Trung Quốc miễn thuế nông sản Mỹ: Chỉ là nước cờ có lợi cho Bắc Kinh

14/09/2019 16:37 GMT+7
Trung Quốc hôm 13/9 bất ngờ tuyên bố miễn thuế một số mặt hàng nông sản Mỹ gồm đậu nành và thịt lợn trong bối cảnh đàm phán Mỹ Trung sắp tái khởi động tại Washington vào đầu tháng 10, và nông sản từ lâu đã là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong đàm phán.

Trung Quốc bất ngờ miễn thuế nông sản Mỹ

Đậu nành, thịt lợn là những mặt hàng nông sản Mỹ mới được Bắc Kinh đưa vào diện miễn thuế

Trước thềm đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 13/9 bất ngờ tuyên bố nước này hoan nghênh các cử chỉ thiện chí của Mỹ trong việc trì hoãn thuế quan 15 ngày và sẽ miễn thuế một số mặt hàng nông sản mỹ như đậu nành, thịt lợn khỏi mức thuế quan bổ sung. Các mặt hàng này sẽ được thêm vào danh mục 16 mặt hàng Mỹ được miễn thuế trong vòng 1 năm, từ 17/9/2019 đến hết 16/9/2020. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh đàm phán Mỹ Trung sắp tái khởi động tại Washington vào đầu tháng 10, và nông sản từ lâu đã là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong đàm phán. Hiển nhiên, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến nông dân Mỹ lao đao sau khi Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu nông sản. 

Hồi cuối tháng 6, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka, Tổng thống Trump từng thúc giục Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nông sản Mỹ. Bù lại, Mỹ có thể đưa ra một số nới lỏng cấm vận với Huawei. Tuy nhiên, Washington sau đó đã giận dữ cáo buộc Trung Quốc đi ngược lại lời cam kết, không hề nhập khẩu thêm nông sản Mỹ. 

Việc Bắc Kinh chủ động dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản Mỹ và đặt đơn hàng đậu nành 600.000 tấn lớn nhất kể từ hồi tháng 6 đến nay hôm 12.9 đã khiến thị trường lạc quan về khả năng đàm phán đạt được tiến triển đáng kể. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên 92 từ mức 89,8 hồi tháng 8, theo dữ liệu khảo sát người tiêu dùng được thực hiện bởi một số trường đại học. Richard Curtin, một trong những chuyên gia kinh tế tham gia thực hiện khảo sát nhận định việc niềm tin tiêu dùng tăng lên được thúc đẩy phần lớn bởi tuyên bố của ông Trump sẽ cân nhắc thỏa thuận thương mại tạm thời.

Cũng theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 8 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng ổn định dù có giảm mạnh so với mức tăng 0,8% hồi tháng 7. Điều này phần nào cảnh báo sự thận trọng của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn. Chi tiêu tiêu dùng hiện là một trong những động lực cơ bản của kinh tế Mỹ khi mà đầu tư doanh nghiệp chậm lại. Do đó, việc doanh số bán lẻ giảm có thể sẽ trở thành một trong những dấu hiệu cảnh báo nền kinh tế theo đà giảm tốc. Nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra rằng vẫn chưa có dấu hiệu nào rõ rệt cho thấy cả hai bên đã đạt được sự nhất trí quan điểm trong các xung đột thương mại cơ bản. 

Miễn thuế nông sản: thiện chí của Bắc Kinh hay nước đi có lợi cho chính Trung Quốc?

Giá thịt lợn tại Trung Quốc hồi tháng 8 đã tăng 46,7% do sự bùng nổ của dịch tả lợn Châu Phi khiến quy mô đàn lợn nước này giảm ít nhất ⅓. Sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn buộc Trung Quốc phải nhập từ Mỹ hơn 10.000 tấn thịt lợn trong tháng qua bất chấp mức thuế 72%. Nhiều nhà phân tích dự đoán nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc sẽ còn thiếu hụt trầm trọng, và Trung Quốc không có cách nào khác ngoài việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ.

Bà Iris Pang, nhà kinh tế học từ ngân hàng ING (Hà Lan) cũng nhận định việc Trung Quốc công bố danh mục mặt hàng miễn thuế mới đây không phản ánh lập trường thương mại nhượng bộ của Bắc Kinh. “Việc miễn thuế nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc nhiều hơn là một cử chỉ thiện chí với Mỹ” - bà Iris nói thêm.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định không nên coi việc Trung Quốc miễn thuế một số mặt hàng nông sản Mỹ là dấu hiệu nước này "xuống thang" trong chiến tranh thương mại. Thực chất, nhìn vào giá thực phẩm Trung Quốc hiện nay, việc miễn thuế nông sản Mỹ có lợi cho nước này hơn cả.

Các quan chức Nhà Trắng cũng không quá lạc quan vào một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau đàm phán vào tháng 10 tới. Còn nhớ, cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, một trong những cố vấn tin cậy của Tổng thống Trump từ nhận định Mỹ muốn đạt được thỏa thuận nhưng đồng thời cảnh báo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất tới hàng thập kỷ để giải quyết các xung đột.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục