Hà Nội mùa trèo sấu

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 11/06/2021 08:38 AM (GMT+7)
Khắp đồng bằng sông Hồng, tỉnh nào cũng có cây sấu, một cây có lá rụng theo mùa, thân xù xì và cho thứ quả chua để làm gia vị hay món ăn vặt. Nhưng cây sấu và quả sấu ở Hà Nội thì thực sự nổi tiếng bởi nó mang thân phận rất thị dân để làm người ta nhớ tới.
Bình luận 0

Người Pháp xây dựng đô thị Hà Nội chủ yếu ở 2 quận Ba Đình và Hai Hà Trưng. Cây sấu được lựa chọn là cây bóng mát ở những đường phố Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, đặc biệt sấu ở phố Phan Đình Phùng nổi tiếng với những thảm lá vàng phủ kín vỉa hè, đẹp như những bức tranh vẽ mà mấy bà, mấy cô thích mê chụp ảnh dưới những hàng sấu có một không hai ở nơi này.

Ngoài có bóng mát, cây sấu cũng cho quả rất được lòng những bà nội chợ đảm của Hà Thành, từ những quả sấu nho nhỏ người ta chế biến ra được rất nhiều món ăn rất mát cho mùa hè (canh chua thịt nạc, canh cá nấu sấu, vịt om sấu), hay chế biến thành thứ nước uống, quà vặt (ô mai sấu bao tư, sấu chín dầm đường, dấm ngâm sấu làm nước chấm)... Chỉ kể đến đây thôi thì tôi cũng nuốt nước miếng đến mấy lần.

Hà Nội mùa trèo sấu - Ảnh 1.

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu vụ sấu, người dân xung quanh phố Phan Đình Phùng lại quen thuộc với hình ảnh những người đàn ông vắt vẻo trèo sấu. (Ảnh: Cao Oanh).

Nhưng để có những quả sấu như vậy phải có một đội quân trèo sấu rất chuyên nghiệp mới hái được những quả sấu tít tận ngọn của những cây sấu cổ thụ to hai người ôm, cao đến gần 30m.

Tôi quen Tuấn cũng dễ đến hơn 10 năm, anh năm nay cũng đã 36 tuổi. Hàng ngày, Tuấn đi đánh giày dọc phố Quán Thánh và Phan Đình Phùng. Nhưng khi mùa sấu tới từ tháng 6 đến tháng 8 thì Tuấn lại có thêm nghề trèo sấu.

Do đặc thù nghề nghiệp, Tuấn đi bộ như đèn cù ở những con phố có nhiều cây sấu, cây nào quả to, quả nhỏ, cây nào trèo dễ, trèo khó, sấu ngon, sấu dở anh  đều nắm được hết rồi. 

Vài chục năm trước khi Hà Nội còn khó khăn, mùa trèo sấu là địa phận phân chia của các băng nhóm kiếm ăn trên vỉa hè. Từng cây sấu được các băng nhóm thỏa thuận với nhau, tranh giành, trèo trộm sấu của nhau cũng như cơm bữa, và cả nắm đấm nữa. Đến mức cứ nói về dân trèo me, trèo sấu là người ta nghĩ ngay đến những đám giang hồ vặt ở khắp phố phường rồi. 

Có cả một thời bao cấp, sấu được các công ty, xí nghiệp cây xanh quản lý nhưng thực chất cũng  chẳng hiệu quả, bởi sấu sớm muộn gì cũng lại rơi vào tay  của những băng nhóm chuyên trèo này vì họ dám liều, hơn mấy bác công nhân cuối tháng lĩnh lương. 

Nhưng giờ kinh tế khá hơn, lợi ích từ việc trèo sấu cũng không đáng để nhiều người đánh đổi bằng sự nguy hiểm. Nên trèo sấu bây giờ cũng không còn là sự phân chia khốc liệt nữa, nhưng cũng phải quen mặt hay thổ công thổ địa, biết ăn, biết chia mới được trèo sấu.

Hà Nội mùa trèo sấu - Ảnh 2.

Quả sấu rất tươi và đều khi được hái xuống. (Ảnh: Châu Dương)

Tuấn tâm sự: "Để trèo được sấu thì hôm nào chúng em cũng phải dậy từ 4h30 sáng, mùa hè trời cũng sáng nhanh, khởi động chân tay dẻo, rồi trèo lên. Vì cây sấu thường mọc ở ven đường lúc hái sấu quả rơi xuống nên cũng phải tránh lúc vắng, để khỏi làm phiền người đi đường, hơn nữa vắng người lúc nhặt sấu cũng dễ".  

Thường nhóm của Tuấn đi trèo sấu có khoảng 5 người, 3 người trèo ở trên, 2 người nhặt ở dưới, đến khoảng 7h sáng khi đường bắt đầu đông người đi làm là phải nghỉ, cũng là để tránh mấy bác ở công viên cây xanh, hay mấy chú trật tự khu phố đi tuần nhiều khi cũng phải gọi là chia trác. Mỗi cân sấu lúc rẻ, lúc đắt nhưng cũng chỉ có giá từ 50-80 nghìn đồng, còn sấu chín thì có giá cao hơn khoảng 120 nghìn. 

Đa số người trèo sấu kinh tế không lấy gì làm khá giả, họ chấp nhận sự mạo hiểm vất vả để có được những đồng tiền cũng bấp bênh tùy theo sấu được mùa hay mất mùa. Được cái sấu trèo xong nhặt sạch lá là bán ngay dưới gốc, người Hà Nội vẫn có thói quen thích mua sấu ven đường nên cũng ít bị ế thứ quả này. 

Tôi có mấy người bạn phương Nam, mỗi lần có dịp vào công tác đúng mùa sấu tôi đều cố gắng mang chút sấu Hà Thành vào để làm quà, chị vợ bạn tôi thích lắm dù có ít cũng chia cho người thân để ăn lấy thảo. Vì trong Nam không có mùa đông nên cây sấu khó ra hoa kết trái được.

Quả sấu không chỉ là một gia vị, một món ăn, mà nó còn là một thông điệp, một cầu nối để kết giao bạn bè. Và để ta thêm biết rằng, mùa trèo sấu, là một mùa để những thân phận kiếm ăn trên vỉa hè có cơ hội tăng thu nhập, để họ tích góp những món tiền gửi về quê nếu trúng tủ những cây sấu ngon sai quả.

Và chúng ta biết thêm rằng Hà Nội tuy đất chật người đông, nhưng cũng là nơi dung chứa rất nhiều phận người, họ sống và kiếm ăn, nhờ những thứ mà chúng ta không hề biết tới như mỗi mùa quả sấu tròn có vị chua chua ùa về.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem