Cổ phiếu liên tục gây "sốc", SHB lãi trước thuế 780 tỷ, nợ xấu vượt 2%

30/04/2020 14:36 GMT+7
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của bầu Hiển báo lãi trước thuế gần 780 tỷ đồng, tăng trưởng gần 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ xấu cũng vọt qua mức 2%, tuy nhiên trong kỳ SHB không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Cổ phiếu liên tục gây "sốc", SHB lãi trước thuế 780 tỷ, nợ xấu vượt 2% - Ảnh 1.

Không trích lập dự phòng, SHB của bầu Hiển lãi 780 tỷ trước thuế, tỷ lệ nợ xấu vọt trên 2%

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Trong số hơn 1.850 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, thu nhập từ tín dụng đóng góp 1.684 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực này cũng là động lực tăng trưởng chính khi đóng góp tới 91% cho tổng thu nhập hoạt động của SHB.

Cùng xu hướng, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 33%, mang về cho ngân hàng của bầu Hiển 1,7 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối tăng 222%, tăng từ 14 tỷ lên 45 tỷ đồng trong kỳ.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác không mấy khả quan như lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 11%, chỉ đạt 112 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán chỉ có lãi chưa đến 2 tỷ, hoạt động kinh doanh khác chưa đến 6 tỷ đồng; đều thấp hơn so với mức đạt được cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của SHB tăng tới 34%, lên 1.071 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi cho nhân viên và tăng chi hoạt động quản lý công vụ. Mặc dù vậy, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro của nhà băng này vẫn tăng trưởng 4,8%, mang về gần 779,5 tỷ đồng.

SHB cũng là ngân hàng duy nhất tính tới hiện tại không trích lập dự phòng rủi ro trong quý I/2020, vì vậy sau lợi nhuận trước thuế của SHB vẫn ghi nhận ở mức 779,5 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 3,4% đạt 614 tỷ đồng.

Cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 368.982 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 6,41% lên 282.160 tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng nhẹ hơn, chỉ ở mức 1,27%, đạt 262.540 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của SHB là 6.136 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm (tương đương tăng 21%). Tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) tăng từ 1,91% lên 2,17%.

Tất cả các nhóm nợ đều tăng so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng mạnh nhất, tới trên 62%, nợ nhóm 3 tăng 59% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng nhẹ hơn với 4,55%.

Trên thị trường chứng khoán, SHB của bầu Hiển đã không ít lần gây "sốc" cho nhà đầu tư khi liên tục được "gọi tên" trong danh sách những cổ phiếu ngược dòng tăng điểm, dù ở bất cứ giai đoạn ngặt nghèo nào của thị trường. Đặc biệt, kể từ sau Tết nguyên đán khi virus corona khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo, đến nay cổ phiếu SHB đã tăng nhanh từ mức 6.900 đồng/cp lên tới 15.900 đồng /cp (chốt phiên giao dịch 29/4). Như vậy, sau 4 tháng, thị giá cổ phiếu của SHB trên thị trường đã tăng tới 3 con số, trên 137%. Hiện vốn hóa thị trường của SHB trên 23.100 tỷ đồng. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục