Báo động một tỉnh ở ĐBSCL sử dụng phân bón vô cơ cao gấp 4 lần trung bình toàn quốc

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 27/08/2021 14:49 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT cảnh báo việc lạm dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi số lượng sử dụng đều cao hơn bình quân chung cả nước.
Bình luận 0

ĐBSCL sử dụng lượng phân bón vô cơ cao hơn 35,3% so với trung bình cả nước. Trong khi lượng phân hữu cơ sữ dụng chỉ hơn 27%. Tương tự, với thuốc bảo vệ thực vật hóa học, số lượng sử dụng tại khu vực ĐBSCL đang cao hơn mức trung bình cả nước là 71,9%.

Đây là con số đáng báo động được đưa ra tại hội nghị trực tuyến thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 27/8.

Long An "đội sổ" về sản xuất và buôn bán

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến cuối năm 2020, tổng số lượng sản phẩm phân bón đã được công nhận lưu hành trong cả nước là 24.491 sản phẩm.

Các tỉnh ĐBSCL có 5.265 sản phẩm (chiếm 21,5%). Trong đó, phân bón vô cơ có 4.273 sản phẩm (chiếm 81,1%), phân bón hữu cơ có 992 sản phẩm (chiếm 18,9%).

Long An là địa phương có số lượng sản phẩm phân bón được công nhận lưu hành nhiều nhất với 2.403 sản phẩm (chiếm 9,8% so với cả nước và 45,6% so với ĐBSCL).

Nông dân tỉnh Long An phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa. Ảnh: Lê Huỳnh

Nông dân tỉnh Long An phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa. Ảnh: Lê Huỳnh

Trong khi đó, các địa phương có số lượng phân bón được công nhận lưu hành số lượng thấp là Hậu Giang chỉ với 32 sản phẩm, Bạc Liêu chỉ với 7 sản phẩm.

Đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 841 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm.

Các tỉnh ĐBSCL có 343 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất là 5,8 triệu tấn/năm (chiếm 40,8% về số lượng và 19,9% về công suất so với cả nước).

ĐBSCL là vùng có số lượng cơ sở sản xuất phân bón lớn nhất cả nước, với công suất sản xuất lớn thứ 2, chỉ sau vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, Long An là tỉnh có số lượng cơ sở sản xuất phân bón nhiều nhất trong cả nước, với 202 cơ sở.  (chiếm 24% so với cả nước và 58,9% so với các tỉnh ĐBSCL).

Long An cũng là địa phương có doanh nghiệp đăng ký số lượng thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục nhiều nhất so với các tỉnh ĐBSCL, với 694 tên thương phẩm.  

Về cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, Long An là tỉnh có số lượng cơ sở buôn bán nhiều nhất các tỉnh ĐBSCL và nhiều nhất cả nước với 1.642 cơ sở (chiếm 15,58% so với các tỉnh ĐBSCL).

Bộ NNPTNT cảnh báo việc lạm dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu ở ĐBSCL

Bộ NNPTNT đánh giá, tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ đang được sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc. Trong khi lượng phân hữu cơ sữ dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc.

Cá biệt, có tỉnh như Bến Tre có lượng phân bón vô cơ sử dụng cao gấp 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre tổ chức ra quân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: Thanh Đồng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre tổ chức ra quân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: Thanh Đồng

Tương tự, với thuốc bảo vệ thực vật hóa học, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc gần 72%.

Trong đó phải kể đến Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học gần gấp 3 lần so với trung bình toàn quốc.

Nếu không được giải quyết, điều này sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn, không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, làm suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch.

Không chi có vậy, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập cùa người nông dân.

Tiền Giang "dính phốt" nhiều nhất nước

Tính đến hết tháng 4/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3.414 mà số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. Vùng ĐBSCL có 1.258 mã. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có nhiều nhất, 257 mã.

Bộ NNPTNT cũng cho biết, năm 2020, Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật.

Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số vi phạm lớn nhất với 15 mã số vùng trồng và nhà đóng gói. Tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mà).

Theo Bộ NNPTNT, điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem