Tỷ phú Trần Bá Dương: Có người nói tôi coi chừng khi cứu bầu Đức

10/09/2019 11:10 GMT+7
Tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco, chia sẻ khi quyết định đầu tư vào công ty của Bầu Đức, từng có người nói rằng "không cứu nổi Hoàng Anh Gia Lai" và nếu nhảy vào, khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ khiến chính Thaco gặp khó.

Tròn một năm Ô tô Trường Hải (Thaco) của Chủ tịch Trần Bá Dương chính thức rót vốn đầu tư và tái cơ cấu nợ tại Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức – PV).

Đúng như những gì đã hứa, sau một năm hợp tác Thaco đã “rót” vào HAGL gần 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Hiện nhóm cổ đông liên quan đến Thaco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế (HAGL Agrico - HNG) lên 35% như thỏa thuận ban đầu.

Thaco cũng đã thành lập Công ty Nông nghiệp Đông Dương (Thadi), đầu tư vào các lĩnh vực gồm cây ăn trái, ngũ cốc, lâm nghiệp, vật tư nông nghiệp, chăn nuôi. Thadi hợp tác với HAGL Agrico để phát triển cây ăn trái tại Việt Nam, Lào, Campuchia, thu mua một phần sản lượng trái cây của chính HAGL Agrico để xuất khẩu và chế biến.

Đồng thời, “cánh tay nối dài” của Thaco là Công ty Đại Quang Minh cũng đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để sở hữu đến 65% vốn tại HAGL Myanmar. Đây cũng chính là dự án bất động sản cuối cùng của HAGL ở Myanmar.

Chưa kể, Thaco cũng cam kết hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay hơn 14.000 tỷ cho bầu Đức…

Với giá trị hơn 20.000 tỷ đồng, cái bắt tay giữa HAGL và Thaco là thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam của hai doanh nghiệp trong nước.

Thoát cảnh "nghìn cân treo sợi tóc"

Sau cuộc “kết hôn tỷ USD”, mặc dù còn thua lỗ nặng nề, nhưng điều đáng nói là dòng tiền HAGL đang dần cân đối. Bản thân bầu Đức cũng phải thừa nhận, 1 năm qua đã mang đến những kết quả hết sức khả quan đối với các doanh nghiệp của ông và HNG đã thực sự thoát khỏi tình huống rất khó khăn " nghìn cân treo sợi tóc".

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý II/2019, tổng vay nợ (ngắn và dài hạn) HAGL là 17.628 tỷ đồng, đã giảm 4.126 tỷ so với đầu kỳ. Trong đó, riêng nợ vay dài hạn giảm đáng kể từ 14.804 tỷ về 11.240 tỷ đồng.

Tương tự, HAGL Agrico (HNG) ghi nhận tổng nợ vay 12.218 tỷ đồng, giảm 3.212 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 9.551 tỷ xuống còn 5.124 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực nợ đến hạn vẫn còn cao khi vay ngắn tăng 1.216 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn tại các doanh nghiệp của bầu Đức (tỷ đồng)

Đáng chú ý, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn của HAGL Agrico tăng tới gần 5.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2019, phần lớn số dư phát sinh đến từ khoản trả trước "chuyển nhượng dự án" của Thadi. Hay báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy Công ty đã thu hồi được 4.858 tỷ đồng từ góp vốn vào đơn vị khác (hoạt động đầu tư) trong nửa đầu năm 2019…

Những dấu hiệu này thể hiện dòng tiền thực tế của doanh nghiệp cải thiện đáng kể so với giai đoạn khó khăn trước đó.

Một điểm sáng nữa cần phải nhắc đến trong bức tranh tài chính của các DN nhà bầu Đức trong 1 năm qua là đã mua lại trái phiếu trước hạn từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để cơ cấu lại nợ.

Cụ thể, HAGL mua lại 1.120 tỷ đồng hai loại trái phiếu đáo hạn vào cuối 2020 và 2021. Công ty con HAGL Agrico cũng mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu cũng đáo hạn vào cuối 2020 và 2021.

Trước đó, HAG cũng đã chi hơn 625 tỷ đồng (gần 27 triệu USD) để mua lại trước hạn toàn bộ 594 triệu trái phiếu (tương đương 594 tỷ đồng) không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, phát hành ngày 25/8/2015 và đáo hạn 27/12/2021 từ VPBank.

Như vậy, tổng cộng, các công ty của Bầu Đức đã mua lại 3.500 trái phiếu trước hạn từ VPBank.

Hiện, doanh nghiệp của Bầu Đức không còn nợ trái phiếu đối với VPBank nhưng vẫn còn trái phiếu của BIDV, HDBank, CTCP Việt Golden Farm, VietCapitalBank.

Mặc dù vậy, áp lực mất cân đối tài chính vẫn còn đè nặng lên các DN của bầu Đức khi hệ số nợ trên vốn vẫn còn tương đối cao, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAG-HNG của bầu Đức khi liên tục tăng điểm, thậm chí bất chấp những phiên thị trường giảm mạnh, góp phần củng cố niềm tin nơi cổ đông.

Lời “bộc bạch” của vị Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương

Tại lễ kỷ niệm đánh dấu 1 năm hợp tác chiến lược giữa Thaco và HAGL tối 9/9, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đã có cơ hội chia sẻ thêm cơ duyên dẫn đến cuộc "hôn nhân tỷ USD" giữa Thaco và HAGL của bầu Đức.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương

Vị tỷ phú USD của Việt Nam tiết lộ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên gợi ý Thaco tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là sản xuất nông cụ, thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp.

Năm 2018, Thaco bắt đầu đưa nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp tại Chu Lai, Quảng Nam vào hoạt động. Dù vậy, ông Dương đánh giá thị trường này quy mô chưa đủ lớn để có thể tạo ra những thiết bị chuyên dụng, giải pháp đảm bảo nền nông nghiệp cạnh tranh được trong thị trường quốc tế.

Thaco đồng thời xây dựng đề án sản xuất lúa theo hướng công nghiệp tại tỉnh Thái Bình với chuỗi giá trị khép kín, tham vọng từng bước thay đổi cơ bản quan hệ sản xuất theo hướng công nghiệp trong sản xuất lúa tại đồng bằng Bắc bộ. Hiện dự án đã được Chính phủ chấp thuận đầu tư và đang đền bù giải phóng mặt bằng.

"Cơ duyên nữa là anh Đức tìm tôi mời gọi. Anh nói anh bây giờ rất khó khăn, nếu không cứu là anh "chết". Bản chất anh quay về tay không cũng không sao nhưng mất HAGL. Người cứu được anh chỉ có tôi, và không những cứu anh mà còn có thể đưa HAGL thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu trong khu vực", ông Dương chia sẻ.

Cũng chính vì thế, đến nay bài toán tài chính hiện tại của HAGL đã được giải. “Hôm nay, cá nhân tôi và cán bộ nhân viên Thaco rất vui mừng đã có giải pháp bằng nhiều phương thức hỗ trợ tài chính để giúp HAGL. HAGL thật sự đã thoát được khó khăn, năm nay đóng góp kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD, sang năm sẽ là 500 triệu USD", ông Dương tự tin.

Nói thêm về quyết định “kết hôn” được cho là đầy táo bạo của mình, chủ tịch Thaco kể lại từng có người nói với ông "không cứu nổi HAGL" và coi chừng khi tham gia cùng HAGL, khó khăn của công ty bầu Đức sẽ khiến chính Thaco cũng gặp khó. Tuy nhiên, theo ông Dương, Thaco đã lường được quy mô, diện tích đất, nợ của HAGL rất lớn.

Cú bắt tay giữa HAGL và Thaco là một thương vụ hợp tác lớn nhất nhưng cũng nhận nhiều hoài nghi nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau 1 năm, người đứng đầu Thaco cũng không phủ nhận thời điểm mới rót vốn chịu rất nhiều rủi ro. Tuy nhiện hiện rủi ro chết người đã qua và việc Thaco có chết chìm cùng HAGL hay không thì phải cân đối nhiều yếu tố.

Trong đó, những rủi ro nguy hiểm phải kể đến như khả năng cứu nửa vời, suốt 1 năm không có sự chuyển biến, không có hướng ra sẽ bị ngân hàng "chặt luôn 2 thằng", vì Thaco cũng phải vay và cuối cùng là khả năng trồng mới, khả năng tổ chức sản xuất… Nhưng, đến nay mọi thứ đã qua rồi.

Vị tỷ phú USD của Việt Nam này tái khẳng định cú bắt tay giữa HAGL và Thaco là một thương vụ hợp tác lớn nhất nhưng cũng nhận nhiều hoài nghi nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong thời gian tới, theo ông Trần Bá Dương không còn là rủi ro chết người, mà là thách thức bản thân lãnh đạo phải làm đàng hoàng, lo cho nhân viên chỗ ăn chỗ ở, đào tạo thành công nhân trong nông nghiệp thực thụ.

Lê Thúy
Tags:
Cùng chuyên mục