Cam Vinh, từ cây tỷ phú đến cây... vỡ nợ: Hóa giải nguyên nhân cam "đột tử" và giấc mơ mới (Bài 2)

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ bảy, ngày 26/08/2023 06:15 AM (GMT+7)
Đã có nhiều đoàn công tác về xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An để lý giải nguyên nhân cây cam "đột tử". Một số nguyên nhân chính được xác định là do thoái hóa đất, giống bị nhiễm bệnh… Thế nhưng, làm cách nào để trị được tận gốc những căn bệnh đó vẫn là một bài toán khó đối với người nông dân nơi đây.
Bình luận 0
Cam Vinh, từ cây tỷ phú đến cây... vỡ nợ: Hóa giải nguyên nhân cam "đột tử" và giấc mơ mới (Bài 2) - Ảnh 1.

Tiêu điều, xơ xác ở thủ phủ cam Vinh

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại xã Minh Hợp thời điểm này, mặc dù đã đi khắp các xóm, đều ghi nhận những vườn cam Vinh ngày một tiêu điều, xơ xác trong sự bất lực của người dân.

"Bây giờ chỉ còn một số gia đình để lại số lượng ít cây cam để làm giàn cho các loại cây dây leo bám vào. Còn lại người dân chặt hết. Người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng mía, ngô." bà Trương Thị Vân – cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Hết kiên nhẫn, người dân bắt đầu chặt bỏ diện tích trồng cam hoặc để cho những vườn cam tự sinh tự diệt. Nguyễn Công Biên trồng hơn 1 ha cam chia sẻ, vườn cam của gia đình cho thu hoạch từ năm 2019, năm 2020 là vườn cam còn cho thu nhập hàng trăm triệu, nhưng bước sang năm 2021, vườn cam suy thoái nghiêm trọng. Thời điểm kích thước bằng quả chanh là bắt đầu rụng hàng loạt, những quả còn lại thì chất lượng rất kém.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 4.

Những vườn cam, quýt tại xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An giờ đây tiêu điều xơ xác. Ảnh: Ng.T

Đang chặt bỏ những cây cam còn sót lại trong vườn, anh Trương Văn Sinh (trú tại xóm Minh Tiến, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An) xót xa, nhà tôi trồng hơn 2 ha, riêng tiền vay mượn đã hơn 100 triệu đồng mà chưa thu hoạch được một mùa nào. Bây giờ phải chặt bỏ hết vì cây không cho quả, có ra quả cũng rất nhỏ, khô, không ai mua.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 5.

Hết kiên nhẫn, người dân ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An bắt đầu chặt bỏ những vườn cam bị nhiễm bệnh. Ảnh: Ng.T

Từ một hộ dân ban đầu tiên phong chặt hạ cây cam, sau đó nhiều người khác cũng làm theo. Qúa trình xóa sổ loại cây triệu đô còn nhanh chóng hơn thời điểm nó đổ bộ về mảnh đất này.  Diện tích trồng cam giảm một cách chóng mặt.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 6.

Những diện tích trồng cây cam, quýt ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An còn sót lại. Người dân không còn chăm sóc, để cây cam, quýt tự chết khô ngay tại vườn. Ảnh: Ng.T

Ông Nguyễn Duy Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Qùy Hợp chia sẻ, trước đây trên địa bàn có tổng diện tích trồng cam khoảng 3.000 ha nhưng đến nay chỉ còn lại rất ít. Diện tích còn lại cũng không hiệu quả.

Mặc dù, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 7/5/2021 về "Phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2021 – 2025 và những năm kế tiếp". Với mục tiêu, vực dậy 3.000ha cây ăn quả có múi, riêng diện tích trồng cam là 2.500ha. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ không thể hoàn thành trong điều kiện hiện tại.

Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 7.

Diện tích trồng các loài cây có múi ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An giảm mạnh. Cây cam bị xóa sổ còn nhanh hơn khi nó được trồng trên mảnh đất Phủ Qùy. Ảnh: Ng.T


Bài 2: Nếm vị đắng của loại cây triệu đô, nhiều người vỡ mộng ôm nợ - Ảnh 8.

Nơi vốn là thủ phủ của cây cam, quýt ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An giờ đây được thay thế bằng cây mía, cây ngô. Ảnh: Ng.T

"Khám nghiệm" tìm nguyên nhân cây cam đột tử

Ngay từ khi cây cam bắt đầu xuất hiện tình trạng rụng quả, vàng lá cơ quan chức năng đã vào cuộc để kiểm tra. Kết quả cho thấy cây cam ở huyện Quỳ Hợp bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ nên rụng quả đồng loạt. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, toàn huyện Quỳ hợp có hơn 800ha cam bị nhiễm bệnh.

Những vườn cam trở nên hoang tàn ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Người dân tại đây đã chặt bỏ cây cam, chuyển sang trồng mía và ngô. Thực hiện: Thắng Tình

Diện tích cây cam bị nhiễm bệnh không ngừng tăng nhanh, lý do đầu tiên là do cây giống. Hầu hết giống cam được trồng tại Quỳ Hợp đang được chiết, ghép ngay tại vườn dưới dạng tự phát, sau đó cung ứng cho người trồng cam ngay trong vùng.

"Người dân thấy vườn cam của nhà nào sai quả, năng suất cao là đến mua giống, xin giống. Có thể ngay từ những cây cam giống được trồng mới đã bị nhiễm bệnh mà không ai biết. Người dân cứ trồng, cứ chăm sóc đến khi cây không cho quả thì lúc đó đã muộn", bà Trương Thị Vân chia sẻ.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 2.

Cây cam nhiễm bệnh, quả rụng vàng gốc khiến người dân ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp tỉnh Nghệ An điêu đứng. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm nguyên nhân. Ảnh tư liệu

Người dân huyện Qùy Hợp chủ yếu chiết, ghép thủ công. Những vườn cung cấp giống cũng không qua kiểm nghiệm, không được cơ quan chức năng chứng nhận. Từ đây những cây giống bị nhiễm bệnh được trồng tràn lan, diện tích cây cam nhiễm bệnh không ngừng mở rộng.

Bên cạnh đó, để có được năng suất cao có thực trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí tình trạng, bắt cây cam phải "đẻ" vượt nhiều lần khả năng vốn có, khi người dân cứ nhắm vào lợi ích trước mắt, năng suất từng mùa vụ, mà chưa nghĩ đến tương lai lâu dài của cây cam. Cây cam bị vắt kiệt sức để cho năng suất tối đa, lợi nhuận cao nhất.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 3.

Những vườn trồng cam, quýt ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An tiêu điều, xơ xác. Nguyên nhân do bị nhiễm bệnh, thoái hóa đất. Ngành chức năng khuyến cáo nên chặt bỏ các diện tích cây đã nhiễm bệnh. Ảnh: Thắng Tình

Trong một lần may mắn được trò chuyện với một lão nông ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An người nổi tiếng với việc trồng giống cam Xã Đoài chính hiệu. Những quả Cam Xã Đoài chính tay lão nông trồng được đặt hàng với giá 100.000 đồng/quả. 

Lão nông này chia sẻ với tôi về bí quyết trồng giống cam quý, khi tập cho cây cam "làm mẹ" rồi đẻ ra quả, mỗi cây tùy vào số cành, tán, sự phát triển của bộ rễ để từ đó người trồng có thể để lại số quả trên cây. Như thế cây mới khỏe, phát triển tốt, đặc biệt kéo dài tuổi thọ cho cây. Bên cạnh đó, chế độ bón phân hay làm cỏ cho cây cam cũng được chú trọng. Không phải mùa nào cũng có thể phát quang cỏ, bên cạnh đó một số loại cỏ còn mang lại lợi ích rất tốt, giúp cải tạo đất, tiêu hóa hết những thành phần dư thừa trong đất.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 4.

Cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bán theo quả. Người trồng cam nơi đây cũng có những bí quyết riêng. Ảnh Ng.T

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến đất đai bị thoái hóa, mất hàm lượng hữu cơ, vi lượng trong đất giảm mạnh. Lâu dần khiến đất trồng cam bạc màu, trơ cứng, đất thường bị đóng váng chặt vào mùa mưa và chai lỳ vào mùa nắng vì thế khiến cây cam bị "ngạt" chết.

UBND huyện Quỳ Hợp đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Rau quả trực tiếp lấy mẫu phân tích. Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đã lấy mẫu đất, rễ cây cam để "khám nghiệm" tìm nguyên nhân. Bước đầu xác định được những nguyên nhân căn cơ gây nên hiện tượng suy thoái cam trầm trọng.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 5.

Nguyên nhân chính là do đất bị thoái hóa, các vi lượng trong đất giảm mạnh dẫn đến cây cam, quýt bị nhiễm bệnh. Ảnh: Thắng Tình

Kết quả phân tích mẫu đất tại các vùng trồng cam của Quỳ Hợp phát hiện nấm Fusarium gây hại vùng rễ (bệnh vàng lá thối rễ), nấm Phytophthora hại gốc - thân gây xì mủ và tuyến trùng trong đất (mật độ trên 2.000 con/100g đất), quy mô lớn gấp nhiều lần bình thường…, kết hợp với hàng loạt yếu tố khác đã đẩy nghề trồng cam vào cảnh khốn cùng.

Diện tích cây cam đang dần thu hẹp trên địa bản tỉnh Nghệ An ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu cam Vinh. Trong khi đó vì lợi ích, một số loại cam lạ được đưa về dán mác cam Qùy Hợp để bán. Tại huyện Qùy Hợp để tìm được một quả cam ngon được trồng ở vùng đất này vào thời điểm hiện tại là rất khó. Vậy mà một số nơi vẫn bày bán tràn lan.

Theo người dân nơi đây, những loại cam được gắn mác cam Qùy Hợp thường được nhập từ các tỉnh phía Bắc về sau đó gắn mác và bày bán. Việc này, cũng được các lãnh đạo UBND xã Minh Hợp thừa nhận.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 6.

Người dân ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An chặt bỏ cây cam. Diện tích trồng cây cam giảm mạnh. Ảnh: Thắng Tình

Việc "Cam lạ dần chiếm nhà cam Vinh" ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu cam Vinh vốn tốn không ít công sức, tiền của để xây dựng. Đó cũng là những trăn trở của người trong cuộc. Làm sao để giữ được thương hiệu cam Vinh trong khi các diện tích cây cam, sản lượng giảm mạnh.

Giấc mơ loại cây tỷ phú trở lại

Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi Cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi, Sở Nông Nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị cũng đã cử nhiều đoàn công tác thậm chí đến tận vườn của các gia đình để khảo sát từ đó có đánh giá ngay tại thực tiễn. Đối với diện tích nào cần loại bỏ thì yêu cầu người dân kiên quyết chặt bỏ. Bên cạnh đó, đối với những diện tích còn có khả năng phục hồi, thì hướng dẫn người dân các biện pháp canh tác an toàn, hiệu quả.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi tỉnh Nghệ An, hiên tại trên địa bàn cũng chỉ còn khoảng 1.700 ha trồng cam, trong đó tập trung tại các huyện như Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông… Tuy nhiên diện tích này không ngừng biến động, vì vẫn chưa thể đánh giá hết.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 7.

Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây cam bước đầu chứng minh được hiệu quả. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Qúy Linh – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An chia sẻ, xây dựng được thương hiệu đối với các loại nông sản mang lại giá trị rất lớn. Từ đó giúp tăng giá thành sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho người dân. Đặc biệt đối với thương hiệu cam Vinh cũng cần phải được quản lý chặt. Hiện nay, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc cam Vinh qua tem truy xuất nguồn gốc. Từ đó mua được những sản phẩm tốt nhất, không để những loại cam khác gắn mác cam Vinh làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam Vinh.

Trong nỗ lực hồi sinh cây cam, các bên liên quan đã tiến hành tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình thâm canh cam VietGAP sử dụng túi bọc quả, trồng cam theo phương pháp hữu cơ. Tại các địa phương như Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông mô hình này đã phát huy hiệu quả.

Sở Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An cũng đang nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để giúp phục hồi, kéo dài tuổi đời cây cam. Trong đó, đơn vị này đang xây dựng, thí điểm sử dụng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cây cam.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 8.

Người dân vẫn mong rằng hình ảnh những thung lũng nơi cây cam chín vàng rực sẽ trở lại với xã Minh Hồ, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Quý Hiếu – Trưởng phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại các mô hình vẫn đang được thực hiện. Bước đầu cho thấy, đối với cùng một vườn cam, cùng điều kiện đất, khí hậu, nếu sử dụng các loại chế phẩm sinh học cây cam ít rụng quả hơn, mang lại năng suất cao hơn.

Chuyên canh cây cam dẫn đến việc thoái hóa đất là không thể tránh khỏi, vì thế phương án luân canh cây trồng cũng được tính đến. Đối với những địa phương cây cam bị nhiễm bệnh, đất bị thoái hóa… thì cần có thời gian phục hồi. Người dân nên trồng các loại cây khác, đặc biệt là các loài cây họ đậu sẽ giúp quá trình phục hồi đất nhanh hơn.

Bài 3: Giữ vững thương hiệu cam Vinh và giấc mơ cây cam trở lại với những mùa vàng bội thu - Ảnh 9.

Cây cam đã chứng minh hiệu quả kinh tế vượt trội. Người dân xã Minh Hồ, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An vẫn mong rằng sau khi đất được phục hồi, cây cam có thể trở lại. Ảnh tư liệu

Còn ông Nguyễn Duy Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An chia sẻ, giá trị kinh tế của cây cam thì không thể bàn cãi. Các ngành chức năng cũng đang tìm phương án để phục hổi cây cam, đây cũng là chủ trương của địa phương, nhưng vấn đề trước mắt là phải cải tạo được đất, loại bỏ dịch bệnh.

Trong khi đó, người dân tại huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An đã cũng đã chuyển đổi diện tích trồng cam sang chuyên canh mía, ngô. Việc làm này cũng giúp cải tạo đất. Người dân nơi đây vẫn tin, khi đất đai được cải tạo, trở lại thì loại cây triệu đô lại trở về phủ xanh các thung lũng. Những mùa cam bội thu lại trở về.

Nếu cây cam trở lại với thủ phủ của mình ở huyện Qùy Hợp. Ngay từ đầu việc quản lý về giống, quy trình canh tác, tập huấn phương pháp trồng cam sạch, an toàn phải được địa phương đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch diện tích, sản lượng phải được theo dõi sát sao, tránh bi kịch một lần nữa tái diễn. Từ đó thương hiệu cam Vinh luôn được duy trì, trở thành một đặc sản mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân.

Cam Vinh, từ cây tỷ phú đến cây... vỡ nợ: Hóa giải nguyên nhân cam "đột tử" và giấc mơ mới (Bài 2) - Ảnh 18.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem