Khánh Hòa: Những loài ốc biển ăn ngộ độc và khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc do ăn ốc biển

Chủ nhật, ngày 15/11/2020 13:06 PM (GMT+7)
Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm do ăn ốc biển trong thời gian vừa qua được Viện Hải dương học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xác định là loài ốc bùn răng cưa (Nassarius papillosus) và ốc bùn bóng (Nassarius glans) có chứa hàm lượng lớn chất tetrodotoxin.
Bình luận 0

Tetrodotoxin là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Tetrodotoxin gây rối loạn trao đổi ion trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh. 

Với độc tính cao trong mẫu ốc bùn răng cưa và ốc bùn bóng, qua phân tích, các nhà khoa học ước tính chỉ cần ăn 5 - 10 cá thể ốc chứa độc tố tetrodotoxin có thể gây tử vong cho một người bình thường trong vòng 30 phút đến vài giờ sau khi ăn.

Khánh Hòa: Những loài ốc biển ăn ngộ độc và khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc do ăn ốc biển - Ảnh 1.

Ốc bùn bóng và ốc bùn răng cưa.

Độc tố tetrodotoxin có đặc tính bền với nhiệt, axít, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến thực phẩm nên độc tố có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí cả những sản phẩm cấp đông, đóng hộp. 

Các kết quả ghi nhận trong thời gian qua về các loài ốc biển có nguy cơ gây ngộ độc là ốc mặt trăng (Turban); ốc đụn (The top of shells); ốc tù và (Trumpet shells); ốc hương Nhật Bản (Ivory snails); ốc trám (Oliva). 

Tùy thuộc vào loài ốc, chất gây độc có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các động vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn…) hoặc độc tố tetrodotoxin - độc tố trong cá nóc, mực đốm xanh, cua móng ngựa (so biển).

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, triệu chứng ngộ độc do ăn ốc biển độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng (đi loạng choạng, lảo đảo…). 

Trường hợp nặng bệnh nhân co giật, sùi bọt mép, hôn mê và tử vong do liệt cơ hô hấp.

Tác dụng của tetrodotoxin được chia độ theo mức độ ảnh hưởng lên thần kinh và tim mạch. Độ 1, người bệnh tê bì, dị cảm quanh miệng, có thể buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy. Độ 2, người bệnh thấy tê bì ở lưỡi, mặt, đầu, chi và các vùng khác của cơ thể; liệt vận động, nói ngọng, đau đầu, vã mồ hôi. 

Độ 3, người bệnh co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, mắt mất phản xạ với ánh sáng. Độ 4, người bệnh liệt cơ hô hấp nặng, ngưng thở, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, hôn mê. Bệnh nhân ngộ độc thường diễn tiến nặng và từ vong trong vòng 4 - 6 giờ do suy hô hấp và hạ huyết áp.

Điều trị ngộ độc là hạn chế sự hấp thu độc tố của cơ thể, điều trị triệu chứng và can thiệp tích cực khi bệnh nhân có những triệu chứng liệt toàn thân, suy hô hấp nặng. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc giải độc đối với tetrodotoxin. 

Cách xử trí áp dụng gây nôn ngay tại nơi ăn ốc, cá gây ngộ độc khi nạn nhân có triệu chứng tê môi, tê tay nhưng vẫn còn tỉnh, phản xạ nuốt và ho khạc tốt. Thực hiện theo cách để nạn nhân nằm tư thế nghiêng, đầu thấp phòng bị sặc; cho uống than hoạt tính dạng bột, 1g/kg cân nặng cơ thể pha với 50 - 200ml nước sạch khuấy đều uống. 

Uống than hoạt tính sớm trong vòng 1 giờ sau khi ăn sẽ có hiệu quả giúp loại bỏ chất độc, nhưng lưu ý khi người bệnh đã hôn mê, rối loạn ý thức thì không cho uống than hoạt tính.

Nếu người bệnh khó thở, thở yếu hoặc ngừng thở, tím thì tiến hành hô hấp nhân tạo, nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

Khi di chuyển nên để nạn nhân nằm nghiêng, đầu thấp tránh sặc chất nôn vào phổi. Trường hợp ngư dân ăn hải sản chứa tetrodotoxin ở trên tàu thuyền, nơi xảy ra ngộ độc xa cơ sở y tế hoặc được phát hiện chậm thì rất dễ tử vong trước khi đến bệnh viện do không được cấp cứu kịp thời.

Biện pháp phòng tránh ngộ độc tốt nhất là không khai thác, đánh bắt, tuyệt đối không ăn các loại hải sản chứa tetrodotoxin, saxitoxin như: Cá nóc, con so, ốc bùn bóng, ốc bùn răng cưa, bạch tuộc vòng xanh. Không chế biến và lưu trữ các sản phẩm từ các loại hải sản chứa độc chất. Các ngư dân cần được huấn luyện kỹ năng cấp cứu ban đầu, hô hấp nhân tạo cùng các trang thiết bị cần thiết để xử trí kịp thời cho các tình huống ngộ độc nếu có xảy ra.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Quế Lâm (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem