Bà Rịa-Vũng Tàu: Giá cá giảm mạnh, nuôi cá to bự phải nằm im trong ao, nuôi cá giống cũng không nhúc nhích, đến khổ!

Thứ năm, ngày 03/06/2021 05:34 AM (GMT+7)
Nhờ nuôi cá, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Châu Đức và Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đổi đời. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, người nuôi “đứng ngồi không yên” khi giá cá liên tục giảm, đầu ra gặp khó do sức tiêu thụ chậm.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Thúc (ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có 2ha ao nuôi cá nước ngọt cho biết, hơn 10 năm nuôi cá truyền thống như cá chép, cá mè, cá rô phi, chưa có năm nào giá bán thấp, sức tiêu thụ chậm và khó như năm nay.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Giá cá giảm mạnh, nuôi cá to bự phải nằm im trong ao, nuôi cá giống cũng không nhúc nhích, đến khổ! - Ảnh 1.

Giá bán giảm, đầu ra khó khăn khiến người nuôi cá nước ngọt lo lắng. Trong ảnh: Thương lái chọn mua cá tại hộ ông Nguyễn Văn Quỳnh, xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Nhiều tháng trở lại đây, giá các loại cá nước ngọt đồng loạt giảm với mức giảm từ 5.000-20.000 đồng/kg (tùy loại). 

Cụ thể, cá trắm đang bán với giá 50.000 - 52.000 đồng/kg, cá chép 35.000 - 40.000 đồng/kg (loại to), giảm 10.000-15.000 đồng so với thời điểm trước Tết Tân Sửu. 

Các loại cá khác như rô phi, mè… đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 17.000-20.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg. 

Đây cũng là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Với giá cá giảm mạnh như hiện nay, gia đình ông giảm khoảng 30% thu nhập so với cùng thời điểm này năm ngoái. Ngoài ra, thương lái thu mua “nhỏ giọt”, khiến gia đình ông và các hộ nuôi cá gặp khó khăn, bởi cá đã đến thời điểm xuất bán, càng nuôi càng lỗ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quỳnh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) có 1,5ha ao nuôi cá. Ông cho biết, giá bán giảm, sức tiêu thụ chậm khiến thời gian thu hoạch kéo dài. 

“Những năm trước đầu ra ổn định, với khoảng 20 tấn cá thương phẩm, gia đình tôi chỉ bán trong vòng 10 ngày là xong. Năm nay, cá đến lứa thu hoạch hơn 1 tháng rồi nhưng vẫn chưa bán hết, thu nhập của gia đình tôi giảm rõ rệt”, ông Quỳnh chia sẻ. 

Trước đây, trung bình mỗi vụ gia đình ông xuất bán khoảng 25 tấn cá, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, ông chỉ hòa vốn, chưa tính chi phí nhân công.

Vào thời điểm này những năm trước, thương lái tới thu mua tấp nập, mỗi ngày từ 1-2 tấn/ao. Các hộ nuôi cá chỉ bán trong vòng 10 ngày là có thể xả nước, cải tạo ao để nuôi vụ mới. 

Năm nay, thương lái chỉ thu mua 6 tạ/ngày, các ao có sản lượng lớn, thời gian thu mua kéo dài tới 40 ngày/ao. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người nuôi cá mà các cơ sở cung cấp cá giống cũng gặp khó khăn. 

“Thời điểm này năm ngoái, nhiều hộ đã tới cơ sở của tôi mua cá giống về thả vụ mới, nhưng năm nay, do chưa tiêu thụ được các thương phẩm nên chưa có ai mua cá giống”, ông Võ Xuân Hậu, ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ - người chuyên cung cấp cá giống cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Chức, Tổ trưởng Tổ hội Nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt Suối Rao, diện tích ao nuôi 55ha trên địa bàn cho sản lượng khoảng 750 tấn cá. 

So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cá mới tiêu thụ được khoảng 60% trên tổng sản lượng cả vùng. 

“Cá nước ngọt chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận nên khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều nhà hàng, khách sạn không có khách, sức mua giảm mạnh. Trong khi đó, cá thương phẩm ở các tỉnh miền Tây xuất khẩu sang Campuchia cũng bị hạn chế nên nguồn cung trong nước cũng dồi dào hơn”, ông Chức phân tích.

Nhiều hộ nuôi cá cho biết, ngoài việc giá bán giảm, tiêu thụ khó, giá thức ăn cũng liên tục tăng “chóng mặt” khiến người nuôi lo lắng. 

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, giá thức ăn cho cá đã tăng 7 lần, hiện đang ở mức 297 ngàn đồng/bao loại 23 độ đạm (tăng 60-70 ngàn đồng/bao), khiến chi phí chăn nuôi tăng lên 30-40% so với trước đây. 

Vì vậy, người nuôi phải giảm khẩu phần thức ăn hoặc giảm bữa để giảm chi phí. Mặt khác, nguồn cung cá nước ngọt còn lớn, trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên thị trường tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc trong thời gian tới.

Ông Chức cho rằng, cần có sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các DN trong và ngoài nước để tìm hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá nước ngọt. Ngoài ra, các hộ nuôi cũng rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng để người nuôi cá có đầu ra ổn định, yên tâm gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt.


Nhung Hoa-Trọng Hoàng (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem