Các nhà khoa học sửng sốt trước manh mối về 'ngày tận thế' ở Nam Cực

Lê Phương (Express) Thứ sáu, ngày 17/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Các nhà khoa học đang thăm dò Thềm băng Tây Nam Cực (WAIS) để hiểu rõ hơn cách lục địa băng giá này phản ứng với biến đổi khí hậu trong quá khứ cũng như cách nó sẽ phản ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu trong tương lai.
Bình luận 0
Các nhà khoa học sửng sốt trước manh mối về 'ngày tận thế' ở Nam Cực - Ảnh 1.

Các nhà khoa học thăm dò Lớp băng Tây Nam Cực để hiểu cách nó sẽ phản ứng với sự nóng lên toàn cầu (Ảnh: GETTY STOCK IMAGE)

Nghiên cứu mới được công bố bởi các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London. Các nhà khoa học này đã tiến hành kiểm tra tảng băng Nam Cực xuất hiện từ khoảng cách đây 16 đến 18 triệu năm, trong Thế Miocen. Giai đoạn này chứng kiến cả khoảng thời gian khí hậu ấm lên cũng như lạnh đi, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ của mực nước biển toàn cầu. Vào thời điểm ấm nhất của chúng, biển dâng lên một độ cao đáng kinh ngạc (60m) - tương đương với việc Nam Cực mất đi toàn bộ lớp băng bao phủ hiện nay.

Trước đây, các nhà khoa học vẫn chưa rõ về lượng nước đó đến từ Lớp băng Tây Nam Cực (WAIS), hay Lớp băng lớn hơn ở Đông Nam Cực (EAIS). Mặc dù vậy, có vẻ như họ đã có câu trả lời.

Một bài báo mới được xuất bản trên tạp chí Nature đã phát hiện ra rằng trong các thời kỳ lạnh hơn của Thế Miocen, phạm vi của WAIS lớn hơn nhiều so những gì với người ta vẫn nghĩ trước đây.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, thuộc Chương trình Khám phá Đại dương Quốc tế. Phát hiện của họ cho thấy trên thực tế, băng tan ở Nam Cực hàng triệu năm trước đã đóng góp một lượng nước rất lớn, góp phần vào sự gia tăng mực nước biển toàn cầu. Ngoài ra, điều đó cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự ấm lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến WAIS như thế nào trong tương lai.

Các nhà khoa học sửng sốt trước manh mối về 'ngày tận thế' ở Nam Cực - Ảnh 2.

Các nhà khoa học nghiên cứu lõi băng thu thập được từ Nam Cực (Ảnh: Đại học Hoàng gia London)

Tác giả chính, Tiến sĩ Jim Marschalek, từ Khoa Khoa học và Kỹ thuật Trái đất tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: "Những quan sát của chúng tôi giúp đưa ra dự đoán về cách dải băng Tây Nam Cực sẽ biến chuyển thế nào nếu Trái đất ấm lên trong tương lai".

Hiện nay, để đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu, các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra cách Nam Cực sẽ phản ứng đối với biến đổi khí hậu.

WAIS được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương do bầu không khí nóng lên và nước biển, cả hai đều dẫn đến sự tan chảy của sông băng và băng trên bề mặt.

Việc hiểu rõ hơn về cách tảng băng thay đổi trạng thái trong quá khứ sẽ giúp cung cấp thông tin về các mô hình và dự báo của những nhà khoa học từ ngắn hạn cho đến vài trăm hoặc cả nghìn năm tới.

Đồng tác giả, Giáo sư Tina van de Flierdt, từ Khoa Khoa học và Kỹ thuật Trái đất tại Imperial, cho biết: "Quá khứ là một chìa khóa quan trọng để cho chúng ta biết chúng ta cần phải làm gì. Tin tốt là các tảng băng lớn phản ứng tương đối chậm chạp với sự thay đổi môi trường. Mặc dù vậy, tin xấu là các vùng trũng của tảng băng có một 'điểm tới hạn', và chúng tôi vẫn chưa hiểu hết điểm này nằm ở đâu".

Chìa khóa để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Nam Cực, chuyên gia nói thêm, là giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C - lý tưởng là 1,5 độ C. Điều này có thể đạt được bằng cách cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu vào năm 2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem