Giá heo neo cao quá lâu, sẽ làm rõ tình trạng "đầu cơ, găm hàng"

19/03/2020 17:11 GMT+7
Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm “kéo” giá lợn hơi xuống. Tuy nhiên, hiện tại, giá lợn hơi vẫn “neo” ở mức khá cao. Theo giới chuyên môn nhận định, cần kiểm tra, làm rõ tình trạng đầu cơ, găm hàng khiến giá lợn tăng.

Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu 17 doanh nghiệp duy trì mức giá định hướng 70.000 đồng/kg lợn hơi. Giá thành sản xuất lợn hơi chỉ quanh mức 40.000 - 45.000 đồng/kg nhằm giúp thị trường phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV và phản ánh từ người dân, giá lợn hơi cũng như thịt thành phẩm tại các siêu thị, chợ dân sinh không có dấu hiệu giảm, nhiều nơi "neo" ở mức khá cao.

Cụ thể, giá lợn hơi ngày 19/3 tại miền Bắc không ghi nhận thêm thay đổi về giá so với ngày 18/3. Ở nhiều địa phương, giá lợn hơi vẫn đang trên đỉnh 85.000 đồng/kg.

Trong đó, ghi nhận giá lợn hơi thấp nhất tại miền Bắc là ở Hưng Yên hiện vẫn ở mức 80.000 đồng/kg, khá cao so với ngưỡng mà Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp kéo xuống là 75.000 đồng/kg.

Cần làm rõ tình trạng "đầu cơ, găm hàng" khiến giá thịt lợn tăng cao - Ảnh 1.

Giá lợn hơi cao khiến thịt thành phẩm tại các chợ dân sinh, siêu thị vẫn "ngất ngưởng".

Ngoài ra, giá lợn hơi tại Lào Cai, Yên Bái và Bắc Giang vẫn đang neo trên mức đỉnh cao chót vót, đạt 85.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại, giá lợn hơi trong ngày duy trì trong khoảng từ 82.000 - 83.000 đồng/kg.

Về phía doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, đại diện Tập đoàn Vissan, cho biết, hiện tại giá lợn hơi mua vào vẫn khoảng 89.000 đồng/kg như nhiều ngày trước.

Bên cạnh đó, ông Kiều Đình Thép, giám đốc kinh doanh Công ty CP VN khu vực miền Bắc cho biết, quan điểm CP luôn ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Hiện tại, giá lợn hơi ở miền Bắc của công ty bán ra là 74.000 - 75.000 đồng/kg, tùy khu vực.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thép thông tin, đối với mặt hàng thịt lợn CP chỉ bán cho đối tác. Sau đó đối tác có thể bán lại cho các kênh khác. Việc tiêu thụ qua nhiều khâu, nhiều công đoạn khiến giá thịt heo có thể giữ ở mức cao và xuống chậm.

Về phía cơ quan chức năng, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, sau cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, một số doanh nghiệp như Dabaco cam kết hạ giá xuống 70.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sau đó, vẫn có một số doanh nghiệp cam kết hạ giá nhưng giá vẫn cao hơn và không giảm. Theo ông Tiến nhận định, cơ quan công thương và tài chính cần tăng cường việc kiểm tra, soát giá nhằm bình ổn thị trường.

Nói về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương phân tích, nhiều công ty chăn nuôi lớn như CP, Dabaco... khi lợn xuất chuồng sẽ có công ty vệ tinh thu gom, sau đó đưa xuống các công ty khác, chuyển về các lò giết mổ khiến giá bị đẩy lên cao.

"Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các bộ Công thương, NN&PTNT đi kiểm tra và làm việc với những doanh nghiệp sản xuất lớn.

Qua kiểm tra chúng tôi nắm chi phí, giá thành sản xuất, đầu vào đầu ra cũng như việc bán ra đã hợp lý chưa, liệu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay không? Từ đó có khuyến nghị với nhà sản xuất lớn. Các bộ đã tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng để có biện pháp quản lý", ông Đông khẳng định.

Về giải pháp lâu dài, đại diện Bộ Công thương cho biết, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, chống đầu cơ, găm hàng, các cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền người dân chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm, nếu trong thời gian tới giá thịt lợn không giảm, Chính phủ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Lào, Campuchia…nhằm hạ nhiệt giá trong nước.

Dự kiến, cuối tháng 3 này, Tập đoàn Miratorg- DN cung ứng thực phẩm hàng đầu của Nga sẽ xuất lô hàng thịt lợn đầu tiên về đến Việt Nam. Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 25.291 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục