Khó khăn khi tạo khung pháp lý cho Officetel

24/07/2019 09:44 GMT+7
Bộ Xây dựng vừa mới có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, xây dựng ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (Officetel).

Ảnh minh họa.

Trong văn bản, Bộ Xây dựng chỉ ra những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (Officetel).

Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền ban hành, hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản; Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng chưa có khái niệm, quy định pháp lý về Officetel (căn hộ văn phòng).

Việc Bộ Xây dựng xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý vận hành Officetel là chưa đủ cơ sở pháp lý vì Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng không có quy định về nội dung quản lý vận hành căn hộ văn phòng (hoặc công trình xây dựng nói chung) thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.

Về lưu trú và quản lý lưu trú, Bộ Xây dựng không có chức năng, thẩm quyền hướng dẫn lưu trú, quản lý lưu trú (đối tượng, điều kiện đăng ký lưu trú, đơn vị quản lý lưu trú…). Theo như Luật Cứ trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc này thuộc thẩm quyền của ngành Công an.

Nếu nói về thủ tục hành chính thì hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể về tòa nhà căn hộ văn phòng (không có căn hộ nhà ở).

Về điều kiện đầu tư kinh doanh, việc quản lý vận hành công trình xây dựng đa năng, đa sở hữu (một tòa nhà căn hộ văn phòng có nhiều chủ sở hữu) cần có một đơn vị quản lý vận hành có chức năng, điều kiện, đảm bảo năng lực thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo trì công trình, đặc biệt là các phần diện tích sở hữu sử dụng chung.

Đồng thời, trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, chưa có cơ chế xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động quản lý vận hành Officetel. Việc xử phạt hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trên cơ sở ý kiến của 2 Bộ trên, Bộ Xây dựng nhận định, việc ban hành Quy chế quản lý vận hành Officetel theo hình thức Thông tư là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Bộ Xây dựng cũng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ thực hiện theo hướng: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý vận hành Officetel theo quy định tại khoản 3, Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, lập hồ sơ xây dựng chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên cơ sở ý kiến chấp thuận về mặt chủ trương xây dựng chính sách của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy rằng cái tên Officetel được coi là “sinh sau, đẻ muộn” nhưng lại là cái tên vô cùng quen thuộc ở những quốc gia phương Tây hay một vài nước phát triển ở châu Á.

Officetel là một mô hình căn hộ đa chức năng, là sự kết hợp giữa văn phòng làm việc (office) với nhà ở, nơi cư trú qua đêm (hotel). Loại hình bất động sản này vừa có thể cung cấp không gian cho những hoạt động của công ty, vừa có thể đáp ứng đủ nhu cầu sống của chủ nhân căn hộ. Nếu nói về tiện ích thì loại hình căn hộ này, là sự lựa chọn hoàn hảo cho những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, một nhóm nghiên cứu hoặc một văn phòng đại diện cho đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Mô hình này du nhập vào Việt Nam từ năm 2014, nhưng với những lợi ích vượt trội cùng tỷ suất sinh lời cao, nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Năm 2016, nguồn cung thị trường của Officetel đội lên hơn 7.000 căn, đến cuối năm 2017, tổng nguồn cung tích lũy đạt 8.433 căn, tăng gấp 14 lần so với cột mốc 2014, khi mới bắt đầu là 600 căn.

 

Phương Thảo
Cùng chuyên mục