Quốc Cường Gia Lai “vỡ” kế hoạch kinh doanh, cổ phiếu được “tháo còng”

05/02/2020 18:19 GMT+7
Kể từ ngày 6/2, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai được ra khỏi diện cảnh báo. Năm 2019, doanh nghiệp này tiếp tục “vỡ” mục tiêu lợi nhuận năm khi chỉ về đích được 50% kế hoạch. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2016, QCG âm dòng tiền kinh doanh.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố quyết định đưa cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 6/2 do công ty đã khắc phục nguyên nhân đưa vào diện cảnh báo.

Cổ phiếu được "tháo còng" từ 6/2

Trước đó cách đây một năm, ngày 15/2/2019, cổ phiếu QCG đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, theo quy định tại Khoản 1.h và 1.i Điều 9 Thông tư 155 của Bộ Tài chính (Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24h, kể từ khi xảy ra sự kiện như góp vốn thành lập, mua để tăng sở hữu trong một công ty dẫn đến công ty đó trở thành công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết…).

heo đó, cổ phiếu QCG đồng thời cũng không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, nâng con số cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ trên HoSE lên 80 đơn vị.

Quốc Cường Gia Lai “vỡ” kế hoạch kinh doanh, cổ phiếu được “tháo còng” - Ảnh 1.

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai được đưa ra khỏi diện bị kiểm soát từ 6/2

Trước khi đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, HoSE cũng có thông báo nhắc nhở QCG do chậm công bố thông tin về 14 giao dịch trị giá 3.200 tỷ đồng. HoSE nêu, việc doanh nghiệp chậm công bố thông tin, thiếu sót đã gây ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư. Do vậy, QCG bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, đồng thời đề nghị thực hiện đúng các nghĩa vụ của của tổ chức niêm yết.

Ngày 18/12/2018, QCG đã có văn bản giải trình về những nội dung liên quan đến "ma trận khối nợ nghìn tỷ" cũng như các giao dịch góp, thoái vốn diễn ra từ năm 2013-2017.

Theo QCG, do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin. Phía Công ty cũng thừa nhận đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất.

4 năm "vỡ" mục tiêu, âm dòng tiền kinh doanh

Trên sàn chứng khoán, kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai liên tiếp chìm trong sắc đó, cho đến phiên giao dich ngày hôm nay cổ phiếu này đã đảo chiều thành công và ghi nhận mức tăng 2% lên chốt phiên tại 3.570 đồng/cp.

Diễn biến tích cực này của QCG diễn ra bất chấp thông tin kém khả quan về kết quả kinh doanh năm 2019 do doanh nghiệp này vừa công bố.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2019 vừa công bố, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan ghi nhận 858 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% trong năm 2019. Tuy nhiên do giá vốn tăng nhanh, nên lợi nhuận gộp của QCG giảm mạnh tới 49,7%, xuống còn hơn 119 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính không biến động lớn, nhưng chi phí tài chính tăng hơn gấp đôi (chủ yếu chi phí lãi vay tăng 70%). Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác 57 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2018, nên lợi nhuận sau thuế của QCG giảm gần 20%, mang về 81 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 80 tỷ đồng giảm 17% so với 2018.

Được biết năm 2019, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu đạt 1.250 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kết thúc năm 2019 công ty chỉ hoàn thành được 69% mục tiêu về doanh thu và 50% mục tiêu về lợi nhuận. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, QCG của bà Nguyễn Thị Như Loan "vỡ" kế hoạch kinh doanh năm.

Quốc Cường Gia Lai “vỡ” kế hoạch kinh doanh, cổ phiếu được “tháo còng” - Ảnh 3.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của QCG

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của Công ty đạt 11.427 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn đạt 9.147 tỷ đồng, tăng 3%; tài sản dài hạn đạt 2.280 tỷ đồng, tăng 6%.

Tại thời điểm 31/12/2019, tiền và tương đương tiền của QCG chỉ còn vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng, giảm mạnh 88% so với đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính và khoản phải thu cũng giảm mạnh, trong đó khoản phải thu chỉ hơn 454,5 tỷ đồng, giảm hơn 59%.

Hàng tồn kho tiếp tục tăng 13%, ghi nhận 8.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án hơn 8.032 tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính của QCG không nêu chi tiết ở dự án nào.

Gia tăng tồn kho, trong khi lợi nhuận suy giảm đã khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của QCG âm hơn 69 tỷ đồng. Đây cũng là năm âm dòng tiền hoạt động đầu tiên của QCG kể từ 2016 đến nay.

Nợ phải trả của Công ty tại thời điểm cuối năm đạt 7.130 tỷ đồng, chiếm hơn 62% tổng tài sản. Trong đó, phải trả ngắn hạn khác vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 4.624 tỷ đồng chủ yếu là khoản tiền nhận từ Sunny cho Dự án Phước Kiển.

Cuối năm 2019, QCG của bà Nguyễn Thị Như Loan có 1.042 tỷ đồng phải trả các bên liên quan, trong đó riêng phần phải trả cho các cá nhân là 594 tỷ đồng. Các cá nhân này là thành viên gia đình bà Loan bao gồm: Bà Loan, con gái Nguyễn Ngọc Huyền My, con rể Lầu Đức Duy (chồng bà Huyền My) và "gương mặt thân quen" là cổ đông Lại Thế Hà, Phó tổng giám đốc QCG, cùng con gái ông Hà là bà Lại Thị Hoàng Yến.

Phần còn lại cũng là các pháp nhân có liên quan đến những cá nhân trên. Chẳng hạn, QCG vay của Quốc Cường Land (đơn vị với vai trò phát triển và phân phối các dự án bất động sản cho QCG) 193 tỷ đồng; CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường 72,5 tỷ đồng (Tổng giám đốc là ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan). CTCP TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia 153 tỷ đồng (có cổ đông lớn là bà Hoàng Yến, bà Huyền My).

Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng đầu tư phát triển Nhà Hưng Thịnh cho QCG mượn 25,65 tỷ đồng (các thành viên góp vốn là bà Lại Thị Hoàng Yến, bà Lại Thị Hương Giang, con ông Lại Thế Hà) và ông Đinh Văn Hùng (10% vốn)).

Lê Thúy
Cùng chuyên mục