156 triệu tấn "rác" nông nghiệp có thể hóa vàng nhờ cách làm này

Khánh Nguyên (ghi) Chủ nhật, ngày 19/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 19/12, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam chính thức Đại hội thành lập. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông nghiệp để hiểu rõ hơn thực trạng cũng như tiềm năng phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam.
Bình luận 0

Xin ông cho biết thế nào là nông nghiệp tuần hoàn, tiềm năng phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam ra sao?

Nông nghiệp tuần hoàn là nông nghiệp không chất thải, không phế phẩm. Ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học vào giải quyết triệt để phụ phẩm, chất thải thành giá trị hữu ích tái sử dụng trong nông nghiệp.

Bảo vệ môi trường đồng thời giúp môi trường tái sinh mạnh hơn là ưu điểm cũng là mục tiêu của nông nghiệp tuần hoàn.

Nông nghiệp tuần hoàn tạo ra hệ sinh thái rõ ràng hơn. Trong đó con người đóng vai trò hỗ trợ tiến trình xảy ra nhanh hơn. Vận hành theo trật tự của tự nhiên mang lại hiệu quả kinh tế.

Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. 

156 triệu tấn "rác" nông nghiệp có thể hóa vàng nhờ cách làm này - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Nông nghiệp tuần hoàn là nông nghiệp không chất thải, không phế phẩm. Ảnh: T.L

Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường.

Nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam phải tuân thủ đúng như khái niệm chung, cụ thể là phải tái sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong quá trinh sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản…) để tăng giá trị của sản phẩm chính do nông dân cũng như doanh nghiệp tạo ra, đồng thời hạn chế " khí thải nhà kính" cũng như giảm thiểu việc làm ô nhiễm môi trường.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta năm 2020 là khoảng 156,8 triệu tấn, trong đó có 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ khâu chế biến các loại nông sản của lĩnh vực trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%); khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản, (10,6%). Đây là tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Từ trước tới nay chúng ta chưa thể thực hiện mạnh chương trình nông nghiệp tuần hoàn bởi sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhỏ lẻ do đó chưa thu gom các phế phụ phâm trong sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đang chú trọng quá nhiều nông sản chính, vì thế còn bỏ ngỏ lượng phế phụ phẩm không hề nhỏ.

Sớm hình thành hệ nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tận dụng rơm để trồng nấm ở Cần Thơ. Ảnh: T.L

Sớm hình thành hệ nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 2.

Những ích lợi của nông nghiệp tuần hoàn là gì, thưa ông?

Nông nghiệp tuần hoàn có những lợi ích sau: Thu hồi và sử dụng các năng lượng sinh khối nói chung và biogas nói riêng trong sản xuất để tạo nguồn năng lượng mới. 

Tăng lượng phân bón hữu cơ được sản xuất từ chất thải hữu cơ trong quá trình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ thực phẩm ở nông thôn hoặc các đô thị.

Tuần hoàn nước và sử dụng hiệu quả nước. Ngăn chặn chất thải thực phẩm thông qua việc tối ưu hóa các chuỗi cung ứng thực phẩm, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu theo dõi chất thải thực phẩm, tăng cường các mô hình chia sẻ, quyên góp thực phẩm

Nông nghiệp tuần hoàn không phải là quay lại với các biện pháp canh tác truyền thống trước đây. Nông nghiệp tuần hoàn hiện nay là sự kết hợp các biện pháp truyền thống, thuận theo tự nhiên với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học với các men vi sinh, phân bón và thuốc BVTV thế hệ mới trong các hoạt động trồng trọt, chế biến thức ăn trong chăn nuôi, xử lý chất thải để làm phân bón.

Nông nghiệp tuần hoàn tạo ra hệ sinh thái khép kín, cân bằng hơn và thúc đẩy chu trình chuyển hóa vật chất trong tự nhiên. Trong đó, con người đóng vai trò hỗ trợ tiến trình tự nhiên xảy ra nhanh hơn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo ông, để phát triển nông nghiệp tuấn hoàn của Việt Nam thì ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì?

Để thực hiện được mục tiêu này, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. 

Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học - công nghệ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản và công nghệ tái chế và khai thác hiệu quả nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Tổ chức lại sản xuất, cơ chế hóa và hiện đại hóa nền sản xuất lớn, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn. Việc thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem