Bị tố lật lọng trong vụ mua nông sản, truyền thông Trung Quốc "dằn mặt" ông Trump

31/07/2019 15:09 GMT+7
Giữa lúc phái đoàn đàm phán Mỹ đang có mặt tại Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục buông lời chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết mua nông sản Mỹ như những gì ông Tập hứa hẹn.

Hai phái đoàn đàm phán đang nỗ lực đạt tới thỏa thuận trong cuộc gặp gỡ tại Thượng Hải

Trung Quốc và Mỹ đã nối lại đàm phán thương mại hôm 31.7, khi phái đoàn ngoại giao Mỹ có mặt tại Thượng Hải bắt đầu vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ hồi tháng 5. Trước đó, tối 30/7, phái đoàn Mỹ đã có buổi làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh để bàn về tình hình kinh tế toàn cầu cũng như những tác động dự kiến nếu thương chiến kéo dài. Đàm phán được tiếp tục trong suốt buổi sáng và chiều 31/7.

Hôm 30/7 (giờ Mỹ), ngay trước thềm đàm phán thương mại, ông Trump liên tiếp đăng các dòng tweet giận dữ trên Twitter, cáo buộc Trung Quốc lật lọng, không đáng tin. Vị Tổng thống Mỹ không tin tưởng Bắc Kinh sẽ đồng ý thực hiện thỏa thuận, như cách hành xử thường thấy của chính quyền ông Tập Cận Bình. Những dòng tweet chỉ trích mà ông Trump nhắm vào Bắc Kinh đã phủ chiếc bóng ảm đạm lên hy vọng đạt tới thỏa thuận. 

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump buông lời chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết mua nông sản Mỹ như những gì ông Tập hứa hẹn tại cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6. Đây được xem là một trong những thiện chí quan trọng để thúc đẩy tiến bộ thỏa thuận thương mại nhằm kết thúc xung đột đã kéo dài hơn 1 năm nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng Trung Quốc đã không làm gì cả.

“Trung Quốc đang rơi vào tình trạng tồi tệ, tăng trưởng kinh tế của họ ảm đạm nhất trong 27 năm gần đây. Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc chuẩn bị mua nông sản Mỹ như những gì họ cam kết. Đó là một vấn đề, Trung Quốc luôn không giữ lời hứa”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định Trung Quốc đã không đặt thêm đơn hàng nông sản lớn nào như Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tại G20. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ tính đến ngày 18/7 đã chỉ ra Trung Quốc chưa đặt thêm đơn hàng nông sản lớn trên 100.000 tấn nào sau hôm 29/6. Ở phía ngược lại, giới truyền thông Trung Quốc biện minh rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mua những đơn hàng nông sản đã được đặt trước đó, và đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thiện chí đàm phán. Khoảng 4,72 triệu tấn đậu nành đặt trong năm vẫn chưa giao đến Trung Quốc. 

Ông Trump còn cáo buộc các nhà đàm phán Trung Quốc luôn thay đổi hoặc không thực hiện thỏa thuận cuối cùng ảnh hưởng đến lợi ích của riêng họ. “Phái đoàn thương mại Mỹ hiện đang đàm phán với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh luôn thay đổi vào phút chót vì lợi ích của riêng mình. Có lẽ họ sẽ chờ đến sau cuộc bầu cử để xem liệu một trong những thành viên cứng cánh của Đảng Dân chủ như “Sleepy Joe” (tức ám chỉ cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden) có đắc cử hay không. Trong tình huống đó, họ có thể thực hiện một thỏa thuận “tuyệt vời”, như những gì họ đã làm trong 30 năm qua vậy”.

Ông Trump liên tiếp đăng Tweet chỉ trích Trung Quốc hôm 30/7 (giờ Mỹ)

Trong khi phái đoàn đàm phán chưa lên tiếng, thì các phương tiện truyền thông Trung Quốc bao gồm Đài truyền hình quốc gia CCTV, Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo và Thời báo Toàn cầu đã nhanh chóng đáp trả lời chỉ trích mạnh mẽ của ông Trump.

Một bài bình luận đăng trên CCTV cho rằng thật sai lầm khi ông Trump tuyên bố Trung Quốc không mua nông sản Mỹ, vì hàng triệu tấn đậu nành Mỹ đã được chất lên tàu và bắt đầu vận chuyển đến cảng Trung Quốc. “Một số chính khách tại Mỹ nên xây dựng, vun đắp nền tảng đàm phán hơn là phá hủy mọi thứ, làm suy yếu quan hệ hợp tác song phương và bỏ lỡ cơ hội lịch sử để thắt chặt mối quan hệ”.

Tờ Nhân dân Nhật báo cũng khẳng định các phát ngôn của ông Trump sẽ làm mờ đi khả năng đạt được một bước tiến trong tiến trình thỏa thuận thương mại. “Nếu muốn đàm phán với Trung Quốc, hãy tỏ ra trung thực, chân thành và đừng gây thêm rắc rối” - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố.

Trước khi ông Trump “dội bom” vào bàn đàm phán, theo nguồn tin của Taoran Notes - một tài khoản Weibo của Nhật báo kinh tế Trung Hoa, những quan chức hai bên đã cùng dùng bữa tối trong bầu không khí khá hài hòa trước khi bắt đầu cuộc hội đàm về tình hình kinh tế tối 30/7. Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn không có mặt trong bữa tối. Chung Sơn, một trong những thành viên có quan điểm cứng rắn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, người thực hiện các cuộc điện đàm với Washington trong vài tuần qua được các nhà phân tích nhận định là nhân tố mới của vòng đàm phán.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục