Áp thấp nhiệt đới đổ bộ từ Nam Định đến Thanh Hóa, có nơi mưa trên 300mm, nguy cơ ngập úng, sạt lở cao

Khương Lực Thứ tư, ngày 07/07/2021 10:36 AM (GMT+7)
Sáng 8/7, dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ đất liền khu vực từ Nam Định đến Thanh Hóa. Từ chiều 7/7 đến hết ngày 8/7, mưa lớn xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, có nơi trên 300mm/đợt, nguy cơ gây ngập úng, sạt lở cao.
Bình luận 0

 Sáng 7/7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, dự kiến sẽ đổ bộ đất liên khu vực từ Nam Định đến Thanh Hóa vào sáng mai.

Cơn áp thấp nhiệt đới này có khả năng sẽ gây ra một đợt mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Áp thấp nhiệt đới đổ bộ từ Nam Định đến Thanh Hóa, có nơi mưa trên 300mm, nguy cơ ngập úng, sạt lở cao - Ảnh 1.

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: nchmf).

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 7h sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, ngay khu vực Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Theo ông Khiêm, dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30 km, có khả năng mạnh thêm và đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Đến 7h ngày 8/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7.

Tính 6h ngày 7/7, lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 54.000 phương tiện/hơn 232.000 người, trong đó: Hoạt động khu vực nguy hiểm là 77 tàu/552 người. 

Áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ từ Nam Định đến Thanh Hóa, có nơi mưa trên 300mm, nguy cơ ngập úng, sạt lở cao - Ảnh 2.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai. Ảnh: Khương Lực.

 Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai nhận định, mặc dù cường độ áp thấp không lớn nhưng lại kèm theo nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, giông, lốc, sạt lở đất... nên các địa phương không được chủ quan.

Chính vì thế, đối với khu vực có nguy cơ ngập úng, ông Hoài chỉ đạo các địa phương cần chủ động sẵn sàng chống úng, hạ thấp mực nước đệm trong kênh mương, đặc biệt đối với diện tích mới gieo sạ tại các tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến thời điểm hiện nay, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã gieo cấy 324 nghìn ha/324 nghìn ha lúa (đạt 100%). Vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc đã gieo cấy 530 nghìn ha/892 nghìn ha lúa (đạt 59%).

Đối với những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ông Hoài chỉ đạo lãnh đạo trực ban phòng chống thiên tai điện cho lãnh đạo các địa phương nắm bắt tình hình và sẵn sàng huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống phát sinh.

Đối với các hồ chứa có mực nước thấp, cần tăng cường tích trữ nước. Riêng với những hồ chứa đầy nước, cần xem xét quy trình vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn trong mưa lũ.

Hiện nay, mực nước các hồ thủy điện, hồ thủy thủy lợi ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang ở mực nước thấp, đang vận hành bình thường. Một số tỉnh hồ thủy lợi có mức tích nước cao như: Lai Châu 92%, Hà Giang 100%, Phú Thọ 85%, Ninh Bình 90%.

Đối với hệ thống đê biển, đê cửa sông khu vực từ Quảng Ninh – Hà Tĩnh, hiện có 33 vị trí đê điều xung yếu gồm 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22km) và 9 cống dưới đê (Quảng Ninh 02; Hải Phòng 10; Thái Bình 10; Nam Định 6; Ninh Bình 2; Thanh Hóa 3).

Trên địa bàn ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, có 5 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông (Thái Bình 2, Nam Định 1, Ninh Bình 1, Nghệ An 1). Các địa phương thực hiện gia cố công trình đang thi công và sẵn sàng phương án bảo vệ.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam kết hợp với rìa phía Tây áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 7/7, khu vực Bắc và trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gi, trong 2 ngày (7- 8/7), trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông khu vực Bắc Trung Bộ từ 3-7m; hạ lưu các sông này và các sông khu vực Bắc Bộ biên độ lũ lên từ 2-4m. 

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông chính còn dưới báo động 1, riêng sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Hưng Thi và một số sông suối nhỏ khả năng lên mức báo động1. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Từ chiều 7/7 đến hết ngày 8/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt (khu vực mưa lớn nhất tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem