hướng tới 7 mục tiêu lớn và 21 chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội ND các cấp từ 25% trở lên; nhiệm kỳ 2013-2018, 80% Hội ND tỉnh, thành phố lãnh đạo chủ chốt là cán bộ nữ; 35% hội viên, ND là nữ được dạy nghề; 35% được tập huấn, chuyển giao kiến thức KHKT; 85% hội viên, ND nghèo là nữ được vay vốn ưu đãi, quỹ hỗ trợ ND…

Nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, miền núi được xác định như thế nào trong hoạt động của Hội NDVN?

- Các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên, ND phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo của Hội đều lồng ghép với nội dung nâng cao bình đẳng giới ở nông thôn. Mục tiêu hướng tới nâng cao bình đẳng giới cũng được lồng ghép trong quá trình Hội triển khai thực hiện Kết luận 61 về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020”; Quyết định 673 về việc “Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

Một trong những lĩnh vực được các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động đối với hội viên đó là chính sách về dân số, gia đình; kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng hướng tới nam ND. Các cấp hội đã và đang hỗ trợ thành lập, xây dựng và duy trì hoạt động của hàng ngàn CLB nam ND phòng chống bạo lực gia đình; CLB Dân số và phát triển; Chi hội ND không sinh con thứ 3 và các mô hình tổ chức sinh hoạt cộng đồng khác ở nông thôn…

Cảm ơn Phó Chủ tịch!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem