Cho vay qua App biến tướng bị xử lý thế nào?

10/09/2020 11:09 GMT+7
Nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các App cho vay tiền dính tới việc cho vay qua App với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị phạt tới hàng tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chỉ cần gõ cụm từ "vay tiền qua App", "Cho vay qua App" hoặc "vay online" sẽ lập tức hiện lên hàng loạt ứng dụng cho vay tiền. Nếu trước đây phổ biến là các app như Idong, Vdong, Tima, Cashwagon thì hiện nay có ứng dụng cho vay Panda, Vay tia chớp, Vay ATM, Uvay, Bagang, Vaydi...

Điều kiện để vay vốn dễ dàng, không cần gặp mặt, chỉ cần điền thông tin, số CMND, địa chỉ, nơi làm việc và cung cấp số tài khoản sẽ được cho vay. Nhiều ứng dụng trong số này cho vay với lãi suất lên tới 2,5%/ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm. Thậm chí, đường dây cho vay qua app vừa bị Công an TP.HCM triệt phá gần đây cho thấy có app cho vay lãi suất lên đến 1.000%/năm.

Người vay còn bị "chặt đầu chặt đuôi", vay 1,5 triệu đồng chỉ nhận được 1,1 triệu, vay 5 triệu thực nhận 3,5 triệu vì bị trừ trước tiền lãi nhưng vẫn tính đủ lãi trên số tiền gốc.

Thiếu cơ chế quản lý, cho vay qua App "biến tướng" lãi suất lên tới 1.000%/năm

Vay qua App thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, hiện có nhiều App cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi lấy ý kiến về dự thảo cơ chế thử nghiệm fintech, số lượng fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 40 công ty năm 2016 lên 150 công ty năm 2019, trong đó có khoảng 40 công ty P2P lending. Vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng tăng đột biến lên 400 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, tăng trưởng nóng trong lĩnh vực này cùng với sự không theo kịp của hành lang pháp lý cho hoạt động fintech đã và đang tạo ra nhiều hệ luỵ. Hoạt động P2P lending thiếu kiểm soát đã bị lợi dụng, biến tướng thành "ứng dụng cho vay nặng lãi", "tín dụng đen công nghệ", có nơi tính ra với lãi suất cắt cổ 655%/năm (đặc biệt là những app cho vay do người Trung Quốc điều hành), đẩy nhiều người vay vào cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất và thậm chí, đã từng có những cái chết thương tâm từ sức ép trả nợ vay nặng lãi này.

Cho vay qua App biến tướng bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Cho vay qua App biến tướng với lãi suất "cắt cổ"

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại thời gian cũng như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech, trong đó có hoạt động cho vay qua App nhằm có thể nhanh chóng kiểm soát được hoạt động cho vay đang gây nhiều bất ổn cho xã hội.

Theo đánh giá của TS Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), các quốc gia đều xem P2P Lending hay cho vay qua App là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần được cấp phép, việc chậm trễ trong việc ban hành quy định quản lý vì vậy dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng tài chính và gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện thời chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành về hoạt động P2P lending, do vậy các cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động P2P lending.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico thì cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm cho các mô hình dịch vụ mới này chứ không nên kéo dài, tránh để hoạt động này ở ngoài vòng pháp luật lâu. Khung pháp lý sẽ tạo cơ hội công bằng cho các công ty được tiếp cận lẫn tham gia cung ứng dịch vụ tài chính qua App.

Cho vay qua App biến tướng bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Nở rộ cho vay qua App biến tướng, lãi suất lên tới 1.000%/năm

Cho vay qua App biến tướng, xử lý thế nào?

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các App cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, "khủng bố" người vay thì có thể bị xử lý như sau:

Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục