Bình Thuận: Loài ốc sên nguy hiểm đang phá hoại thanh long xuất hiện nhiều là do đâu?

Thứ năm, ngày 24/12/2020 07:30 AM (GMT+7)
Với sự lạm dụng thuốc để bảo vệ mùa màng, thì thiên địch trong môi trường khó có thể sống nổi. Và câu chuyện ốc sên tấn công thanh long ở tỉnh Bình Thuận lý giải phần nào môi trường thiếu thiên địch.
Bình luận 0

Ẩm ướt cao, ốc sên tấn công

Sau đợt mưa liên tiếp, ốc sên tấn công nhiều vườn thanh long gây thiệt hại cho nông dân. Ốc sên có 2 loại. Loại ốc nhỏ khoảng 2 – 2,5 cm giống hình bánh xe; để lại vết nhớt trên trái và cành thanh long khi di chuyển; gặm vào cạnh tai, vỏ trái thanh long để lại sẹo loang lổ. Thanh long chín không còn giá trị thẩm mỹ. 

Bình Thuận: Loài ốc nguy hiểm đang phá hoại thanh long xuất hiện nhiều là do đâu? - Ảnh 1.

Nông dân dùng túi bao thanh long tránh côn trùng tấn công.

Loại ốc nhỏ như đầu que tăm có 2 râu; gặm từ vỏ đến phần thịt, làm thủng trái thanh long. Không nhất thiết mưa liên tiếp, ốc mới xuất hiện tấn công cây thanh long.

Ngay cả khi người trồng phun béc tưới vào chiều tối, độ ẩm trong vườn cao; thì ốc sẽ bò từ đầu trụ hoặc từ gốc thanh long ra cắn phá về đêm. 

Trong nhiều năm, bên cạnh nấm bệnh, ốc sên làm thất thu sản lượng thanh long đáng kể, nhưng chưa xác định được nguồn gốc ốc sên xuất phát từ đâu. Đó là thông tin từ lãnh đạo UBND xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Ông Lê Thành Minh – Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cho biết: Toàn xã có 1.940 ha trồng thanh long. Khoảng 5% diện tích cây thanh long, tương ứng 97 ha rải rác các vườn bị thiệt hại do ốc sên tấn công. 

So các năm trước, diện tích thanh long năm nay ở xã Ham Hiệp bị thiệt hại do ốc sên giảm hơn. Bởi nông dân chủ động dùng thuốc diệt ốc khi cơn mưa vừa ngưng.

Không riêng gì xã Mương Mán, Hàm Hiệp mà còn nhiều xã khác cũng bị ốc sên phá hoại thanh long. Dẫu người trồng thanh long phun thuốc và soi đèn bắt vào ban đêm, nhưng vẫn còn nhiều ốc tồn tại trong gốc, đầu trụ thanh long. 

Ước  tính, toàn tỉnh Bình Thuận có 1.900 ha thanh long bị ốc sên phá hoại. Trong khi đó, giá thanh long tại thời điểm này dao động 17.000 – 18.000 đồng/kg. Như vậy, người nông dân mất khoản tiền lớn. 

Lạm dụng thuốc

Trang web Agrilinks - trang thông tin điện tử kết nối các chuyên gia nông nghiệp chia sẻ các chủ đề phát triển và thông tin mới nhất về tăng cường khả năng phục hồi, an ninh lương thực và giảm nghèo. 

Tại trang này, các chuyên gia nông nghiệp nhận xét: Thanh long Việt Nam là trái cây xuất khẩu có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao đến mức khó tin. 

Do nhiều nguyên nhân gồm cả bảo quản, chế biến sau thu hoạch không đạt, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh nấm. Điều này dẫn đến tỷ lệ thiệt hại lớn cho sản phẩm thanh long. (1)

Một số người trồng thanh long thừa nhận rằng: Với mong muốn đạt năng suất, người trồng thanh long phun nhiều loại thuốc từ giai đoạn xử lý cành nảy mầm đến lúc thu trái. Nếu thời tiết mưa bất thường, độ ẩm cao, sâu nở nhiều thì phải phun thuốc nhiều hơn. 

Phun thuốc gặp mưa thì bị rửa trôi và lại phun tiếp. Chưa kể, người trồng phun thuốc không đúng liều lượng theo hướng dẫn từng sản phẩm thuốc. Cứ thế, vòng luẩn quẩn thuốc và sâu bệnh.

Ước tính, nông dân tại tỉnh Bình Thuận sử dụng mỗi năm khoảng 1.400 tấn thuốc diệt cỏ, trừ sâu bệnh. Đâu đó, người nông dân nghĩ rằng thuốc bảo vệ thực vật mang lại mùa màng như ý. Vô hình trung, thuốc cũng diệt luôn cả thiên địch. 

Chẳng hạn, thiên địch của ốc sên là ếch, nhái, cóc, vịt... Khi ốc sên quá nhiều, người trồng không thể bắt bằng tay, thì phải dùng thuốc diệt ốc. Nếu ếch, nhái ăn nhầm ốc bị dính thuốc, thì cũng chết. 

Với sự lạm dụng thuốc để bảo vệ mùa màng, thì thiên địch trong môi trường khó có thể sống nổi. Từ đó cho thấy sự mất cân bằng môi trường sinh thái, môi trường thiếu thiên địch có thể lý giải phần nào nguyên nhân ốc sên tấn công thanh long.  

Bình Thuận: Loài ốc nguy hiểm đang phá hoại thanh long xuất hiện nhiều là do đâu? - Ảnh 2.

Ốc sên phá hoại thanh long.

Sử dụng túi bao

Để giải quyết sự phụ thuộc quá nhiều vào thuốc trừ sâu cũng giảm tổn thất sau thu hoạch, các chuyên gia cho rằng dùng túi lưới bao mỗi trái thanh long; giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh xì mủ, cũng như giảm sự tấn công của côn trùng gây hại như ruồi vàng đục trái. 

Đồng thời, dùng túi bao giúp trái thanh long đảm bảo ít bị ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật. (2)

Tại website Food and fertilizer Technology Center for the Asian and Pacific region (Trung tâm Công nghệ Thực phẩm và Phân bón cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương), các chuyên gia cho biết: Các chủ nông trại ở phía nam Đài Loan, sử dụng túi lưới hoặc nilon bao từng trái thanh long để bảo vệ trái khỏi côn trùng và sâu bệnh. 

Các chủ vườn thanh long thừa nhận tăng thêm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng thanh long đảm bảo yêu cầu thị trường, tiết kiệm tiền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cuối cùng lợi nhuận mang về cao hơn so với không sử dụng túi bao. (3)

Quay trở lại câu chuyện ốc sên tấn công thanh long tại tỉnh Bình Thuận, thiết nghĩ người trồng thanh long cần thay đổi cách sản xuất.

Đó là hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phương pháp bắt thủ công, thả thiên địch như cóc, ếch, nhái, vịt để bắt ốc sên, sử dụng túi bao trái thanh long... Một khi sản xuất theo hướng sinh học, thân thiện môi trường, sản lượng và chất lượng trái thanh long nâng cao giá trị cạnh tranh.

Trang Minh (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem