Hà Nội phát hiện nhiều mẫu thịt, hoa quả tồn dư hóa chất

29/07/2019 10:11 GMT+7
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các Sở, Ban ngành đã lấy hàng ngàn mẫu thịt và rau củ quả tươi đi xét nghiệm các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, cả hai thực phẩm đều tăng mức độ tồn dư các chỉ tiêu vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật so với năm 2018.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trực thuộc Sở đã lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với 1.412 mẫu nông lâm thủy sản. Hiện đã có kết quả phân tích của 824 mẫu. Trong đó, phát hiện 34 mẫu có vi phạm (chiếm tỷ lệ 4,1%).

Nhiều mẫu rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (ảnh minh họa)

Tỷ lệ thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh là 18/170 mẫu (chiếm 11,6%), tăng so với cùng kỳ năm 2018 (10,6%). 13/473 mẫu rau, củ, quả tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (chiếm 2,7%), tăng so với cùng kỳ năm 2018 (1,5%). Tỷ lệ thủy sản vi phạm về chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 03/71 mẫu (chiếm 4,2%), giảm so với cùng kỳ năm 2018 (15,9%).

Về kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố, trong số 83 mẫu sản phẩm chế biến để kiểm tra chất lượng, hậu công bố sản phẩm, kết quả, có 1 mẫu sản phẩm nước mắm không đạt chỉ tiêu độ đạm so với công bố. 82 mẫu thịt, chè, cà phê, gạo, rau củ quả, muối, gia vị, thủy sản chế biến… đều bảo đảm chất lượng sau hậu kiểm.

Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, mỗi năm, nước ta chi ra khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu, trừ cỏ và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc.

Trong số này, chiếm gần 50% là thuốc trừ cỏ, tương đương khoảng 19.000 tấn; tiếp đó là các loại thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32%, tương đương 16.400 tấn. Với một lượng rất lớn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan như hiện nay, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra các hoá chất bảo vệ thực vật hiện nay có một số nhóm chính như Phospho hữu cơ, Chlor hữu cơ, Carbamat, thuốc diệt cỏ với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng và quản lý.

Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thậm chí là thuốc kích thích tăng trưởng sát ngày thu hoạch, không theo liều lượng, ngoài danh mục cho phép đã để lại rất nhiều hệ lụy. 

Thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá cao trong rau quả, thịt là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc thực phẩm, gây rối loạn thần kinh trung ương, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thị lực, thính lực, suy nhược cơ thể, phụ nữ bị các tai biến sinh sản, các dị tật bẩm sinh ở trẻ em, gây ung thư và chết. Tình trạng nhiễm độc khác nhau tuỳ theo loại hoá chất và liều lượng mắc phải. Các hoá chất bảo vệ thực vật thường gây nhiễm độc qua đường hô hấp, qua đường tiêu hoá.

Mai Trang
Cùng chuyên mục